Những yếu tố thúc đẩy xuất khẩu quốc phòng của Hàn Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chính phủ Hàn Quốc và các nhà sản xuất quốc phòng đang muốn tăng doanh số bán thiết bị quân sự ra nước ngoài, từ đó tiếp tục đầu tư phát triển các loại vũ khí tiên tiến hơn.
Hàn Quốc đang củng cố vị thế như một trong những nhà sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới

Hàn Quốc đang củng cố vị thế như một trong những nhà sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới

Thương vụ vũ khí lớn nhất của Hàn Quốc

Trong thương vụ xuất khẩu vũ khí lớn nhất trong lịch sử của mình, tuần trước, Hàn Quốc đã đồng ý bán gần 1.000 xe tăng chiến đấu chủ lực K2 cho Ba Lan, cùng với 648 xe pháo tự hành và 48 máy bay chiến đấu FA-50. Thỏa thuận đã được xác nhận vào ngày 27-7 và trị giá ước tính khoảng 20 nghìn tỷ won (tương đương 15,3 tỷ USD). Trong đó, lô 180 xe tăng K2 đầu tiên dự kiến sẽ được chuyển giao cho các lực lượng vũ trang Ba Lan trong năm nay, phần nào bù đắp cho 240 xe tăng mà Ba Lan đã cung cấp cho Ukraine kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine từ tháng 2-2022.

“Chúng tôi muốn hòa bình nên chúng tôi phải chuẩn bị cho chiến tranh. Các lực lượng vũ trang Ba Lan phải mạnh đến mức kẻ xâm lược không thể quyết định tấn công”, ông Mariusz Blaszczak, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan, phát biểu tại lễ k kết. Ông Blaszczak cho biết, lô 48 máy bay chiến đấu FA-50 sẽ thay thế phi đội máy bay chiến đấu Mig do Nga chế tạo, hiện không thể có được phụ tùng thay thế.

“Chất lượng và khả năng cạnh tranh về chi phí của các công ty quốc phòng Hàn Quốc là đặc biệt và rõ ràng chính phủ Ba Lan công nhận điều đó”, Park Jung-won, Giáo sư luật tại Đại học Dankook của Hàn Quốc cho biết. Giáo sư phân tích thêm, Hàn Quốc đã phải đối mặt với rất nhiều thách thức quân sự trong rất nhiều năm, trang thiết bị mà lực lượng vũ trang của họ phải tốt thì Ba Lan mới coi đó là cơ sở đã được thử nghiệm thực địa.

Đáng nói, thỏa thuận này cũng bao gồm giấy phép sản xuất xe tăng tại Ba Lan, trong khi Công ty Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc hy vọng sẽ thành lập cơ sở bảo dưỡng và sửa chữa ở quốc gia EU. Seoul cũng có ý định mở một trường đào tạo cho phi công FA-50, giới thiệu máy bay một cách hiệu quả cho nhiều người mua tiềm năng hơn ở châu Âu.

Nhà xuất khẩu “đáng gờm”

Cho đến nay, máy bay Hàn Quốc - cả máy bay cánh cố định và máy bay trực thăng - đã được bán cho Philippines, Iraq, Indonesia, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Senegal và Peru, trong khi Argentina, Malaysia, Colombia và Ấn Độ bày tỏ sự quan tâm đến một số hệ thống này. Bên cạnh đó, tàu chiến và tàu ngầm tiếp tục phục vụ cho hải quân Thái Lan, Philippines và New Zealand, trong khi các tàu chở dầu được chế tạo cho quân đội Anh và Na Uy. Nhưng pháo tự hành K9 “Thần sấm” mới là phương tiện quân sự bán chạy nhất của Hàn Quốc, với khách hàng là Ấn Độ, Australia, Ai Cập và Na Uy. Trong khi xe tăng K2 được bán cho Oman, Thổ Nhĩ Kỳ thì Australia đang thử nghiệm một biến thể của xe chiến đấu bộ binh K21, với dự kiến mua không dưới 450 chiếc để thay thế các xe bọc thép cũ kỹ của mình.

Hàn Quốc đã thu về 7 tỷ USD tiền bán vũ khí vào năm ngoái, mức cao kỷ lục đối với nước này và con số dự kiến sẽ đạt 10 tỷ USD trong năm nay. Xuất khẩu thiết bị quân sự Hàn Quốc tăng nhanh bởi cả 2 yếu tố cung và cầu.

Theo các nhà phân tích, Hàn Quốc đang củng cố vị thế như một trong những nhà sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới. Ông Dan Pinkston, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Troy nhận định, xu hướng này gắn liền với các mục tiêu chính sách công nghiệp của Hàn Quốc: “Điều này hoàn toàn phù hợp với các mục tiêu công nghiệp hướng vào xuất khẩu dài hạn, có từ những năm 1960 khi thế giới chứng kiến trào lưu xuất khẩu ồ ạt ô tô, tàu thủy, chất bán dẫn… của Hàn Quốc. Các công ty quốc phòng Hàn Quốc chắc chắn sẽ tìm cách nâng cao công nghệ đã có để mở rộng tiếp thị sang các nước khác trên thế giới”.

Ở chiều ngược lại, các chính phủ nước ngoài coi thiết bị quân sự của Hàn Quốc là đáng tin cậy, công nghệ tiên tiến với giá cả phải chăng. Ví dụ, một chiếc máy bay chiến đấu FA-50 giá thành khoảng 30 triệu USD, rẻ hơn đáng kể so với một chiếc F-35 do Mỹ sản xuất, vốn có giá ít nhất 77 triệu USD. Vũ khí quân sự Hàn Quốc không phải là tiên tiến nhất trên thế giới, nhưng ưu thế là cạnh tranh về giá cả đi kèm với chất lượng tốt. Đối với các quốc gia hạng trung, luôn phải cân nhắc giữa chi phí và hiệu quả, thiết bị quân sự của Hàn Quốc được xem là một lựa chọn tốt.