Nợ xấu khủng khiếp đòi hỏi những quyết sách lớn

ANTĐ - “Một quả bom” tài chính đã nổ đầu tháng 7-2012, khi Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) công bố số liệu vay nợ ngân hàng của các dự án bất động sản. Báo cáo "bất ngờ" này đã cung cấp cho giới đầu tư, và đặc biệt là người dân, một cái nhìn toàn diện hơn về nợ của khối xây dựng và bất động sản và nợ xấu của các ngân hàng… 
Nợ xấu khủng khiếp đòi hỏi những quyết sách lớn ảnh 1
Ảnh Internet


Những con số đáng sợ

Tính đến thời điểm cuối năm 2011, tổng dư nợ cho vay bất động sản là 348.000 tỷ đồng. Theo nhận định của UBGSTCQG, con số này vượt hơn 1,8 lần so với con số đã được các ngân hàng công bố trước đây, tức khoảng xấp xỉ 200.000 tỷ đồng. Nhưng còn đáng sợ hơn khi giới nghiên cứu ngân hàng đưa ra một dự báo 50% số nợ cho vay bất động sản tức là khoảng 174.000 tỷ đồng không có khả năng thu hồi được.

Với những con số này dự báo về nợ xấu ngân hàng đã ngoài tầm kiểm soát. Và bây giờ khi xuất hiện thêm khoảng 174.000 tỷ đồng nợ xấu nữa tỷ lệ nợ xấu thực sẽ là bao nhiêu? Chưa kể với sự tính toán và sử dụng khôn ngoan các công cụ kế toán không biết có còn “quả bom” nào phát nổ nữa hay không. Trong báo cáo mới nhất  UBGSTCQG cũng nhận định, số nợ xấu bất động sản tại các ngân hàng cao gấp 8 lần so với số liệu do chính các ngân hàng này thông tin. Điều đó cũng có nghĩa là trong một thời gian khá dài, hầu hết các ngân hàng vẫn cố ém nhẹm con số dư nợ cho vay thực tế và kéo theo đó là tỷ lệ nợ xấu  đã trở nên nguy hiểm đối với họ. 

BIDV đã trở thành "quán quân" về dư nợ cho vay xây dựng - bất động sản hơn 42.000 tỷ đồng.  Nhưng chiếm tỷ lệ cao hơn hẳn trong tổng dư nợ lại là những ngân hàng nhỏ như Phương Nam, Phương Tây, Đông Á: 26%. Còn SHB cũng có tỷ lệ cho vay xây dựng và bất động sản chiếm đến 18% tổng dư nợ cho vay.

Từ quý 4 năm ngoái, TS Lê Xuân Nghĩa - khi đó là Phó Chủ tịch UBGSTCQG, đã tuyên bố ngay cả Ủy ban này và Ngân hàng Nhà nước đều không nắm rõ được con số nợ xấu và dư nợ cho vay bất động sản thực tế là bao nhiêu. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã ít nhất hai lần yêu cầu các ngân hàng báo cáo về hiện trạng nợ và nợ xấu, nhưng cuối cùng vẫn chưa có một con số cụ thể cuối cùng đưa ra và chưa có ngân hàng nào bị điểm mặt.

Hôm qua, ngày 7-7 tại Hội nghị ngành Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đưa ra con số nợ xấu của hệ thống tín dụng chiếm 4,47% tổng dư nợ tính đến tháng 5-2012. Đó là một con số quá cao, song dư luận cho rằng đó cũng chưa phải là con số cuối cùng.

Vì vậy đến thời điểm này dư luận vẫn thót tim chờ đợi những tin xấu về nợ xấu. Nhưng còn hơn chờ đợi tin về nợ xấu, dư luận còn băn khoăn, thậm chí tranh luận quyết liệt về những giải pháp giải quyết số nợ xấu khổng lồ của các ngân hàng.

Nhìn ra thế giới 

Không chỉ trong nền kinh tế chuyển đổi như chúng ta mới xuất hiện nợ xấu ngân hàng, các nước trên thế giới, kể cả các nền kinh tế phát triển cũng có lúc rơi vào tình trạng tương tự... Bong bóng bất động sản nổ tung vào năm 2007 khiến rất nhiều ngân hàng thế chấp của Hoa Kỳ lâm vào tình thế phá sản. Ngay tại thời điểm này nợ xấu tại các ngân hàng Trung Quốc cũng lên tới 2.000 tỷ USD.

Khủng hoảng tài chính giai đoạn 1997-1999 kéo dài đến 2001 đã làm tê liệt hệ thống ngân hàng ở châu Á, đặc biệt là các nền kinh tế phát triển với tỷ lệ nợ xấu có giá trị từ khoảng 10% GDP đến 55% GDP. Trong khi đó, số liệu nợ xấu công bố chính thức chỉ vào khoảng 30% đến 50% của số liệu thực tế theo ước tính của các tổ chức dịch vụ tài chính như Euromoney, Ernst&Yong, Merrill Lynch, BusinessWorld; Standard & Poor’s and McKinsey… Và ở mỗi nước gặp tình trạng này tùy tình hình cụ thể họ có những cách xử lý khác nhau và cũng đã có thành công.

Tại Mỹ, hai quỹ phòng hộ của Bear Stearns - ngân hàng đầu tư lớn thứ 5 của Mỹ quỵ ngã, rồi đến Citygroup cũng thua lỗ, ngay cả Tổ chức tài chính Lehman Brothers vào loại lớn nhất và lâu đời nhất của Mỹ cũng bị phá sản. Ngay lập tức, gói cứu trợ 700 tỷ USD từ chương trình Hỗ trợ giải quyết tài sản xấu (TARP) được tung ra dưới sự quản lý Nhà nước nhằm mua nợ xấu, hỗ trợ người dân mất đất, kích cầu thị trường bất động sản. 

Đó là gói hỗ trợ cho cả người dân và doanh nghiệp, tuy vậy  với số tiền 700 tỷ USD vẫn chưa làm "bình phục" tất cả các doanh nghiệp nguy cơ phá sản. Điều này đã khiến chính quyền Hoa Kỳ cân nhắc và chọn lựa một hướng đi mới và táo bạo hơn: Chương trình hợp tác đầu tư Chính phủ - tư nhân (PPIP) được Bộ trưởng Tài chính Mỹ công bố ngày 23-3-2009.

Quá trình mua bán nợ xấu PIPP của Mỹ khác với TARP, không còn hoàn toàn chịu sự tác động của Nhà nước mà đã có sự góp mặt của tư nhân với vai trò quản lý điều tiết kinh tế, thanh lọc các khoản nợ xấu, xử lý tiêu cực hệ thống. Đặc biệt, mô hình này ngoài việc thể hiện vai trò Nhà nước còn có thể gia tăng tính minh bạch của các hoạt động nội bộ. Như vậy mô hình xử lý nợ xấu PPIP của Mỹ đã bổ sung những thiếu sót của các công ty nợ quốc doanh theo kiểu TARF và tình hình nợ xấu cũng đã cơ bản được giải quyết. 

Hai giải pháp xử lý nợ xấu phổ biến mà hầu hết Chính phủ các nước châu Á đã làm là khuyến khích thị trường thứ cấp cho các tài sản xấu và các khoản nợ xấu với việc nới lỏng các hạn chế ở thị trường thứ cấp này và bơm tiền vào các công ty mua bán nợ (AMCs) của Chính phủ để giải quyết vấn đề nợ xấu của các ngân hàng. Giải pháp này đã đem đến một kết quả không đến nỗi tệ, AMCs đã thu hồi được 110 tỷ USD từ tổng số 350 tỷ USD nợ xấu mua từ các ngân hàng.

Còn với chúng ta?

Theo kinh nghiệm quốc tế, việc xử lý các khoản nợ xấu có thể được giải quyết bằng cách xử lý nội bộ thu hồi bởi cán bộ ngân hàng hoặc dịch vụ thu hồi nợ, xử lý qua việc bán nợ cho các tổ chức tài chính trung gian và bán nợ xấu cho công ty mua bán nợ của Nhà nước. 

Vậy chúng ta nên xử lý như thế nào? Một số phân tích chỉ ra rằng, giải quyết nợ xấu bắt nguồn từ xử lý nội bộ thu hồi bởi cán bộ ngân hàng hoặc dịch vụ thu hồi nợ cũng là một giải pháp tốt khi mà ngân hàng, cán bộ ngân hàng là người nắm được nhiều thông tin về khách hàng nhất kể từ khi họ ra quyết định cho vay. Tuy nhiên ở nhiều nước việc thu nợ ngay là điều không thể bởi khả năng trả nợ của người vay hạn chế. Ở nước ta vào thời điểm này việc đôn đốc thu nợ không thể khả thi vì với sự suy sụp thị trường, sức khỏe của doanh nghiệp đã ở mức quá yếu. 

Giải pháp thành lập các công ty mua bán nợ rất khả thi, tuy nhiên với năng lực của nền kinh tế, với khả năng ngân sách, việc thành lập các công ty mua bán nợ với vốn ngân sách là điều không thể. Cách tốt nhất là thành lập các công ty mua bán nợ với vốn tư nhân là chủ yếu, có cổ phần hạn chế của Nhà nước và sự hỗ trợ của Nhà nước về chính sách. 

Quan trọng hơn cả là  cần nhanh chóng có những quyết sách mạnh vực dậy các doanh nghiệp, kích cầu thị trường, để các doanh nghiệp có khả năng trả nợ. Mặt khác đẩy mạnh cơ cấu lại thị trường tài chính, mạnh dạn cho phép quốc hữu hóa hoặc mua bán lại các ngân hàng, cho phép phá sản các ngân hàng yếu kém. Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, giám sát chặt chẽ hoạt động cho vay dưới chuẩn, nâng cao tiêu chuẩn về quản trị công ty trong các ngân hàng... là các giải pháp mang tính hệ thống từ Ngân hàng Trung ương. Đó mới là sự mong đợi của dư luận.