Những thủ đoạn nhằm trục lợi từ đất công

(ANTĐ) - Theo thống kê của Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm tham nhũng - Bộ Công an, từ năm 2000 đến nay, trên toàn quốc  đã có 3.008 đối tượng bị khởi tố vì liên quan đến đất đai; trong số này có 1.334 cán bộ các cấp tham nhũng, tiêu cực. Một số vụ xảy ra với tính chất nghiêm trọng như: Vụ tiêu cực tại Tràng Cát, Hải Phòng; vụ đất đai ở Đồ Sơn hoặc các vụ tham nhũng đất đai ở Thanh Hóa, Hà Tây (cũ), Vĩnh Phúc, Kiên Giang…

Những thủ đoạn nhằm trục lợi từ đất công

(ANTĐ) - Theo thống kê của Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm tham nhũng - Bộ Công an, từ năm 2000 đến nay, trên toàn quốc  đã có 3.008 đối tượng bị khởi tố vì liên quan đến đất đai; trong số này có 1.334 cán bộ các cấp tham nhũng, tiêu cực. Một số vụ xảy ra với tính chất nghiêm trọng như: Vụ tiêu cực tại Tràng Cát, Hải Phòng; vụ đất đai ở Đồ Sơn hoặc các vụ tham nhũng đất đai ở Thanh Hóa, Hà Tây (cũ), Vĩnh Phúc, Kiên Giang…

Tốc độ đô thị hóa nhanh cũng là một trong số những điều kiện cho các đối tượng tham nhũng đất đai trục lợi
Tốc độ đô thị hóa nhanh cũng là một trong số những điều kiện cho các đối tượng tham nhũng đất đai trục lợi

Tội phạm tham nhũng trong lĩnh vực này vẫn tiếp tục tồn tại, phát triển với những phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hơn. Lợi dụng sơ hở của Nhà nước trong việc khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho dân để an sinh xã hội, đặc biệt là những dự án xây dựng nhà ở cho người nghèo, công nhân viên chức có thu nhập thấp ở các thành phố lớn hay tình trạng tái định cư cho nhân dân khi đất ở của họ nằm trong diện quy hoạch, giải tỏa, một số đối tượng lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm sai lệch hồ sơ hay lập hồ sơ khống để nhận tiền đền bù hoặc nhận đất tái định cư.

Trong việc đăng ký, quản lý các thửa đất, diện tích đất công, đất không ai đăng ký thường được cán bộ địa chính xã, huyện bỏ trống tên hoặc ghi bằng bút chì, sau đó khi có sự chỉ đạo hoặc chủ trương của cấp trên thì điền tên đối tượng khác, hợp thức hóa để hưởng lợi; việc thống kê diện tích đất công không được thực hiện đầy đủ, bỏ ngoài sổ sách để chiếm đoạt; quá trình quản lý đất đai không có phương án, kế hoạch sử dụng đất dẫn đến việc cấp đất, giao đất tùy tiện, không đúng đối tượng, không đúng quy định và quy hoạch; các đối tượng được cấp không sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích, các cơ quan quản lý không kiểm tra dẫn đến các đối tượng chuyển nhượng, thu lợi bất chính.

Các đối tượng cũng lợi dụng chính sách giao đất, giao trồng rừng mới, phủ xanh đất trống đồi núi trọc của Chính phủ. Đây là thủ đoạn mà một số cán bộ có chức, có quyền tại các địa phương có diện tích trồng rừng lớn đã cấu kết với các đối tượng ngoài xã hội, thông qua các công ty tư nhân để tiến hành chặt phá, khai thác rừng bừa bãi, gây thiệt hại nghiêm trọng cho môi trường, tài sản, lợi ích của Nhà nước và nhân dân.

Tham nhũng đất đai tại các khu giãn dân thường xảy ra tại địa bàn nông thôn do ở những nơi này thường tập trung dân cư tại một số khu vực nhất định, dẫn đến tình trạng dân cư phân bố không đồng đều. Vấn đề này ảnh hưởng đến chính sách phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của Nhà nước. Nắm được chủ trương này một số cán bộ thoái hóa, biến chất đã lợi dụng việc di dân ở một số khu vực, mà ở nơi đó đang có tình trạng “sốt đất” đi những nơi khác và chiếm đất của công làm đất tư.

Trong thực hiện các dự án xây dựng khu dân cư, đô thị mới, các đối tượng sử dụng thủ đoạn quyết định thu hồi đất dự án do Nhà nước tiến hành. Thủ đoạn này thể hiện ở chỗ thu hồi rộng hơn mức cần thiết của dự án, nhưng sau đó chỉ giao cho Nhà nước diện tích đúng như dự án; giao đất không đúng thẩm quyền hoặc chia nhỏ các lô đất sai quy định để chia nhau. Hoặc việc thực hiện không đúng quy trình thẩm định, phê duyệt, sai phạm về trình tự, thủ tục.

Các đối tượng biết trước chủ trương, chính sách đối với các dự án trước khi có quyết định chính thức nên đã tiến hành mua đất của những người sẽ bị thu hồi với giá rẻ hoặc thực hiện đền bù trước để hưởng chênh lệch giá. Trong một số trường hợp chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính, không có chức năng kinh doanh, không có tư cách pháp nhân, nhưng vẫn xin được dự án sau đó chuyển nhượng thu lợi. Sai phạm trong quá trình đền bù, giải tỏa như áp giá thấp, thực hiện việc cưỡng chế sai quy định, vi phạm Nghị định 181/NĐ của Chính phủ khi dự án chưa hoàn chỉnh đã tiến hành phân lô, bán nền. Hơn nữa, hành vi lợi dụng vấn đề xin dự án, chủ đầu tư đã “lách” luật bằng cách phân lô, bán nền dự án dưới hình thức hợp đồng, hợp tác đầu tư, các cá nhân chuyển nhượng căn hộ, nền đất bằng giấy viết tay là phương thức, thủ đoạn để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nhiều đối tượng sử dụng thủ đoạn thu hồi đất mà không có dự án. Đây là thủ đoạn thực hiện tinh vi hơn so với các thủ đoạn khác trong lĩnh vực đất đai ở chỗ dựa vào tin đồn của dư luận về một số dự án; nhưng thực chất là không có dự án và vẫn tiến hành thu hồi đất đai của nhân dân rồi sau đó sử dụng hồ sơ, giấy tờ giả và thuyết minh là dự án chậm hoặc dự án không có rồi đem chia cho nhau.

Theo các chuyên gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, trong thời gian tới, tình trạng tham nhũng trong lĩnh vực quản lý đất đai vẫn tiếp tục là vấn đề nóng và có nhiều diễn biến phức tạp khi các đối tượng lợi dụng sự phát triển kinh tế - xã hội để phạm tội với các thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hơn. Do vậy, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần kịp thời hoàn thiện hệ thống pháp luật trong quản lý đất đai, đồng thời có biện pháp ngăn ngừa, xử lý triệt để, kiên quyết đối với các vi phạm, trong đó có cả việc có thể tham khảo, học hỏi kinh nghiệm phòng chống loại tội phạm này ở một số quốc gia láng giềng đã tiến hành phòng chống rất có hiệu quả như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore…

Phạm Vũ