Những sai lầm của cha mẹ khiến con mắc bệnh "oan" vào mùa đông

ANTD.VN - Khi thời tiết chuyển lạnh, nhiều bậc cha mẹ thường lo lắng cho sức khỏe của con và nhiều khi những việc làm tưởng chừng như tốt lại khiến cho có thể mắc bệnh. Đặc biệt những bệnh như viêm họng, hầu, mũi, viêm thanh quản, VA, viêm xoang… là các bệnh mà con hay mắc vào mùa lạnh.

Méo mồm, liệt mặt vì rét

Theo thông tin trên báo VNN, trong những ngày miền Bắc rét nhất từ đầu đông, mỗi ngày BV Châm cứu Trung ương tiếp nhận khoảng 20 trường hợp bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên.

Những sai lầm của cha mẹ khiến con mắc bệnh "oan" vào mùa đông ảnh 1 

Bệnh nhi bị liệt mặt điều trị tại BV Châm cứu Trung ương

Tại khoa Liệt vận động và ngôn ngữ trẻ em, ThS.BS Dương Văn Tâm, trưởng khoa cho biết, nguyên nhân của hầu hết các trường hợp liệt dây thần kinh số 7 là do bố mẹ để trẻ bị lạnh đột ngột.

Bé gái Nguyễn Thanh H. (3 tuổi, Thái Bình), bị nhiễm lạnh do thói quen tắm muộn. Bố mẹ bé cho biết, do cả 2 đi làm về muộn nên thường xuyên tắm cho con gái vào 21h tối. Cách đây 4 ngày, buổi sáng khi ngủ dậy, gia đình bất ngờ thấy bé bị lệch miệng khi cười, ăn uống khó, không ngậm chặt được miệng, một mắt nhắm không kín, ăn uống rơi vãi... nên đưa con đến BV khám. BS kết luận bé H. bị liệt dây thần kinh số 7.

Tại khoa Nhi, bé Nguyễn Kiều O. (1 tuổi, Hải Dương) được chẩn đoán liệt dây thần kinh ngoại biên bên phải, vẫn đang điều trị 2 tháng nay do nhiễm lạnh.

Theo BS Tâm, không chỉ trẻ nhỏ, người lớn cũng có nguy cơ liệt dây thần kinh số 7 khi gặp lạnh đột ngột, vào mùa đông có thể do ra trời lạnh đột ngột, mùa hè mắc bệnh do bước ra ngoài điều hoà đột ngột.

Nguyên nhân do khi cơ thể gặp lạnh đột ngột sẽ gây phù nề dẫn đến chèn ép dây thần kinh trong xương đá (xương sau mang tai) làm mất dẫn truyền giữa thần kinh trung ương ra ngoài, gây liệt.

Khi liệt dây thần kinh số 7, biểu hiện đặc trưng là miệng lệch sang một bên, mắt nhắm không kín, nói khó, ăn hay rơi vãi và hay đọng thức ăn sang một bên…

Để phòng bệnh, BS Tâm khuyến cáo người dân không nên ra ngoài trời lạnh đột ngột, thay vào đó nên ở trong phòng ấm 10-15 phút trước khi ra ngoài, không nên đi thể dục quá sớm, phải giữ ẩm cơ thể, không tắm quá muộn.

Ủ ấm bé quá mức

Theo SKĐS, dù trẻ em có thân nhiệt thấp hơn người lớn và cần được giữ ấm, nhưng không có nghĩa là bé cần được ủ ấm quá mức, việc này thậm chí còn có thể gây bệnh cho bé, bởi bé chưa thể tự điều hòa thân nhiệt của mình tốt như người lớn nên rất dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài, ủ quá ấm sẽ làm thân nhiệt bé tăng cao, dễ gây sốt, mồ hôi ra nhiều dễ dẫn đến cảm lạnh, viêm phổi…

Những sai lầm của cha mẹ khiến con mắc bệnh "oan" vào mùa đông ảnh 2 

Vào mùa đông không nên mặc quá ấm cho trẻ dễ dẫn đến viêm phổi

Mặc quá nhiều áo với chất liệu len hay bông sẽ làm cho mồ hôi không toát ra bên ngoài được. Nó ứ đọng lại bên trong là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây ra các bệnh về da. Vào ban đêm, trẻ mặc nhiều áo quần hoặc đắp nhiều chăn sẽ có thể ngủ không ngon giấc và luôn khó chịu. Hơn nữa, phải mặc quá nhiều quần áo, lúc nào cũng phải đội mũ, đeo tất chân tất tay, trẻ sẽ cảm thấy khó chịu, không thoải mái trong vận động.

Vì thế, trong mùa đông, các mẹ chỉ nên mặc đủ ấm cho trẻ, chọn các loại quần áo sao cho an toàn, thoải mái và giúp bé duy trì thân nhiệt.

Giữ trẻ trong nhà không đưa ra ngoài vì sợ lạnh

Giữ bé lâu ngày trong nhà chỉ làm con trở nên yếu ớt hơn là bảo vệ bé. Bé và cả người lớn trong nhà luôn cần được “hít thở khí trời” để cơ thể khỏe mạnh hơn.

Khi đưa trẻ ra ngoài, mẹ nên cho bé mặc quần áo vừa đủ ấm, thấm hút tốt, đội nón mỏng, đi tất và chú ý lau mồ hôi cho trẻ để tránh bị nhiễm lạnh.

Thời gian để đưa trẻ dạo chơi thích hợp nhất vào mùa đông là từ 9-10 giờ sáng và khoảng 15-17 giờ chiều. Những ngày trời rét đậm hoặc có mưa phùn, mẹ không nên bế bé ra ngoài. Đồng thời, mẹ vẫn cần thực hiện việc tắm nắng cho trẻ vào mùa đông ở những khung thời gian trên trong khoảng 15-20 phút

Tắm cho trẻ bằng nước quá nóng

Theo thông tin trên VNN, vì trời lạnh nên bố mẹ ngại cho trẻ tắm, hoặc nếu tắm cũng dùng nước rất nóng. Da trẻ nhạy cảm hơn người lớn, nếu bố mẹ thấy nước đủ ấm tức là nước đó bị nóng với trẻ. Nhiệt độ nước thích hợp cho trẻ tắm mùa đông là từ 33 độ C đến 36 độ C. Nên dùng cổ tay hoặc khuỷu tay để thử độ ấm của nước. Nếu không, hãy chuẩn bị một nhiệt kế để có thể pha nước tắm thích hợp cho trẻ.

Những sai lầm của cha mẹ khiến con mắc bệnh "oan" vào mùa đông ảnh 3 

Da trẻ thường nhạy cảm hơn so với da người lớn vì vậy không nên tắm nước quá nóng cho trẻ

Khi cho trẻ tắm mẹ cũng lưu ý để phòng kín gió, chuẩn bị thêm quạt sưởi, máy sưởi nếu cần thiết. Chỉ nên cho trẻ tắm trong 5-7 phút để tránh cảm lạnh.

Để bụng bé bị nhiễm lạnh

Giữ ấm bụng cho bé trong ngày lạnh cũng đồng nghĩa với việc bảo vệ dạ dày. Bởi nếu bị lạnh bụng, bé rất dễ bị tiêu chảy, đau bụng và các triệu chứng khác. Trong thời tiết lạnh với nhiệt độ thấp, bụng được giữ ấm, dạ dày hoạt động bình thường sẽ giúp bé tăng cường tiêu hóa và hấp thu thức ăn tốt hơn.

Trong mùa đông, bụng trẻ bị nhiễm lạnh rất dễ gây ra các bệnh như cúm, ho, sổ mũi… Khi nằm ngủ, trẻ rất đễ đạp chăn và bị nhiễm lạnh mà cha mẹ không kiểm soát được. Chính vì vậy, khi cho trẻ đi ngủ, cha mẹ nên để trẻ mặc một chiếc áo đủ ấm, có thể cho áo vào trong quần trẻ để khi đạp chăn bụng trẻ cũng không bị nhiễm lạnh.

Mẹ nên nhớ đeo cho bé một đôi tất. Đây là cách tốt để giữ ấm cho những ngón chân của bé khi trời lạnh. Đừng đắp quá nhiều chăn dày, nặng cho bé vì nóng quá sẽ làm bé tăng thoát nhiệt ở đầu, dẫn tới dễ bị đột tử khi ngủ.

Để bảo vệ sức khỏe của trẻ trong mùa lạnh, các chuyên gia tư vấn, chế độ dinh dưỡng phù hợp rất quan trọng để nâng cao sức đề kháng, chống lại tác nhân xấu gây hại đến sức khỏe của trẻ. Phụ huynh nên cho trẻ ăn nhiều rau xanh, hoa quả giàu vitamin C, bổ sung sắt, kẽm (trứng, sữa...) giúp trẻ tăng sức đề kháng, tăng cường hệ miễn dịch.