Những người canh “mắt biển“

ANTĐ - Những người lính không quân hàm thầm lặng giữa Biển Đông, quanh năm làm bạn với sóng, gió nơi biển xa, họ âm thầm làm nhiệm vụ “gác đèn” để cho “mắt biển” luôn sáng, cho tàu bè và ngư dân qua lại trên biển. 

Những người canh “mắt biển“ ảnh 1Các đèn biển trên khu vực quần đảo Trường Sa nằm cách bờ biển Vũng Tàu trên 300 hải lý, là công trình cao nhất tại đây. Nhìn từ xa, đèn biển đứng sừng sững, tạo thành những cột mốc hết sức quan trọng để xác định đường cơ sở biển, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc ta đối với quần đảo này.

Cuộc sống ở nơi cao nhất Trường Sa

Quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa có 9 ngọn hải đăng, không chỉ làm nhiệm vụ dẫn đường cho tàu thuyền qua lại an toàn, mỗi ngọn đèn biển chính là cột mốc ghi dấu chủ quyền biển đảo Việt Nam. Những người gác đèn giữa Biển Đông ấy ngày ngày làm công việc thầm lặng mà lớn lao. 

Trạm hải đăng đảo An Bang là một trong 9 trạm hải đăng hiện có ở quần đảo Trường Sa, thuộc Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam. Trạm cao 25m, sử dụng loại đèn cấp II, có chu kỳ xoay và chớp sáng 6 lần/phút. Tàu thuyền cách xa 18 hải lý vẫn có thể nhìn thấy được ánh đèn của nó. Hải đăng An Bang chủ yếu đảm bảo cho tàu thuyền trong nước hoạt động vào ban đêm. Cũng bởi vậy, những người gác đèn thường phải thức trắng đêm 

canh đèn. 

Anh Hoàng Đăng Tuyến, quê An Dương, Hải Phòng, sinh năm 1984 nhưng nắng gió Trường Sa đã khiến anh dạn dày hơn cái tuổi 31 của mình. Anh Tuyến đã có thâm niên gần 8 năm gác đèn biển và cũng quá nửa số thời gian ấy, anh đón Tết Nguyên đán trên quần đảo Trường Sa. Trước đó, anh đã qua các trạm hải đăng trên đảo Sinh Tồn, Sơn Ca, đảo Đá Lát và Song Tử Tây. Anh Tuyến cho hay, Trạm hải đăng An Bang hiện có 5 người, vì sống trong điều kiện xa gia đình, xa đất liền nên 5 anh em  gắn bó như người một nhà. “Điều kiện ở đảo xa thiếu thốn, không được như đất liền. Rau xanh cũng trồng được nhưng phải tiết kiệm, ăn dè mỗi bữa chỉ có một ít gọi là có. Lo nhất là thiếu thốn nước ngọt. Vào những tháng ít mưa, anh em đều phải tắm bằng nước biển, sau đó dùng nước ngọt để tráng. Nhưng cũng phải dùng nước đó 2-3 lần và cuối cùng dùng nước này để tưới rau xanh”. Ở đây đã có điện từ năng lượng mặt trời, năng lượng gió và máy phát nhưng thường xuyên thiếu điện. Buổi tối, phải dùng tiết kiệm, chỉ dùng để thắp đèn, dù có hôm trời không gió, oi bức đến mất ngủ. 

Điều kiện sống khắc nghiệt là vậy, nhưng khi tôi hỏi anh, sao lại chọn nghề “gác đèn” giữa Biển Đông, xa nhà và gia đình, anh Tuyến cười: “Nghề nào cũng phải có sự hy sinh. Xa gia đình nhưng ở đây có các anh em chia sẻ. Mỗi năm cũng có 1 lần nghỉ phép về thăm gia đình. Các anh em ở đây đều thấy bình thường”. 

Theo anh lên đỉnh trạm hải đăng để làm công tác vệ sinh đèn hàng ngày bằng cầu thang xoáy chôn ốc, cao 25m, chúng tôi đùa: “Một ngày, anh chỉ cần lên xuống 4 lần cầu thang này là không phải tập thể dục nữa rồi”, anh cười đáp lại: “4 lần ăn nhằm gì nhà báo ơi. Một ngày lên xuống cả chục lần ấy chứ”. Thông thường, 2 tháng một lần sẽ có tàu chở lương thực, nhu yếu phẩm ra trạm hải đăng một lần. Hàng hóa muốn mua sẽ được trừ vào lương của các nhân viên. Bởi vậy, với đồng lương ít ỏi, hầu hết các anh đều phải tính toán chi ly, sao cho còn có tiền gửi về quê cho gia đình, con cái ăn học. 

Đón Tết qua tivi

Trạm trưởng Trạm hải đăng An Bang, anh Bùi Ngọc Hưng có thâm niên công tác trên quần đảo Trường  Sa gần 20 năm. Anh bắt đầu nhận nhiệm vụ gác hải đăng ở Trường Sa từ tháng 9-1996, từ đó đến nay, anh đã qua 9 trạm hải đăng trên quần đảo Trường Sa và có 10 năm ăn Tết ở đảo. Kể về những cái Tết ở trạm hải đăng, anh Hưng bảo, chẳng khác mấy Tết ở đất liền, không khí cũng rất vui, cũng có bánh chưng và cùng đón Tết với đơn vị bộ đội đóng quân trên đảo. Cùng tâm trạng, anh Tuyến kể: “Đêm giao thừa, cả trạm sang chung vui với các đơn vị bộ đội đóng quân ở đây. Anh em ngồi ca hát cho nhau nghe. Sáng mùng một, trạm mở cửa, đón tiếp anh em, bạn bè trên đảo qua chúc Tết. Tuy vậy, phần lớn những ngày Tết, anh em đón Tết qua... tivi và điện thoại về thăm hỏi gia đình, người thân”.

Chia sẻ thêm về công việc, anh Hưng, anh Tuyến bộc bạch: “Đã theo nghề này thì dù đi đâu, chúng tôi sẵn sàng nhận lệnh lên đường chỉ sau 2 ngày”. Những ngày tháng 5-2014, Biển Đông đang căng thẳng vì Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam, những người thợ gác đèn trên đảo An Bang vẫn mải miết với công việc, ngày ngày gắn bó với ngọn đèn, làm sao đảm bảo điều độ, an toàn cho tàu thuyền qua lại và ngư dân đánh bắt cá trong vùng.

Trong điều kiện thiếu thốn về vật chất nhưng tình người giữa biển lại khoáng đạt vô cùng. Dù luôn thiếu nước ngọt, nhưng mỗi khi có tàu bè ngư dân đi ngang qua thiếu nước ngọt để dùng, trạm hải đăng sẵn sàng chia sẻ. Những khi tàu bè ngư dân chẳng may gặp sự cố, anh em nhà đèn cũng sẵn lòng trợ giúp, chỉ mong sao những chuyến đi biển của ngư dân được an toàn. Bù lại, ngư dân đi đánh bắt hải sản ngang qua cũng chia sẻ với anh em. Dáng nhỏ, gầy, với làn da đen sạm màu nắng gió, Trưởng trạm hải đăng Trường Sa Lớn, anh Vũ Sỹ Lưu, người Hải Phòng, chia sẻ với chúng tôi về nghiệp “gác đèn” gắn với anh tính đến nay đã 21 năm. Năm 1993, anh Lưu là một trong những lính nhà đèn đầu tiên ra công tác ở quần đảo Trường Sa. Ngày đó, tất cả hệ thống đèn hải đăng trên quần đảo đều được thắp sáng bằng ắcquy nên ánh sáng có lúc lập lòe như tàn lửa thuốc lá. Cơ sở vật chất thiếu thốn, lạc hậu nên các anh vừa làm, vừa xây và vừa tự mò mẫm. Tất cả những khó khăn, vất vả ban đầu đó không ngăn được anh và các đồng nghiệp gắn bó với những ngọn hải đăng.

Dù công việc bây giờ đã đỡ vất vả hơn do hải đăng được trang bị hiện đại với hệ thống đèn, thiết bị chiếu sáng nhưng môi trường làm việc của các anh vẫn vô cùng khắc nghiệt. Dù nắng, mưa, mùa biển lặng hay bão tố, nhân viên nhà đèn phải luôn đảm bảo cho ngọn hải đăng không bao giờ tắt.

Chẳng ai trong các anh nghĩ công việc mình đang làm là to tát, bởi đơn giản, họ chỉ là những người canh đèn biển, một công việc như bao công việc khác. Với họ, những chuyến công tác kéo dài cả năm ngoài Trường Sa cũng như bao chuyến đi khác. Sự hy sinh thầm lặng cùng tinh thần lạc quan của các anh đã giữ cho những con “mắt biển” luôn sáng ở Trường Sa, giúp hàng triệu ngư dân Việt Nam đang đánh bắt trên vùng biển chủ quyền của Tổ quốc thấy an toàn hơn trong những chuyến ra khơi. 

Giữa những ngày Trường Sa “nổi sóng”, những ngọn hải đăng vẫn sừng sững, hiên ngang, khẳng định chủ quyền Việt Nam. Giữa mênh mông trời nước, những người lính không quân hàm vẫn miệt mài với công việc của mình, cheo leo trên những ngọn đèn để đưa ánh sáng đi xa nhất. Đêm xuống, những ngọn hải đăng đều đặn nhấp nháy ánh đèn, như một tín hiệu bình yên nơi vùng biển đảo quê hương...

“Vừa hợp tác, vừa đấu tranh”: Thông điệp thời đại
Một trong những sự kiện nóng nhất năm 2014 là việc Trung Quốc di chuyển trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu vùng biển Việt Nam, đẩy mối quan hệ hai bên lên đỉnh điểm căng thẳng nhất 20 năm qua. Trả lời chất vấn trước Quốc hội về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khái quát trong 6 chữ “Vừa hợp tác, vừa đấu tranh”. Thông điệp rõ ràng, mạnh mẽ của Thủ tướng đã để lại dư âm, ấn tượng sâu sắc trong lòng cử tri và các vị ĐBQH.

ĐB Nguyễn Anh Sơn, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Nam Định: Thể hiện đầy đủ ý chí, trách nhiệm

“Đa số ĐBQH đều rất ủng hộ thông điệp về quan hệ Việt - Trung mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gói gọn trong 6 chữ “Vừa hợp tác, vừa đấu tranh”. Đó là thông điệp ngắn gọn nhưng rất rõ ràng, dứt khoát, toát lên đầy đủ ý chí, quyết tâm, trách nhiệm và thái độ của ta về vấn đề bảo vệ chủ quyền, đặc biệt trong giải quyết tranh chấp với nước láng giềng. Chúng ta khẳng định chúng ta vẫn hợp tác, nhưng không vì thế mà mất cảnh giác, không chỉ vì lợi ích kinh tế đơn thuần mà quên đi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền đất nước. 

Tình hình Biển Đông chắc chắn vẫn còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Song cử tri có thể yên tâm vì tất cả các tình huống đều đã được chuẩn bị phương án để ứng phó, bám sát quy định của luật pháp quốc tế, Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC)… Chúng ta quyết tâm theo đuổi và cùng các nước có liên quan thực hiện cho bằng được DOC và tiến tới đưa ra được Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Tất cả sự chuẩn bị của chúng ta đều nhằm mục tiêu bảo vệ được nền hòa bình trong khu vực và giữ vững được chủ quyền đất nước để duy trì phát triển kinh tế.

ĐB Tô Văn Tám, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Kon Tum: Mềm dẻo, linh hoạt nhưng phải cương quyết

Thông điệp “Vừa hợp tác, vừa đấu tranh” mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu rất đúng đắn. Trước hết, các bên phải hợp tác với nhau để giải quyết vấn đề biên giới, lãnh thổ trên biển, trên tinh thần hữu nghị, hòa bình, không đe dọa dùng vũ lực. Các bên cũng phải hợp tác với nhau để cùng khai thác hiệu quả tài nguyên biển. Đó là điều cần thiết, nhưng trong hợp tác cũng phải không quên nhiệm vụ đấu tranh để loại bỏ các âm mưu, tư tưởng gây hấn, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ ở các vùng biển còn tranh chấp. 

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng phải duy trì phương châm này vì nguyên tắc giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ bằng hòa bình là một nguyên tắc mang tính quốc tế. Chúng ta phải kiên quyết nhưng mềm dẻo, linh hoạt để bảo vệ được toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ đất nước. Kinh tế biển có ý nghĩa to lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội, nhất là một đất nước có đường bờ biển dài, tài nguyên phong phú như Việt Nam. Do đó, khi giải quyết vấn đề biển, yêu cầu bắt buộc là phải gắn kinh tế với quốc phòng, bảo vệ chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. 

ĐB Nguyễn Thúy Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Cần xác định những biện pháp đấu tranhphù hợp

Thông điệp “Vừa hợp tác, vừa đấu tranh” của Thủ tướng rất đơn giản, ngắn gọn và dễ hiểu. Việt Nam - Trung Quốc là hai nước láng giềng, núi liền núi, sông liền sông và có những lợi ích gắn bó chặt chẽ cả về địa lý lẫn mối quan hệ hợp tác lâu dài từ trước đến nay. Điều đó được thể hiện qua các chỉ số về cán cân thương mại, các hoạt động hợp tác trên nhiều lĩnh vực trong thời gian vừa qua. Do đó, việc hợp tác với Trung Quốc vẫn cần quan tâm trong thời gian tới. Tuy nhiên, cũng không nên lệ thuộc quá vào thị trường của họ. Chính phủ đang tích cực thực hiện theo hướng này và đang mở rộng thêm mối quan hệ hợp tác với các đối tác khác. 

Vế thứ hai là đấu tranh, theo tôi, đã quá rõ sau những sự kiện phức tạp xảy ra trên Biển Đông. Chúng ta phải luôn cảnh giác trước mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.  Trước những hành động ngang ngược đó, chúng ta cần có những biện pháp đấu tranh phù hợp. 

Hà Hoàng - Tiến Hưng (Ghi)