Hưởng ứng ngày thế giới phòng chống AIDS 1-12:

Níu giữ sự sống mong manh

ANTĐ - Nếu coi sự bất hạnh lớn nhất đối với một đứa trẻ là bị cha mẹ bỏ rơi thì với những cháu bé đang nằm tại khoa Lây nhiễm bệnh viện Nhi Trung ương phải gọi là đại bất hạnh. Không cha, không mẹ, không cả chốn nương thân, thậm chí các em còn nhiễm HIV/AIDS.

Chị Thu chăm sóc những cháu bé bị AIDS tại viện Nhi


Chúng tôi gặp chị Lê Thị Thu tại một căn phòng nằm cuối hành lang khoa Lây nhiễm. Ở cái khoa mà ngay cả những bệnh nhân đang nằm điều trị tại bệnh viện cũng chẳng muốn lai vãng này thì chị là một vị khách trung thành. Thậm chí, cứ nhìn thấy mặt chị là các bác sỹ chỉ còn biết thở dài sườn sượt. Chị là một “chuyên gia” chăm sóc những cháu bé mắc AIDS từ Trung tâm Giáo dục lao động xã hội số 2 đưa xuống nhờ bệnh viện chạy chữa.

Trung tâm của chị Thu hiện nhận nuôi hàng trăm cháu bé bị mắc căn bệnh thế kỷ. Đại đa số các cháu đều không có nơi nương tựa. “Nếu tính chi li ra thì tôi “đồn trú” ở đây gần 2 tháng rồi, ngay cả đứa bé này - chị Thu vừa nói vừa chỉ vào bé Nguyễn Hạnh Phúc - cũng do bệnh viện gửi lên đấy”. Giải thích cho lý do “nhập viện dài hạn” này, chị Thu bắt đầu câu chuyện: “Cách đây hơn 1 tháng tôi đưa một cháu bé từ trung tâm xuống bệnh viện để điều trị căn bệnh nhiễm trùng cơ hội. Buổi chiều, tranh thủ lúc cháu ngủ say, tôi tha thẩn xuống sân bệnh viện thì bắt gặp một cháu bé được gói trong chiếc chăn mỏng nằm bơ vơ ngay tại ghế đá. Thấy đứa bé khóc dữ quá mà chẳng thấy cha mẹ cháu đâu, tôi bèn ngồi xuống bên cạnh vỗ về. Cứ ngỡ bà mẹ nào đó vô tâm đang bận việc chạy loanh quanh đâu đó lát nữa sẽ quay lại, nào ngờ, càng chờ càng mất hút”.

Đến khi không thể chờ thêm được nữa, chị Thu níu vội một bóng áo blouse trắng đi qua đề nghị các bác sỹ đưa vào khoa chăm sóc. Chỉ đến khi mở chiếc chăn quấn quanh người cháu bé, mọi người mới thấy một mảnh giấy rơi ra có dòng chữ: Cháu nhiễm HIV, nhờ các bác sỹ chăm sóc. Một bà mẹ nào đó đã chối bỏ chính giọt máu của mình. Vậy là một công đôi việc, các bác sỹ của bệnh viện bèn làm thủ tục chuyển luôn cháu bé lên Trung tâm của chị Thu và bây giờ thì chị kiêm nhiệm luôn chức năng làm mẹ của cả 2 đứa con bệnh tật. Đứa bé đó chính là cháu Nguyễn Hạnh Phúc bây giờ.

Có những cháu bé sinh ra đã bất hạnh

Ngày chị Thu đưa đứa lớn khỏi bệnh về trung tâm, cả cơ quan ngạc nhiên khi thấy chị lại “kẹp nách” thêm một đứa khác. Bé Phúc không biết cha mẹ mình là ai, nhưng chắc chắn từ nay, bé đã có một chốn đi về và một bàn tay chăm sóc. Nằm cùng phòng với chị Thu là chị Đặng Thị Tĩnh, cũng là nhân viên trung tâm. Chị Tĩnh hiện lãnh trách nhiệm nuôi 15 đứa con đều mắc AIDS. Lần này chị Tĩnh đưa bé Nguyễn Minh Khôi - 3 tuổi xuống bệnh viện điều trị. 20 ngày nằm viện, chăm sóc các con chỉ với đồng lương 1,6 triệu đồng/tháng, thế nhưng khi chúng tôi gặng hỏi, chị Tĩnh chẳng than thở lấy nửa lời. Nếu chỉ nghĩ tới quyền lợi kinh tế thì đừng làm nghề này. Bởi không thể kiếm lời từ những số phận bất hạnh trong khi bản thân chúng chẳng còn nơi nào để bấu víu - chị Tĩnh nói.

Công tác tại khoa Lây nhiễm này đã nhiều năm, bác sỹ Đỗ Thiện Hải - Phó Trưởng khoa Lây nhiễm cũng hiểu khá rõ tâm tư của chính những người như chị Thu, chị Tĩnh. Anh bảo: “Phần lớn xã hội bây giờ vẫn còn kỳ thị với những người mắc AIDS. Thậm chí ngay cả những đứa trẻ ngây thơ, vô tội cũng chịu chung cảnh như vậy. Thế nên các chị ấy kiệm lời là phải”. Hàng ngày các chị cùng các bác sỹ nơi đây lặng lẽ làm phần việc của mình. Có chăm những đứa trẻ này mới hiểu hết nỗi vất vả của người chăm sóc. Phần lớn chúng đều còi cọc, ốm sốt liên tục vì viêm phổi, tiêu chảy hay lở loét khắp người. Đêm thì quấy khóc, nếu không có một tấm lòng yêu trẻ thì người ta sẽ bỏ cuộc ngay từ những ngày đầu.

“Lẽ đời, người ta nuôi trẻ, chạy chữa cho chúng khi đau ốm tất thảy đều mong các con mau lớn trở thành người có ích. Đằng này, mình nuôi trẻ nhưng lại biết trước cái kết cục buồn, nhiều khi cũng đau lòng lắm. Thế nhưng, nhìn những gương mặt ngây thơ kia, nếu chấp nhận buông xuôi thì thật chẳng thể đành lòng - chị Tĩnh nói - vậy nên chúng tôi cứ cố gắng níu giữ những sự sống mong manh ấy như níu giữ tương lai của chính mình”.