Bức tranh kinh tế Việt Nam 2012

Những mảng màu sáng tối

ANTĐ - Kinh tế Việt Nam sắp bước sang năm 2012 trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đầy khó khăn. Nền kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ chịu tác động tiêu cực mạnh. Kịch bản kinh tế Việt Nam 2012 sẽ diễn ra theo chiều hướng nào đang là vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm.

Khó khăn của kinh tế Mỹ, khủng hoảng nợ công châu Âu và khu vực Eurozone, biến động chính trị ở Bắc Phi và Trung Cận Đông... Các dự báo, các chỉ tiêu kinh tế của các nền kinh tế lớn trên thế giới đều điều chỉnh theo xu hướng giảm xuống. Tất cả đều tác động trực tiếp đến nền kinh tế Việt Nam.

Tăng trưởng GDP 6%

Mục tiêu của Chính phủ trong năm 2012 là đạt mức tăng trưởng GDP 6%. Trong báo cáo mới nhất có tên "Triển vọng kinh tế châu Á - Cơn bão của sự bất ổn", ông Tai Hui -Trưởng bộ phận Nghiên cứu Kinh tế Đông Nam Á của Standard Chartered Bank cũng nhìn nhận: Với bối cảnh kinh tế bên ngoài cũng như cấu trúc bên trong của kinh tế Việt Nam hiện tại, mục tiêu tăng trưởng khoảng 6% trong năm 2012 là phù hợp. Mức tăng trưởng này sẽ giúp nền kinh tế tiếp tục được cải thiện, đồng thời không gây ra lạm phát tăng vọt. Tuy nhiên theo các nhà nghiên cứu, Việt Nam sẽ rất khó để đạt được mức tăng trưởng này nếu như chúng ta không điều chỉnh cơ cấu đầu tư, cơ cấu tín dụng hướng vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và doanh nghiệp xuất khẩu, bởi trong những năm qua, khu vực SME và khu vực xuất khẩu là khu vực có mức tăng trưởng cao.

Giảm lạm phát là ưu tiên hàng đầu

Chủ trì Hội nghị Chính phủ với lãnh đạo 63 tỉnh thành và các Bộ sáng 22-12 nhằm triển khai nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tái khẳng định thông điệp sẽ đưa lạm phát xuống một con số năm 2012... Người đứng đầu Chính phủ nhận định, tình hình thế giới vẫn diễn biến khó lường và rất khó dự báo. Nhiều tổ chức tài chính quốc tế đều chung nhận định, kinh tế 2012 sẽ khó khăn hơn 2011 và tốc độ tăng trưởng cũng thấp hơn. Trong khi đó, kinh tế vĩ mô của Việt Nam chưa thực sự vững chắc, lạm phát cao có khả năng trở lại… Thủ tướng khẳng định, năm 2012 vẫn phải ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Tại hội thảo “Kịch bản kinh tế Việt Nam năm 2012 - Đâu là cơ hội”, do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức vừa qua tại TP.HCM, nhiều đại biểu cũng cho rằng vấn đề quan trọng nhất là giảm lạm phát. Ông Trương Đình Tuyển, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia nhấn mạnh: “Năm 2012, chúng ta tiếp tục chính sách tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt và chính sách tài khóa thắt chặt để kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, khi kiềm chế lạm phát, chúng ta phải chấp nhận hy sinh tăng trưởng.

Ông Tai Hui  cũng cho rằng mối quan ngại số 1 đối với Việt Nam trong năm 2012 vẫn sẽ là vấn đề lạm phát. Áp lực của sự phá giá đồng tiền, giá điện và giá xăng dầu tăng và nhu cầu nội địa mạnh mẽ là những nhân tố góp phần làm cho lạm phát vẫn ở mức cao. Trong khi mức lạm phát dự báo cho Việt Nam ở cuối năm nay vào khoảng 18,7%, tức là gần tương đương với mức dự báo của Chính phủ Việt Nam, thì con số này cho năm tới ở vào khoảng 11,3%. Đáng chú ý là lạm phát ở Việt Nam chỉ giảm mạnh từ mức 17% cho quý 1 năm sau xuống mức 10,9% cho quý 2, 8,9% cho quý 3 và cuối cùng là mức 7,9% cho quý 4.

Lãi suất: Cố giảm

Trong năm 2011, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều gặp khó khăn. Đầu năm 2011, chi phí đầu vào tăng cao. Chính sách thắt chặt tín dụng khiến các DN vừa và nhỏ khó tiếp cận vốn hoặc có tiếp cận được vốn thì với lãi suất rất cao, hiện nhiều công ty đang phải vay với lãi suất 23%/năm. Trong khi đó, thị trường giảm sút khiến hàng hóa khó bán.

Chỉ tiêu năm 2012 lạm phát ở mức dưới 10%. Nếu giữ được ở mức này thì lãi suất huy động ở ngân hàng là 11% có thể chấp nhận được.  Nếu chúng ta giảm được lạm phát thì lãi suất chắc chắn sẽ giảm. Một khi lãi suất huy động được kéo xuống, lãi suất cho vay sẽ giảm. Lãi suất huy động kéo xuống được hay không lại tùy thuộc vào khả năng Ngân hàng Trung ương có thể bơm được tiền, điều tiết thị trường. Trong 8 lĩnh vực ưu tiên được bơm vốn: nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ... thay vì bơm chung cho tất cả các lĩnh vực, thì ngân hàng nên bơm riêng từng dự án. Hướng triển khai này sẽ giúp giảm áp lực cung - cầu vốn, do đó giảm lãi suất.

Cơ hội nào cho doanh nghiệp

Nhiều doanh nghiệp than phiền là tiếp cận vốn ngân hàng rất khó. Tuy nhiên vấn đề nằm ở chỗ doanh nghiệp không có dự án đủ sức thuyết phục ngân hàng cấp vốn cho mình. Khi không có dự án thuyết phục, khả thi, không có ngân hàng nào dám bỏ vốn cho doanh nghiệp. Theo một nghiên cứu, chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp thường xuyên tiếp cận vốn của ngân hàng thương mại.

Vì vậy năm 2012, nhiệm vụ chính của Chính phủ là kéo lạm phát xuống để hạ lãi suất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, không để doanh nghiệp lún sâu hơn vào tình trạng đóng cửa và phá sản. Đồng thời, Chính phủ cũng đã có chủ trương giảm, dãn thuế thu nhập cho doanh nghiệp, cắt giảm thủ tục hành chính, đây cũng là một phương thức hỗ trợ để doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn hiện tại.

Bên cạnh đó, sang năm 2012, Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội xuất khẩu những mặt hàng thiết yếu như nông sản, thủy sản, hàng dệt may, giày dép... Mặt khác, sản xuất của Thái Lan còn khó khăn do hậu quả nghiêm trọng của lũ lụt nên có những sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam tương tự Thái Lan sẽ có khả năng tăng mạnh, nhất là 6 tháng đầu năm 2012.

Tái cấu trúc là tất yếu

Kể từ năm 2006, sau khi đạt đỉnh tăng trưởng với 8,26%, GDP của Việt  Nam đã liên tục giảm. Theo các nhà nghiên cứu, hiện đầu tư của tất cả các thành phần kinh tế đều kém hiệu quả trong đó đầu tư Nhà nước kém hiệu quả nhất bởi vì kinh tế Việt Nam đang có 3 nút thắt cản trở sự hấp thụ vốn của nền kinh tế là kết cấu hạ tầng, nhân lực và thể chế. Do vậy muốn tái cấu trúc đầu tư hiệu quả cần phải có các giải pháp chiến lược giải quyết 3 nút thắt này. Bên cạnh đó, việc tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước cũng đang được đặt ra nhằm nâng cao hiệu quả và hoạt động của DN Nhà nước trong nền kinh  tế thị trường. Trong đó, tái cấu trúc ngân hàng đang là vấn đề nóng. Chưa bao giờ lòng tin trong nội bộ hệ thống ngân hàng suy giảm mạnh mẽ như bây giờ. Và cũng chưa bao giờ nợ xấu trên thị trường liên ngân hàng lại ngang ngửa như bây giờ.

Hiện nay, chúng ta có khoảng 100 ngân hàng thương mại. Đây là con số quá nhiều, không hợp lý trong nền kinh tế hiện nay. Trong khi đó, chúng ta cần là tạo cho được một vài ngân hàng mạnh có khả năng cạnh tranh trong khu vực chứ không phải là cần nhiều ngân hàng. Việc sáp nhập, hợp nhất ngân hàng trong thời gian tới cũng là quy luật tự nhiên.

Mục tiêu của Chính phủ từ nay đến năm 2015 là hoàn thành tái cấu trúc ngân hàng thương mại, không để bất cứ ngân hàng nào đổ vỡ; phát triển vài ngân hàng mang tầm cỡ khu vực, bên cạnh đó phát triển các quỹ tín dụng nhỏ phù hợp với phân khúc thị trường.

Không chỉ ngân hàng, trên thị trường chứng khoán, Ủy ban chứng khoán cũng đang xây dựng đề án tái cấu trúc lại thị trường chứng khoán. Sắp tới đây các công ty chứng khoán sẽ còn rất ít các điều kiện về niêm yết, vấn đề bảo mật thông tin sẽ được chấn chỉnh lại để có một thị trường hoạt động tốt hơn.

Phục hồi thị trường bất động sản được xem là cứu cánh

Điều Chính phủ lo ngại nhất là khu vực bất động sản nếu tiếp tục khủng hoàng thì nợ xấu tại ngân hàng sẽ tăng lên ở mức khổng lồ vì đây là khu vực ngốn nguồn vốn của ngân hàng rất lớn.  Do vậy phục hồi lại thị trường BĐS trong trung hạn không chỉ là vấn đề cứu cánh cho  nền kinh tế, cho các ngành liên quan đến lĩnh vực BĐS mà còn là cứu cánh cho hệ thống ngân hàng.

Từ trước đến nay, thị trường bất động sản hoạt động theo cách lấy “mỡ nó rán nó”. Doanh nghiệp huy động vốn từ khách hàng mua nhà và vay từ ngân hàng là chính. Hiện nay cả hai kênh huy động vốn này đều khó, khách hàng không mua, ngân hàng cũng không cho vay. Nhiều doanh nghiệp bất động sản sẽ không thể bám trụ.

Năm 2012, ngân hàng vẫn chưa thể cấp vốn cho các dự án bất động sản. Nếu có cấp thì chỉ cấp cho những dự án thích hợp như các dự án nhà ở thu nhập thấp khoảng dưới 1 tỷ, có khách hàng mua và có thể thu hồi vốn. Tuy nhiên, có một vài dấu hiệu chứng tỏ đang có chính sách phục hồi thị trường BĐS và chứng khoán đơn cử như việc Ngân hàng Nhà nước loại 4 nhóm BĐS ra khỏi  thị trường phi sản xuất.

Mặc dù những khó khăn và thử thách đối với cả Chính phủ, doanh nghiệp và người dân vẫn còn ở phía trước. Bước sang năm 2012, áp lực vẫn còn nhiều từ những khó khăn cũ nhưng chúng ta vẫn hoàn toàn có thể hy vọng vào nghệ thuật điều hành của Chính phủ và doanh nghiệp trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, đạt được mức tăng trưởng mà không gây những xáo trộn quá lớn trong đời sống xã hội.