Những lưu ý khi dùng thuốc sắc Ðông y

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Để nâng cao hiệu quả và tác dụng của thuốc Đông y, cần phải chú ý đến sự tương tác giữa thuốc với thức ăn, nước uống bởi chúng có thể ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc.

Những kiêng cữ ăn uống

Theo quan niệm của y học cổ truyền, thức ăn cũng là những vị thuốc, cho nên nếu ăn uống không hợp lý thì có thể làm ảnh hưởng đến hiệu lực của đơn thuốc và sức khỏe của người bệnh. Tuy nhiên, do thói quen nhiều người cho rằng cứ khi dùng thuốc Đông y là phải kiêng tôm, cua, ốc, thịt gà, rau muống... Như vậy, về vấn đề này, việc tuân thủ theo chỉ dẫn của thầy thuốc là hết sức quan trọng.

Thuốc dù là tân dược hay thuốc đông dược không thể sử dụng tùy tiện, mà phải được khám và sử dụng theo kê đơn của bác sĩ

Thuốc dù là tân dược hay thuốc đông dược không thể sử dụng tùy tiện, mà phải được khám và sử dụng theo kê đơn của bác sĩ

Một số điều kiêng kỵ sẽ giúp người bệnh đảm bảo được chất lượng của thuốc. Ví dụ: đau dạ dày thì phải kiêng chua, cay, nóng, thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ; các bệnh phong thấp đau nhức thì phải kiêng đồ biển, đồ phong (tôm cua, cá biển, thịt bò, gà, măng, cà…), chỉ nên ăn thịt lợn, cá đồng, cá sông. Ngoài ra, còn phải kiêng cữ một vài chất có thể làm mất chất lượng của thuốc như: đậu xanh, giá sống, củ cải trắng, rau muống, khoai lang...

Không nên dùng nước trà khi uống thuốc bởi chất tannin trong nước trà là một loại acid (tannic acid) ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc, thậm chí làm cho thuốc mất hết tác dụng. Khi đang uống các loại thuốc bổ như thuốc bổ thận tráng dương cũng nên hạn chế uống trà. Với thuốc bổ trong thành phần có nhân sâm, không nên ăn củ cải sẽ làm giảm tác dụng của nhau.

Nên uống nóng, ấm hay lạnh?

Thường thì khi sắc thuốc xong, chắt nước thuốc ra bát, đợi một lát để thuốc nguội đến độ vừa phải, không nóng không lạnh rồi uống như vậy gọi là uống ấm. Nhưng với những bệnh nhân bị chứng hàn như cảm mạo phong hàn, đau bụng đi ngoài do lạnh... muốn nâng cao tác dụng của thuốc thì phải uống nóng. Ngược lại, với những bệnh nhân bị chứng nhiệt như sốt sao, môi khô họng khát, miệng lưỡi lở loét... thì phải đợi cho thuốc thật nguội mới uống nhằm mục đích tăng cường hiệu quả thanh nhiệt của dược liệu.

Thuốc có hiệu quả hay không ngoài việc dùng đúng bệnh và sắc đúng cách còn phụ thuộc vào thời gian uống thuốc. Thời gian uống thuốc sắc tốt nhất là lúc bụng nửa đói nửa no, tránh ăn no rồi mới uống ngay sẽ gây đầy bụng. Riêng đối với những toa thuốc điều trị bệnh về đường tiêu hóa thì nên uống lúc đói. Khoảng thời gian giãn cách giữa các lần uống thuốc tốt nhất là cách nhau trên 4 giờ (đối với 3 lần uống/ngày) và trên 8 giờ (với 2 lần uống/ngày).

Lưu ý khi kết hợp Đông y và Tây y

Tốt nhất là nên uống cách xa nhau vì rằng nhiều loại thuốc tây và thuốc ta không thể cùng uống một lúc. Kháng sinh thuộc nhóm tetracyclin không nên uống cùng một lúc với các vị thuốc có chứa nhiều canxi, magiê... vì sẽ làm giảm hiệu lực của tetracyclin, hình thành các hợp chất kim loại bền vững ở đường ruột làm ảnh hưởng đến quá trình hấp thu và tiêu hóa thức ăn.

Không dùng thuốc quá lâu

Thuốc Đông y cũng có những độc chất. Vì vậy, phải thật cẩn thận khi sử dụng, không nên nghe lời truyền miệng, đồn đại về một toa thuốc, vị thuốc nào đó rồi tự tiện sử dụng lâu dài, trong khi chưa biết toa thuốc đó có độc chất hay không. Hiện nay trong nhân dân có quan niệm thuốc Đông y là thuốc không độc hoặc ít độc hơn thuốc Tây y, chính vì quan điểm này dẫn đến việc lạm dụng, sử dụng bừa bãi là điều hết sức nguy hại. Một số vị thuốc có độc tính cao nếu dùng quá liều có thể gây độc cho cơ thể thậm chí gây tử vong.

Thận trọng dùng thuốc Đông y

Hiện nay có nhiều thuốc nhập lậu, trôi nổi trên thị trường, công tác bảo quản dược liệu không đảm bảo, dễ ẩm mốc, hư hỏng hoặc lạm dụng chất bảo quản… Khi sử dụng gây hại từ từ, không dễ để phát hiện, đến khi phát hiện thì chức năng gan, thận đều đã giảm ở mức độ nặng, thậm chí xơ gan hay suy thận.

Sử dụng dược liệu cho trẻ một cách tùy tiện, không rõ nguồn gốc, thành phần, theo lời mách bảo hay theo người không có chuyên môn thì không những không mang đến lợi ích sức khỏe mà còn gây hại cho trẻ và cả sự phát triển sau này của trẻ. Cần lưu ý, thuốc dù là tân dược hay thuốc đông dược không thể sử dụng tùy tiện, mà phải được khám và sử dụng theo kê đơn của bác sĩ. Người bệnh nên thăm khám và điều trị tại các bệnh viện y học cổ truyền, bệnh viện có khoa y học cổ truyền khi có nhu cầu sử dụng thuốc thảo dược.