Những hệ lụy không ngờ tới khi thịt lợn tăng giá

ANTD.VN - Giá thịt lợn trong những ngày gần đây không ngừng leo thang, tạo ra một làn sóng dữ dội trên thị trường. Các mặt hàng nhu yếu phẩm hay các quán ăn cũng theo đó tăng cao, khiến người dân phải chao đảo trong cảnh “không biết ăn gì”. Cùng với đó là sự bế tắc của các chủ thương hay phong trào nhập lậu thịt lợn từ nước ngoài ngày càng diễn biến xấu và phức tạp.

Từ lâu, thịt lợn được coi là món ăn truyền thống, phổ biến và thông dụng nhất trong mỗi gia đình ở Việt Nam. Bởi thịt lợn dễ ăn và chế biến được nhiều món khác nhau, như luộc, rang, chiên, nướng, kho… đều phù hợp với mọi lứa tuổi, từ trẻ em đến người già. Chính vì thế, thịt lợn dần trở thành món không thể thiếu trong thực đơn dinh dưỡng của từng gia đình.

Thịt lợn được coi là món ăn truyền thống của hầu hết gia đình ở Việt Nam

Tuy nhiên, trước tình hình giá thịt lợn tăng kỷ lục như hiện nay, nhiều gia đình cảm thấy hoang mang và e ngại không dám mua. Giá các loại mặt hàng thực phẩm khác cũng theo đó tăng mạnh, làm phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, gây ra sự bất ổn định giá trên thị trường. Dưới đây là một số hệ lụy khôn lường khi thịt lợn tăng cao, gây ảnh hưởng mạnh đến người tiêu dùng và xã hội.   

Nhiều mặt hàng khác đồng loạt tăng giá

Theo khảo sát tại một số khu chợ và cửa hàng thực phẩm ở TP HCM, trong lúc giá thịt lợn đang thiết lập kỉ lục về sự tăng mạnh chưa từng có, thì nhiều sản phẩm làm từ thịt lợn cũng tăng giá thêm 5-25% so với cách đây hai tháng.

Chẳng hạn như, tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) giò lụa loại thường trước đây chỉ 120.000 đồng/kg thì nay tăng lên 150.000 đồng/kg; loại ngon trước đây 150.000 đồng/kg nay lên 210.000 đồng/kg. Lạp xưởng tươi thay vì 160.000 đồng, nay tăng thêm 20.000 đồng/kg. Các loại chà bông, giăm bông cũng tăng giá thêm 30.000 - 50.000 đồng/kg so với trước...

Thịt lợn tăng giá kéo theo các mặt hàng làm từ thịt lợn cũng tăng mạnh

Anh Phan Văn Vĩnh, một đầu mối làm bánh chưng đặc sản tại Thanh Trì (Hà Nội) cho biết, dù thịt lợn chỉ dùng để làm nhân bánh chưng, nhưng do dịp này giá thịt tăng mạnh nên anh phải điều chỉnh giá bán lẻ cho phù hợp. Ví dụ như, loại bánh chưng gù Hà Giang, giá bán tăng khoảng 5.000 đồng/chiếc, bánh chưng vuông ngoài chợ giá tăng khoảng 5.000-10.000 đồng/chiếc

Bên cạnh đó, các cửa hàng bánh bao, bún chả, bún mọc,… cũng lần lượt treo biển thông báo tăng giá. Một cửa hàng bán bánh bao trên phố Ngô Thì Nhậm tăng mạnh từ 15.000 lên 20.000 đồng/chiếc. Cửa hàng bánh mì khá nổi tiếng tại phố Huế cũng tăng từ 25.000 – 30.000 đồng/chiếc.

Chị Trần Thị Lệ Thủy - chủ một cửa hàng bún mọc trên phố Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ rằng, nhà chị bán các loại bún đều liên quan đến thịt lợn, như bún giả cầy, bún mọc, bún sườn,... Khi giá thịt lợn tăng mạnh chị đã phải điều chỉnh giá bán tăng lên thêm 5.000 đồng/bát, nhưng khách đến ăn nhiều người thông cảm, song cũng không ít người ca than và phàn nàn vì giá đột ngột tăng lên.

Tuy nhiên, có một điều không ngờ tới, khi giá thịt lợn tăng cao, người dùng chuyển sang tiêu thụ thịt bò, thủy hải sản thì giá các mặt hàng này cũng tăng lên chóng mặt từ 5-10%. Chị Nguyễn Thị Hương, tiểu thương bán thịt bò tại chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh) cho biết, hơn tuần nay mỗi kilôgam thịt bò đã tăng thêm 10.000 đồng; tôm sú, tôm bạc tăng thêm 10.000 - 20.000 đồng/kg mỗi loại, cá điêu hồng cũng thêm 5.000 đồng/kg…

Trước tình hình "chạy đâu cũng không thoát", người tiêu dùng đang lâm vào tình trạng bế tắc, đi chợ không biết mua gì cho bữa ăn khi mọi sản phẩm đều tăng giá một cách chóng mặt như hiện nay.

Người mua quay cuồng trong cơn “bão giá”

Trên các diễn đàn hay các trang mạng xã hội, chủ đề về thịt lợn tăng giá đang thu hút hàng chục nghìn lượt quan tâm, theo dõi và bình luận của người tiêu dùng, đặc biệt là các chị em nội trợ. Nhiều người không ngần ngại bộc bạch rằng, đi chợ không biết mua gì vì giá tăng nhưng lương không tăng. Số khác thì cảm thấy bế tắc về việc đi chợ mua gì để nấu sao cho đủ chất, đủ số lượng, bởi tiền chợ chỉ gói gọn từng ấy.

Dù biết, để nuôi một đàn lợn đến ngày xuất chuồng, người chăn nuôi phải mất rất nhiều thời gian và bỏ ra rất nhiều công sức. Nhưng trước đà tăng giá kỷ lục của thịt lợn, nhiều người không khỏi tỏ ra “méo mặt”, ngao ngán.

Giá thịt lợn tăng cao ở mức kỷ lục, khiến người tiêu dùng quay cuồng trong cơn "bão giá"

Chị Đào Thị Hồng Nhung ở Phương Mai (Đống Đa, Hà Nội) tâm sự rằng, trước đây cầm 100.000 đồng đi chợ, chị có thể mua thức ăn đủ cho cả gia đình. Ví dụ như, 5 lạng thịt lợn hết khoảng 45.000 đồng, 10.000 đồng đậu phụ, rau hết khoảng 10.000 đồng và bát canh ngao hay canh cá hết khoảng 25.000 - 30.000 đồng. Bữa cơm đầy đủ chủ yếu xoay quanh gà, bò, cá và thịt lợn,... cũng chỉ hết khoảng 100.000 đồng.

Nhưng những ngày gần đây, đi chợ mua 5 lạng thịt ba chỉ hay thịt chân giò đã hết khoảng 100.000 đồng, chưa kể phải mua thêm các món ăn kèm khác, mà những món ăn kèm này cũng đang tăng lên một cách chóng mặt, nên việc đi chợ đang trở thành áp lực của nhiều người.

Tiểu thương lao đao muốn bỏ nghề

Không chỉ có người tiêu dùng, mà ngay cả những tiểu thương kinh doanh thịt lợn cũng choáng váng với tình hình giá thịt mỗi ngày tăng cao như hiện nay.

Chị Chu Thị Ngọc, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Mai Động (Hoàng Mai, Hà Nội) tâm sự rằng, giá thịt lợn tăng cao kéo theo lượng khách mua hàng cũng giảm đi một nửa, vì gần đây giá thịt lợn tăng gấp đôi, trong khi thu nhập của người dân không tăng lên, nên hiển nhiên, mọi chi tiêu trong việc ăn uống cũng được người dân tính toán một cách kỹ lưỡng và hạn chế hơn.

Thịt lợn tăng, nhiều tiểu thương muốn bỏ nghề vì lượng khách chưa bằng một nửa

Nhiều trường hợp khi hỏi giá xong, họ “bỏ chạy” và chuyển sang mua các thực phẩm khác như: gà, cá, tôm, trứng... Nếu tình trạng này kéo dài thì các tiểu thương không thể bán được hàng, nhất là dịp Tết sắp đến. Nhiều người muốn bỏ nghề để chuyển sang buôn bán mặt hàng khác.

Tại cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành về tình hình liên quan đến giá thịt lợn và bình ổn thị trường những tháng còn lại của năm 2019 vào giữa tháng 11 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phùng Đức Tiến thừa nhận, giá thịt lợn đang tăng mạnh, nguyên nhân một phần do nguồn cung thiếu hụt vì dịch tả lợn châu Phi.

Tổng cục Thống kê dự kiến quý IV/2019, tổng nhu cầu thịt lợn cả nước vào khoảng 600.000 tấn, với mức cung căn cứ trên tổng đàn tháng 10 và mức nhập khẩu như hiện nay, tổng cung sẽ là hơn 400.000 tấn, thiếu hụt hơn 200.000 tấn.

Trước tình hình này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nội dung chỉ đạo tổ chức đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản nhằm bù đắp lượng thịt lợn thiếu hụt do dịch tả lợn châu Phi, đồng thời đưa ra nhiều biện pháp để cân bằng giữa lượng cung và cầu, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam, giúp người dân an tâm hơn khi sử dụng thịt lợn có nguồn gốc và đảm bảo chất lượng.

Tình trạng nhập lậu thịt lợn tăng chóng mặt

Khi giá thịt lợn trong nước đang tăng cao, nhiều thương lái đã nhập lậu lợn sống và thịt lợn từ Campuchia, Thái Lan vào Việt Nam để kiếm lời từ sự chênh lệch giá. Điều đáng lo là, tình trạng buôn lậu này rất có thể làm dịch tả lợn Châu Phi tràn về Việt Nam với diễn biến phức tạp.

Tình trạng nhập lậu lợn sống và thịt lợn đang ngày một gia tăng

Chưa dừng lại ở đó, vì lợi nhuận có thể bất chấp thủ đoạn, các thương lái sẵn sàng nhập các loại lợn dịch bệnh, lợn bẩn, lợn chết trôi... để bán cho người tiêu dùng với giá thấp hơn rất nhiều so với thị trường. Nếu người tiêu dùng không kiểm tra kỹ lưỡng, không có kiến thức để nhận biết, ham rẻ mua về ăn, thì việc người dùng bị ngộ độc thực phẩm hay lây nhiễm các bệnh dịch nguy hiểm từ động vật, là điều tất yếu xảy ra.   

Lợn dịch bệnh, lợn chết cũng được nhiều thương lái thu gom và bán ra thị trường

Nhiều trường hợp còn đem giao bán cho các nhà hàng, các quán ăn để làm thực phẩm thay thế cho thịt lợn xịn. Các chủ quán ăn cũng chạy theo lợi ích, một phần cũng muốn giữ chân khách hàng nên nhập vào với số lượng lớn, vô tư bán ra thị trường mà không quan tâm đến chất lượng sản phẩm cũng như sức khỏe của người tiêu dùng.

Qua đó có thể nói, dù giá thịt lợn tăng cao ở mức kỷ lục nhưng hãy là người tiêu dùng thông minh, mua thịt lợn ở những nơi uy tín, đảm bảo an toàn thực phẩm và phải chắc chắn rằng, bạn sẽ không bị “dụ” bởi những mặt hàng thịt lợn giá rẻ bất thường. Đồng thời, nâng cao kỹ năng, hiểu biết về thịt lợn để nhận biết cũng như tránh mua phải các mặt hàng ôi thiu, kém chất lượng, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của bản thân và gia đình.