- ĐBQH không được nhận lời mời "giao lưu" từ các bộ ngành
- Trình Quốc hội xem xét hai phương án xử lý tài sản bất minh
- Cử tri Hà Nội đề nghị chất vấn Bộ trưởng Giáo dục-Đào tạo và Giao thông Vận tải
Ngày mai, 22-10, kỳ họp thứ 6-Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc (Ảnh tư liệu)
Ngày mai, 22-10, tại Hà Nội, Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 6. Đây là kỳ họp diễn ra vào cuối năm nên theo thông lệ, bên cạnh công tác lập pháp, Quốc hội thường tập trung xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội của đất nước trong năm tới, là cơ sở để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra.
Đáng chú ý, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, so với các kỳ họp trước, kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XIV sẽ tiếp tục có rất nhiều đổi mới, được kỳ vọng sẽ là một kỳ họp mang tính lịch sử.
Cụ thể, điểm mới đầu tiên tại kỳ họp này là Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch nước ngay những ngày đầu diễn ra kỳ họp. Theo đó, đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư được Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước.
Điểm mới thứ hai tại kỳ họp này đó là, lần đầu tiên Quốc hội yêu cầu Chính phủ báo cáo kết quả 3 năm triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, về tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trước đây, Quốc hội chỉ thực hiện đánh giá việc thực hiện các nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội theo giai đoạn 5 năm, tức 5 năm mới đánh giá 1 lần. Còn tại kỳ họp thứ 6 tới đây, dù Chính phủ mới chỉ có 3 năm để thực hiện Nghị quyết phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020 nhưng Quốc hội vẫn yêu cầu báo cáo nhằm xem xét, tìm ra vướng mắc để giải quyết, góp phần hoàn thành mục tiêu Nghị quyết đề ra trong giai đoạn 2016-2020.
“Nội dung này là cần thiết trong điều kiện cuộc chiến thương mại đang diễn ra phức tạp, khó lường như hiện nay và chúng ta phải có đối sách phù hợp” – ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thông tin về những đổi mới tại kỳ họp thứ 6
Điểm đổi mới thứ ba được Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chỉ ra là, phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 6 sẽ vẫn tiếp tục thực hiện theo phương thức “hỏi nhanh, đáp gọn” như đã bắt đầu áp dụng tại kỳ họp trước.
Song tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ đề nghị các ĐBQH không thảo luận về nội dung các báo cáo của Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tối cao trình ra mà sẽ dành trọn vẹn thời gian 3 ngày để “hỏi và đáp” luôn.
“Đổi mới như vậy sẽ giúp có thêm thời gian để các ĐBQH chất vấn, chất vấn lại các công việc mà Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân đã làm được, xem cái gì còn tồn tại chưa khắc phục được thì phải làm rõ nguyên nhân và hứa hẹn thời gian cụ thể…” – Tổng thư ký Quốc hội nói.
Điểm đổi mới thứ tư là, tại kỳ họp thứ 6 này, dự kiến sẽ có 15 phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước trực tiếp theo dõi (chiếm khoảng 31,25% thời lượng của kỳ họp). Đây là kỳ họp có tỷ lệ số phiên họp được tường thuật trực tiếp nhiều nhất.
Một điểm mới có tính chất lịch sử nữa là tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ xem xét phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây là Hiệp định quan trọng, có tác động đến hầu hết các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, ngoại giao của đất nước.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP có ý nghĩa quan trọng đối với việc hội nhập quốc tế của nước ta trong giai đoạn hiện nay...
Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; Nghị quyết số 85/2014/QH13 (năm 2014), tại kỳ họp này Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 48/50 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.