Những lưu ý khi trẻ bụ bẫm vẫn bị còi xương

ANTD.VN - Nghĩ rằng con ăn tốt, lên cân đều là phát triển khỏe mạnh, nhiều mẹ bất ngờ khi biết con bị còi xương thể bụ.

Những lưu ý khi trẻ bụ bẫm vẫn bị còi xương ảnh 1Trẻ cần ăn uống cân bằng để đảm bảo đủ canxi và vitamin D

Trốn lẫy, trốn bò: Biểu hiện của còi xương

Khi nhắc đến còi xương, đa phần chúng ta đều nghĩ đến hình ảnh những đứa trẻ thấp bé, còi cọc. Thế nhưng, theo y khoa, còi xương tức là tình trạng xương mềm, yếu. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do thiếu vitamin D và canxi - 2 yếu tố không hề liên quan đến cân nặng. Chính vì thế, trẻ có cân nặng tốt vẫn có thể còi xương.

Thậm chí, nhiều nghiên cứu khoa học còn chỉ ra rằng trẻ bụ bẫm lại có nguy cơ còi xương cao hơn. Lý do là bởi, ở những trẻ này, nhu cầu về canxi, vitamin D cao hơn những trẻ bình thường. Do đó, nếu không được đáp ứng ở liều cao, trẻ sẽ dễ dẫn tới thiếu hụt hàm lượng lớn.

Theo TS. Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cơ thể trẻ sẽ tự tổng hợp vitamin D dưới ánh mặt trời. Nếu vì một lý do nào đó, trẻ không được ra ngoài thì sẽ dẫn tới tình trạng thiếu hụt vitamin D. Khi vitamin D không đáp ứng được nhu cầu hàng ngày, canxi cũng không thể tổng hợp, dẫn tới hiện tượng còi xương.

Một nguyên nhân nữa khiến trẻ bị thiếu hụt vitamin D đó là do việc người lớn nêm nếm thức ăn quá mặn, khiến hàm lượng vitamin D bị đào thải qua nước tiểu. Những trẻ ăn dặm quá sớm hoặc không được bú mẹ cũng có nguy cơ phải đối mặt với tình trạng này. TS. Nguyễn Trọng Hưng cho biết, còi xương thể bụ về bản chất cũng có đầy đủ các dấu hiệu của bệnh còi xương thông thường như: ngủ không ngon giấc, đổ mồ hôi đầu, rụng tóc hình vành khăn…. Và một điều cần lưu ý là nếu thấy trẻ có hiện tượng trốn lẫy, trốn bò  cũng là biểu hiện của còi xương. 

Chất béo: Không nên loại bỏ hoàn toàn 

Trong điều trị còi xương thể bụ, tăng cường canxi và vitamin D là yếu tố quan trọng. Tuy nhiên, liều lượng như thế nào, sử dụng trong thời gian bao lâu phải do bác sĩ chỉ định. Song song với việc bổ sung vitamin D và canxi, chúng ta cũng cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng của trẻ. Theo đó, bạn không cần phải tăng cường thêm dinh dưỡng  mà chỉ cần cho trẻ ăn cân đối các thành phần. Cụ thể, trong chế độ ăn hàng ngày, nên hạn chế chất béo vì nó sẽ khiến trẻ thừa năng lượng. Dù vậy, điều này không có nghĩa là chúng ta sẽ cắt giảm hoàn toàn, bởi lẽ canxi và vitamin D là những vi chất tan trong dầu, mỡ. Nếu thiếu chất béo thì cơ thể cũng không thể hấp thụ tối đa. 

Ngoài ra, thay vì cho trẻ thường xuyên sử dụng đạm từ thịt bò, lợn, gà, bạn hãy tăng cường các loại tôm, cua, cá… vì chúng rất giàu canxi. Tuy nhiên, lượng thức ăn cũng chỉ nên dừng ở mức vừa phải, đúng với độ tuổi, nếu không dễ dẫn đến tình trạng béo phì do thừa đạm.

Với những trẻ dưới 3 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 12 tháng tuổi, sữa vẫn là thực phẩm cần thiết hàng ngày, thế nên, để vừa đảm bảo dinh dưỡng, vừa tránh tăng cân, bạn nên cho trẻ uống sữa tách béo hoặc sữa không đường. Tương tự, các loại quả ngọt, nhiều đường như: vải, nhãn, mít, xoài… cần hạn chế ăn. Các loại quả tốt cho sức khỏe của trẻ là: thanh long, bưởi, táo…

Một lưu ý nữa trong chế độ dinh dưỡng của trẻ mà bố mẹ không thể bỏ qua, đó là tăng cường rau xanh. Với hàm lượng chất xơ dồi dào, rau xanh sẽ giúp trẻ phòng tránh táo bón, đồng thời rất hữu ích trong việc hạn chế tăng cân. Về hàm lượng tinh bột, trẻ còi xương thể bụ có thể ăn ít hơn một chút so với bình thường. Việc này nhằm tránh tăng cân, từ đó tránh áp lực cho hệ xương vốn đang còn yếu của trẻ.

Còi xương thể bụ nếu không được điều trị sớm sẽ dễ dẫn tới tình trạng biến dạng lồng ngực, cong vẹo cột sống, chân vòng kiềng… Tất cả những vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe tổng thể của trẻ.