Những trường hợp nào cần xét nghiệm virus Zika?

ANTĐ - Bệnh Zika nguy hiểm như thế nào với phụ nữ mang thai? Việc phát hiện Zika ở phụ nữ mang thai có khó không và những trường hợp nào cần đi xét nghiệm Zika ngay?  Ngày 5-4, PGS.TS Trần Danh Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã trao đổi với chúng tôi về vấn đề này.

Những trường hợp nào cần xét nghiệm virus Zika? ảnh 1

- PV: Làm thế nào để xác định sớm phụ nữ mang thai nhiễm Zika và thai bị hội chứng đầu nhỏ do mẹ nhiễm Zika, thưa Phó giáo sư?

- PGS.TS Trần Danh Cường: Phụ nữ mang thai nếu mắc Zika chính là đối tượng gặp nhiều nguy hiểm nhất, đặc biệt phụ nữ đang mang thai ở 3 tháng đầu thai kỳ. Thường chỉ phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu bị nhiễm Zika thì nguy cơ gây hội chứng đầu nhỏ cho trẻ mới ở mức cao, vì vậy, cần phải giám sát chặt chẽ trong giai đoạn này. 

Sàng lọc và chẩn đoán chứng não nhỏ ở thai nhi là kỹ thuật không khó, chỉ cần siêu âm thai, đo kích thước đầu của trẻ, so sánh với chuẩn là sẽ phát hiện được. Với hệ thống sàng lọc chẩn đoán trước sinh ở nước ta hiện nay, y tế tuyến huyện có thể thực hiện được kỹ thuật này. 

- Việt Nam đã có bệnh nhân nhiễm Zika, vậy những trường hợp nào cần đi xét nghiệm, siêu âm ngay nhằm phát hiện sớm?

- Thông thường, phụ nữ mang thai cần siêu âm, xét nghiệm, khám thai 3 tháng một lần nhưng nếu phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu đang sống ở vùng có dịch Zika hoặc trong bán kính 200m có bệnh nhân nhiễm Zika thì cần phải đi siêu âm 2 tuần một lần. Với những phụ nữ mang thai 3 tháng đầu, nếu có các triệu chứng lâm sàng của bệnh như sốt, phát ban, viêm kết mạc… mới cần đi siêu âm, xét nghiệm virus Zika.

- Nếu phụ nữ mang thai bị nhiễm virus Zika thì có cần bỏ thai hay không?

- Với quy định pháp luật của nước ta, nếu đã khẳng định thai nhi mắc hội chứng đầu nhỏ do bất kỳ nguyên nhân gì cũng được khuyến cáo là nên dừng thai nghén. Việc ngừng thai nghén tùy thuộc theo tuổi thai, nếu phát hiện trước 22 tuần thai thì việc quyết định ngừng thai nghén không khó nhưng nếu muộn hơn 32 tuần thì việc ngừng là khó khăn. Việc này cần được hội chẩn từng trường hợp để có phương án giải quyết. 

Tuy nhiên, chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh là bệnh hiếm gặp và đến nay cũng chỉ mới nghi ngờ có sự liên quan giữa hội chứng đầu nhỏ và bà mẹ nhiễm virus Zika chứ chưa có nghiên cứu khẳng định nào. Ngay ở Brazil, tỷ lệ phụ nữ mang thai mắc Zika có con mắc hội chứng đầu nhỏ chỉ dưới 10%. Do đó, nếu phụ nữ mang thai dương tính với Zika nhưng chưa gây hội chứng đầu nhỏ ở thai nhi thì không bắt buộc phải bỏ thai vì có thể giám sát được.