Những trang hồi ký cho con

(ANTĐ) - Trung úy Cảnh sát hình sự Nguyễn Thành Dũng, Công an quận 11, TP Hồ Chí Minh và câu chuyện đời mình về “cái chết hóa thành bất tử” đã khiến nhiều trái tim rung lên. Sau 5 năm gắng gượng chiến đấu với căn bệnh HIV/AIDS mà anh vô tình bị lây nhiễm trong khi làm nhiệm vụ, ngày 13-6-2006, anh đã trút hơi thở cuối cùng. Xót xa hơn khi vợ anh do bị lây nhiễm từ chồng đã ra đi tháng 12-2005. Anh chị đã ra đi để lại người con trai là cháu Nguyễn Duy Minh. Những tháng ngày cuối cuộc đời, trên giường bệnh anh đã viết những trang hồi ký dành cho con với một tâm nguyện, để mai sau con đọc sẽ hiểu hơn về ba mẹ nó…

Những trang hồi ký cho con

(ANTĐ) - Trung úy Cảnh sát hình sự Nguyễn Thành Dũng, Công an quận 11, TP Hồ Chí Minh và câu chuyện đời mình về “cái chết hóa thành bất tử” đã khiến nhiều trái tim rung lên. Sau 5 năm gắng gượng chiến đấu với căn bệnh HIV/AIDS mà anh vô tình bị lây nhiễm trong khi làm nhiệm vụ, ngày 13-6-2006, anh đã trút hơi thở cuối cùng. Xót xa hơn khi vợ anh do bị lây nhiễm từ chồng đã ra đi tháng 12-2005. Anh chị đã ra đi để lại người con trai là cháu Nguyễn Duy Minh. Những tháng ngày cuối cuộc đời, trên giường bệnh anh đã viết những trang hồi ký dành cho con với một tâm nguyện, để mai sau con đọc sẽ hiểu hơn về ba mẹ nó…

Truy tặng Liệt sỹ cho chiến sĩ Công an nhân dân Nguyễn Thành Dũng
Truy tặng Liệt sỹ cho chiến sĩ Công an nhân dân Nguyễn Thành Dũng

Thuở hàn vi của ba

Tại xóm Đình, Tân Liễu này, nơi ba đã sinh ra và lớn lên trong xóm nghèo lao động. Quanh năm chỉ là bưng biền và nước nổi, bà nội thì tảo tần sớm hôm còn ông nội thì đi biền biệt miền xa. Ba đã lớn dần lên theo tình yêu thương, đùm bọc của bà nội, các cô, các bác của con… Nhưng sự nghèo khó ấy chính là động lực thúc đẩy ba cố gắng học thật giỏi trong những năm học phổ thông. Điều ấy các bác, các cô của con rất hài lòng về con đường học vấn của ba. Năm 1989, rời bỏ mái trường cấp 3 Bình Chánh với bằng tốt nghiệp, ba tiếp tục thi vào trường Cao đẳng Sư phạm với số điểm 18. Nhưng do cuộc sống còn nghèo khó không thể vượt qua nên ba không thể học tiếp được. Ba đã quyết định đăng lính để quên đi nỗi buồn, ba cũng muốn đỡ đi chuyện ăn, chuyện mặc cho gia đình và hơn tất cả, ba muốn đóng góp phần nào cuộc đời mình cho đất nước…

Thế rồi, tháng 9-1989, ba thoát ly gia đình vào ngành công an với chế độ nghĩa vụ quân sự. Ba đã học được những cái hay, học được phẩm chất tốt đẹp của người chiến sỹ Công an nhân dân và nghĩ rằng mình sẽ phấn đấu, phục vụ suốt đời. Ba ra đi đã yên bản thân mình nhưng lúc nào cũng canh cánh trong lòng với nỗi lo về bà nội bị bệnh ở quê nhà một mình. Nhưng khổ nỗi từ khi ba ra đi, bà nội ngày càng bệnh hơn, căn bệnh về tâm thần của nội không bao giờ hết.

Tháng 4-1990, sau 6 tháng quân trường, ba về công tác tại Phòng Cảnh sát bảo vệ, chốt gác của ba ở Văn phòng Thành ủy số 127 Trương Định, quận 3. Cuộc sống của người lính lúc này cũng còn khó khăn nhưng rất vui là được anh em, đồng đội sống chan hòa, chia bùi sẻ ngọt, đặc biệt là ba được Ban chỉ huy đội tin yêu. Vì thấu hiểu được hoàn cảnh của ba nên tháng 7-1991, Ban chỉ huy đội điều động ba về công tác tại Nhà máy xay lúa Satakê (xã Tân Trù, huyện Bình Chánh). Về đó được gần nhà, ba có điều kiện về thăm nội nhiều hơn, bà nội con mừng hơn khi biết ba về công tác gần nhà. Chính vì mừng vui như vậy nên bệnh của bà cũng giảm đi nhiều.

Cuộc sống trầm lặng của người lính cảnh sát bảo vệ cứ âm thầm trôi qua, từng ngày, từng giờ, từng tháng và ai cũng hy vọng một ngày nào đó sẽ tươi đẹp hơn…

Thời gian ở Nhà máy xay lúa Satakê cứ lặng lẽ trôi theo từng ca gác... Cho đến tháng 7-1992 thì ba có giấy báo thi vào Đại học Cảnh sát. Ba đã cố gắng thi tốt nhưng sau 3 năm ra trường, kiến thức mai một nên ba đã không đủ điểm đỗ vào đại học. Tháng 11-1992, giã từ Nhà máy xay lúa Satakê, ba lên đường đi học Trung học Cảnh sát nhân dân tại xã Long Thạnh Mỹ, huyện Thủ Đức… Ba chọn học lớp chuyên ngành Cảnh sát hình sự. Cảnh sát hình sự là một người lính trinh sát được xã hội hóa để điều hành chống cướp, cướp giật, trộm cắp, lừa đảo, cờ bạc, mại dâm, ma túy… và các bọn lưu manh, côn đồ, xã hội đen…, nói chung là một nghề rất nguy hiểm.

Hai năm trung học, các thầy đã dạy ba các môn chính trị, pháp luật, nghiệp vụ, võ thuật quân sự và kinh nghiệm của một người trinh sát hình sự. Ba học đạt tất cả các môn và chờ ngày ra trường về địa phương thực tập. Hai năm đối với người nhàn rỗi thì lâu nhưng đối với người sinh viên miệt mài học tập thì nhanh con ạ. Rồi cũng đến ngày 20-3-1994 ba lên đường về đội CSHS Công an quận 11 thực tập thời gian 4 tháng…

Ba gặp mẹ và có con

Thời gian thực tập tại quận 11 cũng là thời gian ba về thăm nội nhiều nhất. Ba thường phụ công việc nhà và gánh nước cho nội. Những lúc đi làm, ba thường gặp cô Tám hàng xóm. Cô Tám thường hay trêu chọc ba và không hiểu sao ba thích được như vậy. Những lần về nhà, ba và cô Tám đều nói chuyện rất vui vẻ, rồi thời gian trôi qua, 1 tháng, 2 tháng, ba thấy mình lúc nào cũng nhớ đến cô Tám và cũng vì thế mà ba hay về nhà hơn…

Gia đình Trung úy Nguyễn Thành Dũng những ngày hạnh phúc
Gia đình Trung úy Nguyễn Thành Dũng những ngày hạnh phúc

Ngày 17-8-1994, ba có quyết định về hẳn công tác tại quận 11 và thời gian về nhà, ba vẫn thường tìm gặp cô Tám để nói chuyện và tâm sự. Không hiểu sao ông nội con biết chuyện liền đánh tiếng với ông ngoại con, biết vậy ba mắc cỡ lắm, rồi ở lỳ cơ quan cả tháng trời ngại về nhà, ba chưa dám nghĩ đến chuyện cưới vợ. Rồi một chiều mưa tháng 9-1994, ba tình cờ gặp cô Tám khi cả 2 cùng chung chuyến xe buýt. Cô Tám hỏi ba: “ý bác trai như vậy còn anh thì sao mà trốn em hoài vậy?”. Ba bảo rằng ba rất yêu cô Tám nhưng đời lính cực khổ làm sao em chịu được. Cô Tám cười nói lại ba: “Miễn mình yêu nhau là được, cực khổ mấy em cũng chịu, bao lâu em cũng chờ!”. Cô Tám đó chính là Tám Luận, mẹ của con đó, Minh…

Rồi qua Tết Ất Hợi 1995, ba và mẹ sắm đồ cưới. Ngày 26-1-1995, đám cưới của ba và mẹ được tiến hành. Một đám cưới giản dị nhưng tràn đầy hạnh phúc. Rồi 17 ngày nghỉ phép cũng qua, ba trở lại đơn vị công tác còn mẹ con về ở với nội, chờ ba thi thoảng về nhà. Đầu tháng 4-1995, mẹ báo tin vui cho ba biết là mẹ đã có thai, ba mừng quá ôm mẹ nâng cao và hôn nhẹ vào bụng mẹ: “Cám ơn em, anh ước gì nó là con trai”.

Mẹ cười: “Em thì trai gái gì cũng được”. Lúc này, lương chiến sỹ cũng nghèo lắm, nhưng ba cố dành dụm để lo cho con. Rồi 9 tháng cũng qua, ngày 24-1-1996, ba mừng đến rơi nước mắt khi nghe tiếng khóc chào đời của con… Con lớn lên trong nỗi vất vả của cả ba và mẹ. Cuộc sống cũng dần ổn định, ngoài sự nguy hiểm của công việc, ba cũng được các cơ sở quần chúng giúp đỡ, đùm bọc, chia sẻ. Đã có đêm ba về thăm con mà trên mình đầy vết thương với bông băng trắng…

Công việc của ba ngày càng nguy hiểm hơn vì bọn tội phạm tinh vi và xảo quyệt. Vào tháng 10-1998, trong một lần kết hợp cùng Công an phường 8, quận 11 mai phục bắt trọn một ổ mua bán ma túy tại bãi đất trống, ba đã vật ngã một đối tượng và quần nhau với nó trên đống gạch vụn, cả ba và tên đó đầy những vết thương… Cuối năm 1999 thì con được 3 tuổi nhưng con nghịch lắm, gia đình ta cũng có thêm nhiều đồ đạc mới. Có lần ba đã đánh con và con bảo ba đánh con lần thứ nhất…                              

(Còn tiếp...)

Quân.Trần