Những đứa trẻ bị “tịch thu”

ANTĐ - Tại khu vực vùng núi Long Hồi, nơi người dân sống chủ yếu dựa vào những cánh đồng khoai lang trên những thửa ruộng bậc thang ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, mỗi khi có cán bộ kế hoạch hóa gia đình xuất hiện ở đây, họ lập tức đem con cháu mình đi giấu. Người dân ở đây kể rằng, rất nhiều trẻ em đã bị các cán bộ này mang đi và những đứa trẻ đó không được nhìn thấy nữa.
Những đứa trẻ bị “tịch thu”  ảnh 1
Bà Lưu Tố Trân, một nông dân thôn họ Hoàng bị cướp mất đứa cháu 3 tháng tuổi, 
đến nay chưa rõ tung tích


Hoặc nộp tiền, hoặc mất con

Viên Tân Quyền bất ngờ bị “tóm” vào một buổi sáng tháng 12-2005. Lúc đó, người bố trẻ mới 19 tuổi này đang bế trên tay đứa con gái mới 52 ngày tuổi đứng chờ tại một trạm xe buýt. Một chiếc xe công màu trắng đột ngột xuất hiện, khoảng gần chục người bước ra nhanh chóng vây lấy Viên và yêu cầu anh xuất trình giấy chứng nhận kết hôn.

Tất nhiên là Viên không có giấy này, cả anh và mẹ đứa bé đều chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật. Và anh cũng không có 6.000 Nhân dân tệ (745 USD) nộp phạt để có thể giữ lại đứa con của mình. Đứa trẻ đã bị đưa đi, Viên đứng lặng như người mất hồn, trên tay cầm chiếc túi đựng vài bộ quần áo trẻ em và hộp sữa. Gần 6 năm sau, anh vẫn không ngừng hy vọng con gái anh sớm được trở về nhà.

Những người dân địa phương ở Long Hồi cho biết, con gái của anh Viên chỉ là 1 trong số ít nhất 16 trẻ em đã bị các cán bộ kế hoạch hóa gia đình “tịch thu” trong thời gian từ năm 1999 đến cuối năm 2006 tại Long Hồi, vùng nông thôn nghèo thuộc thành phố Thiệu Dương của tỉnh Hồ Nam.

Những ông bố bà mẹ ở Long Hồi nói rằng, những đứa con của họ được coi như là một “nguồn thu” của chính chính quyền địa phương. Mỗi đứa trẻ sinh “phạm pháp” sẽ bị phạt ít nhất là 1.000 USD, số tiền nhiều gấp 5 lần thu nhập trung bình của một gia đình ở đây. Và nếu không có tiền nộp phạt, những đứa trẻ bị mang đi và phần lớn được đưa ra nước ngoài làm con nuôi - mang lại một nguồn thu lớn cho chính quyền địa phương. 

Dân nói có, chính quyền bảo không

Những vụ “tịch thu” trẻ em ở Long Hồi chỉ kết thúc vào năm 2006, sau khi Hùng Siêu, bé trai 8 tháng tuổi bị rơi từ ban công tầng hai của văn phòng kế hoạch hóa gia đình địa phương khi các cán bộ cố giằng đứa bé khỏi tay người mẹ. Mặc dù có một vài báo cáo về việc bắt cóc trẻ em ở Long Hồi cũng như một số vùng hẻo lánh khác, nhưng phải cho đến khi Tài Tân (Tin tức tài chính) - một tờ báo Trung Quốc nổi tiếng với những vụ điều tra bất thường vào cuộc, thì nhà chức trách mới mở cuộc điều tra chính thức. 

Ông Tằng Đinh Bảo, người đứng đầu cơ quan điều tra thành phố Thiệu Dương đã cam kết sẽ mở cuộc điều tra tỉ mỉ vấn đề này. Hồi tháng 6 vừa qua, phát biểu trên tờ People’s Daily trực tuyến, ông Tằng nói rằng, “thực sự không đến mức như các phương tiện truyền thông đăng tải về việc mua bán trẻ sơ sinh”. Trong khi đó, người dân lại tiếp tục gặp phải rắc rối, thay vì giúp đỡ và truy tìm những trẻ em bị bắt cóc, cơ quan điều tra lại trừng phạt những người bị coi là “tung tin” khi báo cáo về việc con em mình bị bắt đi. Điển hình là 2 trong số những ông bố mất con “to mồm” nhất đã bị bắt giam 15 ngày vì tội danh liên quan đến gái mại dâm. Sau khi được thả hồi tháng trước, Dương Lý Binh, 47 tuổi, và Chu Anh Hà, 34 tuổi nói rằng, họ đã bị lừa vào bẫy. 

Vụ việc đã làm dấy lên những câu hỏi về tính pháp lý của việc nhận con nuôi người Trung Quốc. Liệu những ông bố bà mẹ người Mỹ hay người nước ngoài khác có thể đã bị tiếp cận thông tin sai về những đứa trẻ mà họ nhận làm con nuôi. Đã có ít nhất một trường hợp gia đình người Mỹ nhận con nuôi thông qua cơ quan nhà nước về nhận con nuôi ở trại trẻ mồ côi Thiệu Dương. Trong khi đó, trại trẻ mồ côi Thiệu Dương lại có đầy đủ giấy tờ về các trường hợp cho nhận con nuôi. Theo quy định, sau 60 ngày đăng thông báo về tình trạng vô thừa nhận của trẻ trên báo địa phương mà không có người đến nhận, những đứa trẻ sẽ được trại trẻ mồ côi đổi tên thành Thiệu và được chấp thuận cho làm con nuôi. Cha mẹ người nước ngoài khi nhận con nuôi ở trại trẻ mồ côi này sẽ phải đóng góp số tiền 5.400 USD cho trại.

Ông Trương, giám đốc một trung tâm các vấn đề về con nuôi cho biết, hồi năm 2006, văn phòng của ông đã tìm cha mẹ nuôi cho 6 bé gái ở Thiệu Dương, cả 6 em đều được đổi tên là Thiệu. 

Trường hợp “may mắn” duy nhất

Từ nửa đầu những năm 2000, đã có những báo cáo của người dân về tình trạng cán bộ kế hoạch hóa gia đình “tịch thu” trẻ em, đánh đập cha mẹ, phá hủy gia đình họ. Dương Lý Binh, một trong những ông bố mất con kể, tháng 5-2005 khi ông đang làm thuê ở thành phố Thâm Quyến thì nhận được tin Dương Linh, đứa con gái đầu lòng mới được 9 tháng tuổi bị cán bộ đưa đi. Mặc dù gia đình đã “giấu” rất kỹ đứa trẻ, nhưng các cán bộ kế hoạch hóa gia đình đã phát hiện quần áo trẻ em phơi ở sau nhà. Người bà đã cố gắng giấu đứa trẻ vào chuồng lợn nhưng cuối cùng đứa bé vẫn bị mang đi. Bố mẹ của Dương Linh khi cưới nhau đã không làm thủ tục đăng ký kết hôn. Và để giữ lại đứa con, các cán bộ kế hoạch hóa gia đình nói rằng, họ phải nộp phạt 1.000 USD ngay lúc đó. Nếu không, họ sẽ phải ký vào một tờ giấy ghi rằng, họ không phải là cha mẹ của Dương Linh. 

Khi biết tin, Dương Linh đã lập tức về nhà. Anh đến gặp cán bộ kế hoạch hóa gia đình để xin nộp tiền phạt chuộc lại con, nhưng họ nói là đã quá muộn. Quá tức giận, anh đã lớn tiếng phản đối liền bị một nhóm hơn 10 người xông tới trấn áp. Sau đó, nhà chức trách đã đưa ra một “thỏa hiệp”, để thay cho đứa con bị lấy đi mất, vợ chồng Dương Linh được phép sinh thêm 2 đứa con nữa. “Tôi căm ghét họ đến tận xương tủy, tôi tự hỏi không biết họ có phải là những người làm cha, làm mẹ không. Tại sao họ không đối xử với chúng tôi như những con người”.

Trong số những trường hợp bị “tịch thu”, Hùng Siêu may mắn thoát khỏi số phận “con nuôi”. Nhưng dù vậy, Hùng Siêu cũng không trở thành một đứa trẻ bình thường được nữa. Cú rơi từ tầng hai tòa nhà văn phòng kế hoạch hóa gia đình, hậu quả cuộc giành giật giữa mẹ em và cán bộ văn phòng đã khiến em bị thương nặng, rơi vào hôn mê. 6 năm trôi qua, mặc dù đã đi học được 1 năm nhưng Hùng Siêu vẫn không thể nhận được mặt chữ. Trên bức tường trong ngôi nhà, bà ngoại em đã viết lên hai số 1 và 2 với hy vọng một ngày nào đó, Hùng Siêu phân biệt được hai chữ số này.