Nỗi ám ảnh bị kẹt trong thang máy nhà cao tầng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sự tiện ích của thang máy đối với chung cư và tòa nhà cao tầng không thể phủ nhận, tuy nhiên với việc bảo trì, bảo dưỡng không đúng quy trình, quy định thời gian... đã và đang trở thành nỗi ám ảnh của nhiều cư dân vì thang máy xuống cấp và kẹt bất cứ lúc nào.
Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, CAQ Bắc Từ Liêm giải cứu vụ kẹt thang máy tại chung cư thành phố giao lưu nằm trên địa bàn quận

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, CAQ Bắc Từ Liêm giải cứu vụ kẹt thang máy tại chung cư thành phố giao lưu nằm trên địa bàn quận

Sợ… nhưng vẫn phải dùng

Cho đến nay đã trải qua gần 10 ngày nhưng cháu P.B.A 10 tuổi, bị mắc kẹt trong thang máy ở chung cư Nguyễn Hoàng, quận Nam Từ Liêm vẫn còn hoảng sợ và chấp nhận đi thang bộ mặc dù nhà ở tầng cao. Điều may mắn khi cháu A đi một mình trong thang máy, nhưng loay hoay đẩy mất gần 10 phút thì đã thoát ra được nên không phải gọi lực lượng cứu nạn, cứu hộ.

Trước đó, khoảng 6h42 ngày 10-10-2022, Công an quận Bắc Từ Liêm nhận được thông tin một vụ kẹt thang máy tại tòa nhà CT1 B2, Khu đô thị Giao Lưu, đã nhanh chóng điều động cán bộ, chiến sĩ tới hiện trường.

Nhận định người mắc kẹt là cháu N.L.V (SN 2007), đơn vị đã triển khai công tác cứu nạn, cứu hộ đưa nạn nhân ra ngoài an toàn.

Nỗi lo bị kẹt thang máy không chỉ ám ảnh với trẻ nhỏ mà còn cả đối với người lớn. Bởi với hệ thống thang máy đã quá cũ kỹ, xuống cấp như đang tồn tại thì sự cố “nhốt” người ở bên trong là “chuyện thường ngày ở chung cư Hà Nội”. Liên tiếp trong thời gian qua, các vụ rơi, kẹt thang máy xảy ra khiến người dân hoang mang. Trong khi đối với tòa nhà cao tầng, đây là phương tiện hữu hiệu cho việc di chuyển hàng ngày.

Các vụ kẹt thang máy nguy hiểm phải kể đến như: ngày 7-9-2022, Công an quận Nam Từ Liêm cho biết, lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an quận phối hợp với Ban Quản lý tòa nhà HH1A, Cụm chung cư FLC Đại Mỗ, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm giải cứu thành công 10 người bị mắc kẹt trong thang máy.

Ngày 30-11-2020, tại tòa nhà B10A Nam Trung Yên, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy một thang máy chứa hơn 10 người đang chạy từ tầng 11 xuống đến tầng 5, bất ngờ bị rơi tự do xuống mặt đất. Vụ việc khiến nhiều người bị thương.

Tại tòa nhà B10A Nam Trung Yên, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy một thang máy chứa hơn 10 người đang chạy từ tầng 11 xuống đến tầng 5, bất ngờ bị rơi tự do xuống mặt đất

Tại tòa nhà B10A Nam Trung Yên, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy một thang máy chứa hơn 10 người đang chạy từ tầng 11 xuống đến tầng 5, bất ngờ bị rơi tự do xuống mặt đất

Sự cố tai nạn thang máy ngày càng xuất hiện và có chiều hướng thường xuyên, thế nhưng vẫn chưa là hồi chuông cảnh báo cho việc đảm bảo an toàn, tính mạng người dân. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những tai nạn được cho là hy hữu “rơi thang máy hoặc kẹt thang máy”. Thế nhưng, cần thấy được trách nhiệm của Ban quản lý tòa nhà về công tác bảo dưỡng, bảo trì, kiểm tra hệ thống này. Đây là khâu vô cùng quan trọng đối với thiết bị kỹ thuật như hệ thống thang máy, để qua đó kịp thời thay thế, khắc phục hư hỏng đảm bảo an toàn.

Theo tìm hiểu của phóng viên ANTĐ, không chỉ những tòa chung cư cũ xây dựng cách đây 5 đến 10 năm mới có sự cố này, mà có cả những tòa chung cư mới đưa vào sử dụng cũng đã bị rơi vào tình trạng hỏng hóc.

Đặc biệt, đối với những tòa chung cư còn chưa phân định được rõ ràng về việc giao kinh phí bảo trì cho ai quản lý và chi phí định kỳ bảo dưỡng thang máy. Hơn thế nữa, có những tòa chung cư chủ đầu tư đã bàn giao từ chục năm trước, nhưng đến nay còn chưa thành lập được Ban quản trị đã dẫn tới việc “cha chung không ai khóc”. Vì các khâu bảo dưỡng, bảo trì đã bị bỏ ngỏ. Còn đối với người dân, dù biết nguy hiểm nhưng vẫn phải sử dụng bởi nếu không chỉ còn cách "bách bộ" mà thôi.

Các bước an toàn khi gặp sự cố thang máy

Trước những vụ mắt kẹt, rơi thang máy trong thời gian qua, để đảm bảo an toàn cho người dân, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội đã yêu cầu Công an các địa bàn phối hợp với Ban quản lý tòa nhà tuyên truyền, phổ biến kiến thức, đồng thời kiểm tra khâu bảo dưỡng, bảo trì hệ thống thang máy tại các tòa chung cư, tòa nhà trên địa bàn thành phố.

Theo đó, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP chỉ rõ tiềm ẩn nguy cơ: “Thang máy bị mất điện là sự cố có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào, có thể do nguồn điện trong thang bị lỗi thiết bị hoặc do ngắt nguồn điện mà không có thông báo trước. Khi mất điện, thang sẽ ngừng và đèn trong thang cũng tắt. Trường hợp có khi vẫn có điện sáng đèn cửa thang máy không thể mở ra khi đến tầng lựa chọn để người trong thang máy bước ra ngoài. Sự cố rơi tự do là khi thang máy gặp sự cố chạy vượt quá tốc độ cho phép”.

Khi gặp các tình huống trên, người dân cần lưu ý các bước như: Thật bình tĩnh, không la hét, gào khóc, hoạt động mạnh, vì lượng oxy trong thang máy kín rất ít, không gian chật hẹp khiến người yếu rất dễ ngất xỉu và gặp nguy hiểm.

Hãy dựa lưng vào vách, nắm chắc tay vịn, hơi trùng đầu gối đề phòng thang máy rơi tự do (chỉ rời tư thế này khi thang máy đứng yên và phải trở lại tư thế này ngay khi thang không ổn định, hoặc trôi).

Chờ thiết bị cứu hộ trong thang máy. Thang máy tải khách hiện nay đều có bộ cứu hộ tự động Automatic Rescue Device (gọi tắt là ARD), tác dụng của bộ cứu hộ ARD nhằm giúp đưa thang về vị trí gần nhất để cho người bị kẹt trong thang có thể thoát ra ngoài thông qua hệ thống tích điện. Tuy nhiên, trong 1 số trường hợp thì hệ thống ARD bị hỏng hóc hoặc không hoạt động thì người bị kẹt có thể nhờ sự chợ giúp bên ngoài.

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an huyện Đông Anh giải cứu vụ mắc kẹt trong thang máy với số lượng 38 người

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an huyện Đông Anh giải cứu vụ mắc kẹt trong thang máy với số lượng 38 người

Gọi trợ giúp từ bên ngoài: Không nhất thiết phải bấm loạn xạ các nút đến các tầng khác để xem nó có di chuyển tiếp hay không. Thay vào đó, hãy thử bấm nút mở cửa. Nếu thang máy vẫn không có phản ứng thì hãy kêu cứu ngay lúc đó hoặc ấn "ALARM/HELP/TRỢ GIÚP" để liên hệ với bộ phận trực thang máy. Hoặc liên lạc với bên ngoài bằng điện thoại, gọi to, gõ vào cửa thang máy (chỉ nên dùng chùm chìa khóa, gót giày… gõ cửa thang máy, không nên đập mạnh vì có thể làm thang chuyển động bất lợi) rồi chờ đợi người giúp đỡ.

Hãy ấn chuông để liên hệ với bộ phận trực thang máy: Nếu làm mọi cách kêu cứu mà không được, hãy dùng vật kim loại cạy cửa thang máy (chìa khóa xe, giũa móng tay, bấm móng tay, gót giày nhọn… như chìa khóa xe tay ga là thích hợp nhất). Đưa vật kim loại vào khe cửa và từ từ bẩy ra để sóng điện thoại tràn vào rồi gọi điện thoại báo cho người thân tới giúp. Lưu ý là lách mặt mỏng chìa khóa vào khe cửa, xoay nhẹ như mở khóa rồi dùng sống chìa để bẩy từ từ (không bẻ ngang kẻo gãy chìa). Một tay bẩy, một tay kéo mép cửa thang máy từ từ nhưng mạnh tay ra, cửa hở đến đâu chêm đồ vào đến đó (như sách vở, ví…). Vừa làm, vừa gọi to và gây động lớn để báo cho người ngoài.

Tránh dùng vật cứng cậy, phá cửa thang máy vì không giúp được gì, còn làm hỏng thêm thiết bị, có khi gây nguy hiểm cho người bên trong, hoặc cản trở cứu hộ. Không tự ý trèo ra ngoài qua cửa thoát hiểm: Trong thời gian chờ đợi, hãy cố giữ bình tĩnh và không nên tìm các thoát ra ngoài bằng cửa thoát hiểm trên nóc cabin vì trên đó có nhiều thiết bị điện dễ gây giật.

Trong trường hợp thang máy rơi tự do, hãy nằm song song với sàn nhà ngay lập tức, càng gần chính giữa thang càng tốt. Điều này sẽ giúp phân bố đều lực rơi lên toàn bộ cơ thể, giảm thiểu tối đa thương tích. Gối đầu lên một tay để tránh bị thương đầu, một tay che mặt để không bị các vật khác rơi lên mặt. Nền cabin thang máy là nơi an toàn nhất khi thang máy bị rơi.

Thoát ra ngoài: Khi cửa thang máy mở ra, thì đừng vội bước ra, hãy chú ý xem đang ở vị trí nào, nhưng chớ có thò đầu hay tay chân ra: Nếu thang ở lưng chừng thì ngay phía dưới cửa thang sẽ là hầm sâu nguy hiểm, không nên ra. Nếu thang đang ở lưng chừng giữa 2 tầng thì nên xuống tầng dưới. Khi nhảy ra ngoài cần nhanh và dứt khoát, và không nên quay trở vào cửa thang kẻo thang trôi xuống, hoặc đi lên sẽ gây tai nạn.

Luôn giữ bình tĩnh và trang bị những kỹ năng xử lý tình huống khi thang máy gặp trục trặc là vô cùng cần thiết và quan trọng giúp chúng ta tự bảo vệ bản thân và những người xung quanh.