Kỷ niệm 68 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 / 27-2-2023)

Những thiên thần mặc áo blouse trắng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chứng kiến nhiều ca bệnh đột tử vì đột quỵ hoặc những ca đột quỵ, tai biến đến viện muộn nên không thể cứu chữa hay để lại di chứng nặng nề… đó là cảm giác không dễ chịu với chính những y bác sĩ nội khoa.

Theo cơ cấu bệnh tật, những bệnh không lây nhiễm đang ngày càng gia tăng và chiếm tỷ lệ lớn hơn, trong đó đột quỵ - tai biến là những bệnh lý ám ảnh nhất và thường gặp ở người từ trung tuổi trở lên.

Tự bỏ tiền thuê thiết kế máy tập vận động cho bệnh nhân

Nói về danh tiếng, bác sĩ chuyên khoa II Đoàn Văn Phúc - Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) tự nhận mình chỉ là một bác sĩ bình thường, công tác ở một bệnh viện đa khoa tuyến thành phố. Thế nhưng với đa phần người bệnh nội trú thường xuyên phải điều trị tại bệnh viện, họ mến mộ vị bác sĩ này và nhiều người đặt cho ông danh xưng trìu mến: Bác sĩ của người cao tuổi.

Về công tác tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang ngay sau khi tốt nghiệp đại học, bác sĩ Đoàn Văn Phúc chính là người đặt viên gạch đầu tiên thành lập Khoa Nội thần kinh của bệnh viện vào năm 2016. Ban đầu, khoa chỉ có 4 bác sĩ và được giao chỉ tiêu 15 giường bệnh. Thế nhưng, chỉ trong một thời gian ngắn, khoa đã phát triển lên gần 60 giường bệnh và triển khai được hầu hết các kỹ thuật ngang tầm bệnh viện tuyến Trung ương. Hiện tại, trung bình mỗi ngày khoa điều trị nội trú khoảng 60-70 bệnh nhân. “Thương hiệu” của khoa ngày càng được nâng cao khi nhiều bệnh nhân ở các tỉnh thành lân cận cũng tìm về đây điều trị.

Để có được sự tin tưởng của người bệnh như ngày hôm nay, bác sĩ Phúc không chỉ nỗ lực nâng tầm về chuyên môn. Trên cương vị Trưởng khoa, anh luôn truyền đạt và rèn giũa nhân viên của mình từ lời ăn, tiếng nói, thái độ ứng xử khi tiếp xúc với bệnh nhân. “Khoa Nội thần kinh chủ yếu tiếp nhận người cao tuổi, liên quan đến tai biến, đau đầu, mất ngủ, chóng mặt, trầm cảm, co giật, sa sút trí tuệ, động kinh… Với những bệnh nhân cao tuổi, sự quan tâm, gần gũi của người thầy thuốc vô cùng quan trọng, giúp mang lại hiệu quả điều trị” - bác sĩ Phúc tâm sự.

Bác sĩ Đoàn Văn Phúc thăm hỏi bệnh nhân điều trị nội trú tại viện

Bác sĩ Đoàn Văn Phúc thăm hỏi bệnh nhân điều trị nội trú tại viện

Theo anh, nếu không đặt mình vào hoàn cảnh người bệnh, đau với nỗi đau của họ, người bác sĩ khó đi được trọn vẹn với nghề. Quả thực, với người bệnh nội thần kinh, chủ yếu là người bệnh cao tuổi mắc các bệnh lý về tim mạch, huyết áp… thực tế đã chứng minh rằng chất lượng điều trị là quan trọng, nhưng việc chăm sóc người bệnh cũng quan trọng không kém. Việc khuyến cáo, hướng dẫn hay trang bị thiết bị cho bệnh nhân vận động rất cần thiết. Bác sĩ Phúc nhận ra việc này, nhưng một chiếc máy tập vận động thụ động bán trên thị trường với giá 750 triệu đồng nên bệnh viện không có kinh phí để trang bị.

Vì thế, bác sĩ Đoàn Văn Phúc đã lên ý tưởng và tự bỏ tiền để thiết kế, sau đó thuê người chế tạo một chiếc máy tập cho người bệnh với chức năng tương tự như loại máy bán trên thị trường. Từ đó, nhiều bệnh nhân nặng, nguy cơ để lại nhiều di chứng sau tai biến, đột quỵ đã được các bác sĩ trong khoa hướng dẫn sử dụng máy tập ở giai đoạn hồi phục. Chiếc máy tập vận động “Made in bác sĩ Phúc” đã góp công mang lại sự hồi phục cho không ít bệnh nhân, giúp họ thoát khỏi các di chứng như teo cơ, cứng khớp, liệt… do thời gian nằm điều trị dài ngày. “Khi nhìn thấy những bệnh nhân cao tuổi được xuất viện với dáng đi nhanh nhẹn hơn, không còn đau yếu, không di chứng, đó là niềm hạnh phúc lớn lao và cũng là động lực để người thầy thuốc cố gắng mỗi ngày” - bác sĩ Đoàn Văn Phúc chia sẻ.

Cũng liên quan đến vận động, không phải bệnh nhân tập luyện thế nào cũng được, thậm chí nếu tập sai còn nguy hại cho cơ thể. Thực tế có nhiều người cao tuổi dù gối đau có dịch nhưng vẫn tập luyện, đi bộ hàng ngày, khiến bệnh nặng thêm. Bệnh đột quỵ thường gia tăng vào mùa đông cũng do nhiều người ra ngoài trời lạnh, dẫn đến co mạch và tăng huyết áp…

Vì thế, ngoài công việc khám chữa bệnh tại bệnh viện, bác sĩ Đoàn Văn Phúc còn tích cực phối hợp với Trung tâm Y tế quận Long Biên tham gia các buổi tư vấn, truyền thông miễn phí cho người cao tuổi trên địa bàn. Thông qua những buổi truyền thông như vậy để khuyến cáo người cao tuổi cách phòng bệnh, tập thể dục và thời điểm tắm, gội… hợp lý, tốt cho sức khỏe và tránh được đột quỵ. Không “đao to búa lớn”, song đôi khi hiệu quả từ các buổi truyền thông khuyến cáo phòng bệnh như vậy còn lớn hơn cả việc chữa bệnh.

Mong bệnh nhân được tiếp cận dịch vụ y tế kịp thời, chất lượng

Ngược lại với y tế tuyến dưới thì ở tuyến trên, nhiệm vụ quan trọng với các trung tâm y khoa đầu ngành của cả nước như Bệnh viện Bạch Mai là phải hướng đến phát triển kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu, đưa y học Việt Nam vươn tầm thế giới và giúp người bệnh được thụ hưởng kỹ thuật hiện đại mà không cần ra nước ngoài điều trị. Và thật vinh dự khi mới đây, PGS.TS Mai Duy Tôn - người đặt những viên gạch đầu tiên thành lập Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai đã được Hội Đột quỵ Thế giới đề cử vào nhóm các cá nhân xuất sắc được vinh danh năm 2022 vì những đóng góp to lớn cho chuyên ngành đột quỵ của Việt Nam và thế giới.

PGS.TS Mai Duy Tôn thăm khám bệnh nhân

PGS.TS Mai Duy Tôn thăm khám bệnh nhân

PGS.TS Mai Duy Tôn hiện là Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, kiêm Trưởng Bộ môn Đột quỵ và Bệnh lý mạch máu não, Đại học Y dược - Đại học Quốc gia Hà Nội kể lại, năm 2007, khi được đi học tập tại Bệnh viện Mayo Clinic (Mỹ), anh choáng ngợp trước sự phát triển của họ. Tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ được cấp cứu, điều trị ở đây tốt và ít để lại di chứng bởi họ ứng dụng nhiều kỹ thuật chuyên sâu. Hơn nữa, việc điều trị còn được duy trì cả sau khi bệnh nhân xuất viện.

Từ đó, vị bác sĩ này ấp ủ quyết tâm học hỏi kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực đột quỵ của thế giới để đưa về ứng dụng tại Việt Nam. Năm 2009, kỹ thuật tiêu huyết khối lần đầu tiên được áp dụng trên bệnh nhân đột quỵ ở Bệnh viện Bạch Mai và cho kết quả rất ngoạn mục. Nhiều bệnh nhân được điều trị kịp thời, sau khi sử dụng thuốc 1 giờ đã hồi phục hoàn toàn, xuất viện chỉ sau 1-2 ngày. Sự thay đổi ngoạn mục đó là động lực để PGS.TS Mai Duy Tôn quyết tâm tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu về chuyên ngành này.

Những năm gần đây, việc điều trị đột quỵ ở Bệnh viện Bạch Mai càng ngày càng đạt được nhiều tiến bộ với các kỹ thuật ngang tầm khu vực. Gần như các kỹ thuật chuyên sâu nhất đều được triển khai thành công, mang lại kết quả điều trị tốt nhất cho người bệnh. Đây cũng là địa chỉ tin cậy cho bệnh nhân người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Với riêng PGS.TS Mai Duy Tôn, anh không thể nhớ mình đã cứu sống được bao nhiêu người bệnh bị đột quỵ, trong đó có rất nhiều ca bệnh khó, hiếm gặp, thậm chí là những ca phẫu thuật lần đầu tiên thực hiện thành công tại Việt Nam. Song, điều trăn trở nhất với vị chuyên gia đầu ngành này là số bệnh nhân đột quỵ ngày càng gia tăng nhanh.

Với dân số 100 triệu người thì ước chừng mỗi năm nước ta có khoảng 200 nghìn bệnh nhân đột quỵ mới. Với người đột quỵ, thời gian là vàng, bệnh nhân cần được tiếp cận nhanh nhất với các cơ sở y tế có khả năng cấp cứu chuyên sâu. Trong khi đó, hệ thống các đơn vị/trung tâm/khoa đột quỵ tại nước ta hiện mới chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu của người bệnh. Vì thế, PGS Mai Duy Tôn mong muốn xây dựng nhiều trung tâm/khoa đột quỵ ở các bệnh viện trên toàn quốc để người bệnh đột quỵ được tiếp cận gần nhất, sử dụng các phương pháp điều trị tốt nhất, tránh những tàn phế và di chứng đáng tiếc.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan: Hãy thương yêu người bệnh như người thân của mình

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại lễ phát động cuộc thi viết về “Sự hy sinh thầm lặng”

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại lễ phát động cuộc thi viết về “Sự hy sinh thầm lặng”

Nói về sự hy sinh thầm lặng của các y bác sĩ, nhân viên y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, sứ mệnh của ngành y tế là chăm lo, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân. Đội ngũ y bác sĩ công lập và ngoài công lập hơn 500 nghìn người đang không quản ngày đêm thực hiện nhiệm vụ của mình từ Trung ương đến địa phương, tới tận các thôn bản vùng sâu vùng xa. “Ngành y là một ngành rất đặc biệt, đặc thù, một ngành rất cao quý, nhưng để tự đội ngũ cán bộ y tế nói về chính bản thân mình thì rất khó. Những sự hy sinh cống hiến của đội ngũ y bác sĩ thường được phác họa qua những tác phẩm báo chí là chính.

Như bản thân tôi, từ khi về Bộ Y tế, tôi thấy công việc của anh em vô cùng vất vả. Cán bộ y tế đi học thì thời gian dài hơn, làm việc theo thời gian không như bình thường, áp lực rất lớn. Chính vì vậy, với vai trò cơ quan quản lý, chúng tôi cũng rất mong có sự chung tay động viên, chia sẻ, tạo điều kiện giúp đội ngũ y bác sĩ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình” - Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng mong sự chia sẻ, động viên đến từ chính sách, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc mà ngành y tế gặp phải trong quá trình triển khai nhiệm vụ. Mục đích là xây dựng hệ thống y tế phát triển bền vững, có đội ngũ y bác sĩ đáp ứng nhu cầu của người dân cả về y đức, chuyên môn, thái độ phục vụ.

Trước đó, khi đến dự và phát biểu tại lễ khai giảng năm học 2022 - 2023 của Đại học Y Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế đã gửi gắm niềm mong mỏi đến các sinh viên ngành y: “Muốn làm thầy thuốc thì phải học suốt đời. Tôi mong các em học tập, nghiên cứu khoa học, góp phần làm rạng danh nền y học nước nhà”. Còn với các thầy cô giáo, Bộ trưởng Bộ Y tế nhắn gửi: “Ngoài truyền đạt kiến thức chuyên ngành, tôi cũng mong các thầy cô truyền đạt, đào tạo, góp phần hình thành nhân cách, rèn y đức cho sinh viên ngay từ khi bước chân vào trường. Các thầy cô với tâm huyết của mình giúp các em sinh viên sâu hơn về y lý, giỏi y thuật, giàu y đức để trở thành người thầy thuốc vừa hồng vừa chuyên. Ngành y tế là ngành phục vụ nên chúng ta luôn nhớ là phải có đạo đức nghề nghiệp, thương yêu người bệnh như người thân của mình”.

Duy Tiến