Nợ công “di căn”

ANTĐ - Thị trường chứng khoán thế giới vừa trải qua một ngày giao dịch tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra, khi các chỉ số chứng khoán tại Mỹ và châu Âu tuột dốc thảm hại. Tâm lý bi quan đang bao trùm những “đầu tàu” kinh tế thế giới.

Chỉ số Nasdaq của Mỹ đang giảm mạnh

Tại Mỹ, chốt phiên giao dịch ngày 4-8, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 4,3% - mức giảm trong ngày thấp nhất kể từ năm 2008 - xuống còn 11.383,68 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng giảm 4,8% xuống còn 1.200,07 điểm, trong khi chỉ số công nghiệp nặng Nasdaq Composite giảm tới 5,1%, còn 2.556,39 điểm. Cả ba chỉ số chứng khoán hàng đầu của Mỹ hiện đều ở mức thấp hơn mức khởi điểm năm 2011. Trên các sàn giao dịch chứng khoán tại châu Âu, tình hình cũng bi đát không kém. Thị trường chứng khoán Paris giảm 0,81%, London giảm 1,44%, Frankfurt giảm 0,81%, Milano giảm 1,44% và Madrid giảm 0,22%.

Được coi như “hàn thử biểu” của nền kinh tế, các thị trường chứng khoán ở Mỹ và châu Âu đang phát đi những tín hiệu cảnh báo về tương lai ảm đạm đối với hai khu vực kinh tế được coi là quan trọng hàng đầu trên thế giới. Trước hết là Mỹ, dù lưỡng viện Quốc hội Mỹ và Nhà Trắng đã đạt được thỏa thuận vào giờ chót về mức trần nợ công, cứu nước Mỹ khỏi nguy cơ vỡ nợ, nhưng những chỉ số kinh tế vừa công bố cho thấy khả năng phục hồi của nền kinh tế Mỹ là rất mong manh.

Cơ quan thẩm định tài chính Moody’s chỉ đánh giá Mỹ với “viễn cảnh âm”, tức nước này có thể sẽ bị mất trong trung hạn mức tín nhiệm tài chính để có thể đi vay với lãi suất ưu đãi. Còn các nhà đầu tư thì lo ngại nền kinh tế số một thế giới này sẽ lại bị lâm vào khủng hoảng bởi chưa có dấu hiệu khả quan nào xuất hiện trên thị trường việc làm và trong ngành dịch vụ vốn tạo ra tới gần 70% GDP của Mỹ. 

Nhìn sang châu Âu, hàng loạt dấu hiệu dồn dập gần đây cho thấy “căn bệnh” nợ công tại khu vực này đã bắt đầu di căn. Trong khi Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ireland còn đang lao đao chống chọi với cơn bão nợ nần, thì Italia và Tây Ban Nha cũng sắp trở thành những con nợ có nguy cơ phá sản. Tình thế nguy cấp như vậy mà Liên minh châu Âu (EU) lại tỏ ra đuối sức trong việc khống chế “căn bệnh này”. Ông Jose Manuel Baroso, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) thừa nhận rằng, sau khi giải ngân gói cứu trợ thứ hai dành cho Hy Lạp, các quỹ cứu trợ của EU đã sạch túi. Sự nghi ngờ đang tăng lên khi một số chuyên gia kinh tế cho rằng EU đã “chẩn đoán sai vấn đề nên đã kê đơn thuốc sai”.

Trong bối cảnh như vậy, việc thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu đi xuống là điều dễ hiểu. Nguy hiểm hơn là sự giảm điểm trên sàn chứng khoán Mỹ và châu Âu đã lập tức tác động tới các sàn giao dịch khác trên thế giới. Mở cửa phiên giao dịch ngày 5-8, các chỉ số chứng khoán tại Australia đã giảm hơn 4%, chỉ số chứng khoán Nikkei tại sàn giao dịch chứng khoán Tokyo của Nhật Bản cũng giảm từ 395,09 điểm xuống còn 9.264,09 điểm.

Các sàn chứng khoán lớn ở khu vực Mỹ Latinh như Braxin, Argentina, Mexico cũng giảm điểm khá mạnh.

Không biết biến động trên thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu có biến chứng trở thành căn bệnh ung thư di căn khắp toàn cầu hay không, nhưng đây là thời điểm rất khó khăn với hai khu vực kinh tế này.