Nợ xấu như gió bay đi

ANTĐ - Chính thức, theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại phải giảm nợ xấu xuống mức 3% tổng dư nợ. 

Đó là một tín hiệu đáng mừng, một tín hiệu cho thấy một cục máu đông làm tắc nghẽn dòng vốn cung cấp năng lượng cho đoàn tàu kinh tế đã được hóa giải. Tuy nhiên,với tình trạng NHNN phải mua lại hàng loạt các ngân hàng thương mại với giá 0 đồng, hàng loạt các lãnh đạo ngân hàng bị bắt giữ, buộc từ nhiệm đã làm dư luận lo lắng.

Phải chăng các giải pháp giảm nợ xấu ngân hàng chưa cho hiệu quả hoặc là nợ xấu giống như quỷ nhiều mặt, diệt ở nơi này nó lại có mặt ở nơi khác? Hoặc là việc giảm nợ xấu chỉ là hình thức. Còn các khoản nợ xấu thật đã như gió bay đi để lại các ngân hàng ngơ ngẩn nhìn trời than tiếc, để các ngân hàng đối diện với những khoản lỗ khổng lồ?

Có lẽ cũng nên tìm hiểu một chút: Nợ xấu là gì? Nợ xấu nói theo ngôn ngữ ngân hàng là các khoản nợ dưới chuẩn, có thể quá hạn và bị nghi ngờ về khả năng trả nợ lẫn khả năng thu hồi vốn của chủ nợ. Còn nói theo ngôn ngữ dân gian là nợ không đòi được, con nợ mất khả năng trả nợ, món tiền cho vay coi như mất rồi. 

Xử lý nợ xấu ra sao? Cần phải nhìn vấn đề nợ xấu ở hai mặt. Thứ nhất, giải quyết các món nợ xấu làm sao để không cản trở các hoạt động của ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Với mục đích này, ngoài việc tăng cường đòi nợ, chỉ cần các giải pháp kỹ thuật. Thứ hai, bằng mọi cách truy nã con nợ, sát sao đòi nợ đồng thời sớm thu giữ, bán các tài sản con nợ thế chấp. NHNN và các ngân hàng thương mại đã và đang làm tốt việc xử lý cả trên thực tiễn thu hồi vốn và các giải pháp kỹ thuật để hạ tỷ lệ nợ xấu xuống mức an toàn.

Theo thông báo của NHNN, tỷ lệ nợ xấu từ mức khoảng 17% cuối năm 2012 đã giảm xuống 3,81% cuối tháng 7-2015. Các ngân hàng ngoài việc thu nợ (không đáng bao nhiêu so với tổng nợ) mà còn tích cực trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu, bán nợ…Và từng bước, nợ xấu không còn ảnh hưởng đến dòng chảy vốn, không ảnh hưởng đến thanh khoản các ngân hàng. Đó là một tín hiệu tốt đối với nền kinh tế.

Nhưng ở một mặt khác, chúng ta nhìn thấy nợ xấu thật tiêu điều. Dù bán qua bán lại, dù trích lập dự phòng, dù cơ cấu lại…các món nợ đó vẫn còn nguyên. Chúng ta vẫn đi qua các khu đô thị “ma”, không có người ở, đi qua những nhà máy rộng lớn nhưng im lìm, không một tiếng động, qua nhưng khu dự án mênh mông, chỉ có bò ăn cỏ... Đó chính là những con nợ xấu của ngân hàng mà các khoản nợ thật, nợ không đòi được vẫn còn nguyên con số hàng triệu tỷ đồng. Làm sao để đòi được khi con nợ đã mất khả năng chi trả.

Đến nợ còn không trả được thì những bản án nghìn tỷ, trăm tỷ cũng chỉ để dùng trang trí, không ra được tiền. Phải nhanh chóng xử lý các tài sản thế chấp, tài sản đảm bảo để thu hồi nợ. Phải làm sống lại các khu đô thị, các nhà máy, dự án để biến thành tiền, cung vốn cho nền kinh tế. 

Cũng do khâu xử lý tài sản bảo đảm bị vướng mắc, tốc độ xử lý nợ xấu của các ngân hàng bị “chặn” lại. Hiện có 70% khoản vay thế chấp bằng BĐS, nhưng rất khó xử lý. Hãy trả lại quyền xử lý tài sản đảm bảo cho chủ nợ. Đó là cách giảm nợ xấu thực chất nhất.