Sống không chùn bước (1):

Những "hoạ sỹ"... da cam

ANTĐ - Vượt qua bất hạnh bằng nghị lực phi thường, họ viết lên cuộc đời câu chuyện của ý chí, niềm tin và khát vọng sống mãnh liệt. Nói về mình, họ chỉ khẳng định một điều rằng, dù không may mắn, sống là không chùn bước.

Tôi lặng người xúc động khi xem những bức tranh của Dũng. Mộc mạc, đơn sơ nhưng chan chứa tình người. Cuộc sống của chàng trai tật nguyền ấy đã truyền niềm tin cho nhiều trẻ em nhiễm chất độc dioxin khác ở Đà Nẵng.    

Tuổi thơ nghiệt ngã

Đam mê vẽ tranh cũng là động lực để Dũng vươn lên trong cuộc sống.

 Đam mê vẽ tranh cũng là động lực để Dũng vươn lên trong cuộc sống.

Cơ sở II của Hội Nạn nhân da cam TP Đà Nẵng nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Quang Trung. Nơi ấy, có một thầy giáo đặc biệt tên là Trương Tấn Dũng (1982), mà nhiều người quen gọi là “họa sĩ” da cam. Dẫu đôi chân tàn tật thì Dũng vẫn còn một tay để dạy vẽ và dạy vi tính cho các em. Dũng kể, mới 3 tuổi, sau cơn sốt bại liệt, nỗi bất hạnh đã ập xuống em khi 2 chân tàn tật, một tay dị tật. Khi đó, Dũng còn quá nhỏ để hiểu mọi chuyện. Mẹ Dũng, vì quá thương con đã chạy đôn chạy đáo vay mượn tiền bạc chữa trị cho cậu.

Nhưng thời ấy, y học còn chưa phát triển, nên dù nỗ lực thế nào, cuối cùng bà cũng đành bất lực. Nhìn con trai kháu khỉnh, khuôn mặt sáng trưng, vậy mà sớm tàn tật, ngồi một chỗ, nước mắt mẹ cứ trào ra. Thương con, nên Dũng có yêu cầu gì mẹ cũng đều đáp ứng. Bao nỗi vất vả đời thường, bà gạt ra hết để bù đắp cho đứa con bất hạnh. Dũng lớn lên trong tình thương yêu vô ngần của mẹ.

Nhưng rồi, những năm tháng ấy thật ngắn ngủi. Lên 8 tuổi, mẹ Dũng đột ngột qua đời sau cơn bệnh nặng. Nỗi hụt hẫng ngập tràn trong lòng cậu bé. Nỗi đau mất mẹ chưa nguôi thì 2 năm sau, ba Dũng cũng bỏ cậu đi lấy vợ khác và chuyển ra Hà Nội sinh sống. 10 tuổi, tật nguyền, không có sự chăm sóc, yêu thương của mẹ cha đó là bi kịch, là bất hạnh với bất cứ đứa trẻ nào.

Dũng sống với bà ngoại trong nỗi nhớ mẹ quắt quay suốt thời thơ ấu. Nhà ngoại nghèo, nên cũng không có điều kiện chăm sóc và cho Dũng học hành. Vì vậy, mãi tới năm 13 tuổi, trong nỗi khát khao cháy bỏng được học chữ, bà ngoại mới cõng cậu đến trường học bổ túc văn hóa. Tật nguyền, nhưng Dũng chăm chỉ, nên học khá. Nhiều bạn trong xóm thương Dũng nên thỉnh thoảng tới cõng cậu đi học thay bà.

Lên cấp II, bà đã già không đủ sức cõng Dũng nữa, may nhờ các bạn có xe đạp nên mỗi ngày, cậu vẫn đều đặn được tới lớp. Nhờ những người bạn tốt, gần chục năm liền, hành trình theo đuổi con chữ của Dũng được liền mạch. Mãi tới năm lên lớp 11, các bạn trong xóm đã bỏ học hết, nhà thì xa trường, không có ai đưa đón, Dũng đành bỏ học.

Đời còn nhạc, còn họa

Nghỉ học ngồi nhà, Dũng bắt đầu thực hiện niềm đam mê từ tấm bé là sáng tác truyện tranh. “Em có 3 tập truyện tranh, mỗi cuốn vở là một tập. Em cho các bạn đọc rồi nhờ góp ý, đặt tiêu đề” - Dũng thổ lộ. Nhân vật trong truyện của Dũng lúc đó cũng quẩn quanh là thằng tí, con tèo cạnh nhà. Những mâu thuẫn và hành xử ngô nghê của con trẻ. Cuộc sống qua những trang truyện tranh hồn nhiên đầy màu sắc, nhưng đó là đam mê, là cách thể hiện tình yêu với cuộc sống. S

au 3 tập, Dũng dừng sáng tác vì không còn tiền mua giấy mực. Từ đây, cậu chuyển sang vẽ tranh đem đi bán. Những bức tranh phong cảnh quê hương, tranh chân dung, sinh hoạt đời thường... qua góc nhìn của Dũng trở nên thân thương lạ kỳ. Nhờ được P. Khuê Trung tặng cho chiếc xe lăn nên cứ 2 ngày sáng tác, Dũng lại dành một buổi ra trước Bảo tàng Điêu khắc Chăm bán tranh cho du khách. Có lần, vừa ôm một xấp tranh đi bán, trời đột ngột đổ mưa, tranh ướt hết, Dũng ngồi thẫn thờ rầu rĩ giữa trời.

Trong căn phòng nhỏ tràn đầy tình yêu thương, Dũng bắt đầu cất giọng hát. Bài hát “Lời trái tim em” của Dũng là sáng tác đầu tay với ca từ giản dị mà xúc động. “Xin mọi người nắm tay em cùng nhau vượt qua nỗi đau từ đây. Xin mọi người lắng nghe nhịp tim em vang vọng mãi đâu đây”. Nhạc nền bài hát cũng do chính Dũng làm. Bài hát đã được chọn biểu diễn trong một chương trình văn nghệ “Chung tay chia sẻ nỗi đau da cam” mới đây tại Nhà hát Trưng Vương. Nhạc và họa có thể Dũng không xuất chúng, nhưng đó là điểm tựa, là niềm tin để cậu vươn lên, bởi những lời từ trái tim da diết tự bao đời vẫn là cội nguồn của nghệ thuật.

Dũng dạy trẻ em da cam vẽ tranh.

 Dũng dạy trẻ em da cam vẽ tranh.

Còn có cả yêu thương

Sau thời gian bán tranh vất vả nhưng cuộc sống không cải thiện, không tự nuôi sống được bản thân, Dũng quyết định đi học tin học với mong muốn có một công việc ổn định. Nhờ sáng dạ, chịu khó tìm tòi nên Dũng học rất nhanh. Chỉ trong 6 tháng học ở một trung tâm dạy nghề trên đường Nguyễn Văn Linh, Dũng đã có thể sử dụng vi tính cả phần mềm lẫn phần cứng. Sau khóa học ấy, Dũng tiếp tục tìm đến Hội Nạn nhân da cam TP Đà Nẵng bổ sung thêm kiến thức vì cậu được biết tại đây có một khóa học miễn phí cho người tàn tật.

Thật may mắn, Dũng gặp được cô Hiền - Chủ tịch Hội. Thấy Dũng biết vi tính, vẽ giỏi, lại có hoàn cảnh bất hạnh nên cô Hiền ngỏ ý muốn đưa cậu về làm việc tại Cơ sở II của Hội. Dũng rất mừng, bởi đây là môi trường làm việc phù hợp với bản thân, lại có mức lương ổn định, 700 ngàn đồng/tháng, đủ cho Dũng tự lập. Dũng tâm sự, cơ sở là mái nhà tràn đầy tình yêu thương với cậu. Các em nạn nhân da cam, hồn nhiên, tội nghiệp nhưng tình cảm thắm thiết. Mỗi ngày không được gặp các em, sống chan hòa trong tình yêu thương của các em, Dũng như thấy mình cô đơn, lạc lõng giữa cõi đời. Hằng ngày, công việc của Dũng là dạy các em vẽ, dạy vi tính.

“Các em tiếp thu rất chậm, nên đòi hỏi mình phải kiên nhẫn, phải dạy các em bằng cả tấm lòng mới thành công” - Dũng kể. Trong số học trò của Dũng có em Thu, sau khi rời cơ sở giờ đã kiếm được việc làm ổn định, tự lo cho cuộc sống. Khi biết tin về cô học trò ấy, Dũng mừng đến rớt nước mắt. Đó là thành quả, nhưng hơn hết là tình yêu thương của Dũng dành cho các em đã được đền đáp. 

Như bao người, chàng trai 29 tuổi cũng ấp ủ trong tim hình bóng một người con gái. Cô bạn tên Vy (1989) đã có tình cảm đặc biệt với anh, với nhiều kỷ niệm sâu sắc trong suốt 2 năm quen biết. Vy đã tiếp thêm cho Dũng niềm tin, nghị lực vào cuộc sống. Trước khi đi du học, Vy đưa Dũng đi tham quan tại Huế, họ có những tháng ngày thật hạnh phúc và hẹn ước 2 năm sau Vy sẽ quay về. Ai cũng có một trái tim yêu thương được chia sẻ yêu thương. Dũng cũng vậy, cậu vun đắp cho mối tình của mình, tin vào tương lai, tin vào hạnh phúc sẽ đến với mình. Dũng bảo, cuộc đời không bất công với ai cả. Điều đáng sợ nhất là không đủ nghị lực vượt qua bất hạnh. Có lúc nhạc, họa đã cho Dũng niềm tin sống. Và bây giờ, tình yêu, hạnh phúc tương lai là điểm tựa cho cậu.

(Còn nữa)