Những điều ít biết về dẫn giải phạm nhân

ANTĐ - Nhiều người vẫn nghĩ, cảnh sát dẫn giải phạm nhân thường là những con người hà khắc và lạnh lùng. Điều đó không hẳn vậy, bởi khuất sau mỗi phiên tòa, mỗi can phạm, họ luôn phải đối mặt với những tình huống thật oái oăm, căng thẳng và đầy bất trắc.

Tuyện đối an toàn là nhiệm vụ tối quan trọng của cảnh sát dẫn giải

“Sở trường” trị thói “ăn vạ”...

Như mọi ngày, sáng 1-3, TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử một cặp vợ chồng trẻ (trú ở phường Bạch Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) phạm tội mua bán trái phép chất ma túy và che giấu tội phạm. Dù không phải là nhân vật chính của vụ án, song “trùm ma túy” Hoàng Thị Vinh (SN 1973, hiện đang phải thụ án tù chung thân về ma túy) lại là bị cáo gây nhiều chú ý nhất. Tòa vừa khai mạc, Vinh đột ngột “lên cơn” đau đầu và “lăn đùng ngã ngửa” giữa hội trường.

HĐXX rơi vào tình thế lúng túng. Được thể, Vinh càng khóc lóc, đòi hoãn phiên xử và thay đổi KSV với lý do “bị cáo không khỏe, không thích được xét xử hôm nay”. Hàng chục con mắt dưới hội trường chăm chú nhìn vào bị cáo, rồi lại ngước nhìn về phía nữ chủ tọa phiên tòa. Phiên xử buộc phải gián đoạn để HĐXX “kiểm tra” sức khỏe và động viên bị cáo. Thế nhưng “trùm ma túy” vẫn tiếp tục “ăn vạ”... Mánh phá bĩnh của Vinh hôm ấy không chỉ đẩy những người tiến hành xét xử vào thế bí mà còn làm mất đi sự tôn nghiêm ở pháp đình.

Chứng kiến hành động của bị cáo, Đại úy Đỗ Văn Sự - cán bộ dẫn giải phạm nhân buộc phải “ra tay” lập lại trật tự phiên tòa. Bằng những lời lẽ ôn tồn nhưng kiên quyết, anh yêu cầu: “Bị cáo không được làm như thế. Trước khi đến tòa, cán bộ y tế của trại đã thăm khám kỹ càng cho bị cáo, không làm sao cả”. Vẫn với thái độ nhẹ nhàng, dứt khoát đó, Đại úy Sự tiếp lời: “Nếu bị cáo không nghiêm túc để HĐXX làm việc, chúng tôi sẽ áp chế đưa bị cáo ra ngoài”. Phải đến lúc này, Hoàng Thị Vinh mới chịu ngoan ngoãn trở lại vị trí dành cho bị cáo.

Có đến tòa nhiều mới thấy, những trò “ăn vạ” như bị cáo Vinh thi thoảng vẫn xảy ra. Thôi thì đủ kiểu, nào là đột nhiên nhức đầu, đau bụng, trúng gió và bị say xe. Cao thủ hơn, nhiều bị cáo còn “dựa” vào tiền sử bệnh tâm thần để diễn trò trước HĐXX. Chẳng thế mà mới đây, Đặng Tuấn Dũng (trú ở phường Bồ Đề, quận Long Biên) phạm tội giết người đã thể hiện khả năng “diễn xuất”. Trong suốt quá trình tạm giam ở “Hỏa Lò”, không khi nào thấy Dũng có biểu hiện tâm thần. Vậy mà khi phiên tòa vừa mở ra, bị cáo cứ đưa ngón tay lên ngắm bắn pằng… pằng… Thỉnh thoảng Dũng còn cúi xuống sàn nhà nhặt vỏ hướng dương đưa vào miệng nhai tóp tép, rồi nhổ phì phì. Theo kinh nghiệm của một số cán bộ, chiến sĩ dẫn giải phạm nhân, những đối tượng “ăn vạ” phần lớn là để trì hoãn phiên tòa, bản án với hy vọng ở bên ngoài gia đình, người thân có thời gian chạy chọt gỡ tội.

Những điều không có trong “sách”

Từng có thời gian dài gắn bó với can phạm bị tạm giam, Đại úy Nguyễn Việt Thắng (cán bộ Trại tạm giam số 1 Hà Nội) cho biết, khó khăn lớn nhất đối với những người làm công tác quản giáo nói chung và những cán bộ, chiến sĩ dẫn giải nói riêng chính là tâm lý không ổn định của các đối tượng phạm tội. Bởi lẽ, can phạm tuyệt đối không được tiếp xúc với người bên ngoài, ngoại trừ cán bộ điều tra cùng KSV. Họ càng không thể biết số phận của mình sẽ được pháp luật định đoạt ra sao. Từ đó, can phạm thường có những diễn biến tâm lý vô cùng phức tạp, khó lường.

Cũng chính vì lý do trên nên sẽ có hàng trăm tình huống bất trắc có thể xảy đến ở ngay tại những nơi xét xử. Chỉ huy Đội Cảnh sát bảo vệ (Trại tạm giam số 1 Hà Nội) buộc phải thường xuyên quán triệt và “trang bị” cho cán bộ, chiến sĩ của mình vô số những biện pháp đối phó khi tình huống xấu xảy ra. Đó là những can phạm không muốn tiếp tục cuộc sống, họ sẵn sàng lao mình qua cửa sổ phòng xử án, nhảy cầu thang từ tầng cao xuống, đập đầu vào tường, thậm chí sẵn sàng dùng vành móng ngựa làm công cụ tự sát.

Trung tá Vũ Đức Thể - Đội phó Đội Cảnh sát bảo vệ vẫn nhớ về một trường hợp xảy ra tại TAND TP Hà Nội cách đây đã khá lâu. Nhân lúc HĐXX đang tập trung thẩm vấn những người liên quan, bất thình lình bị cáo lao đến cửa sổ, rồi nhảy từ tầng 2 xuống đất để chạy trốn. Lẽ dĩ nhiên, hắn không thể chạy thoát, song vụ việc đó là một bài học quý giá. Ở một tình huống khác, thoạt nghe có vẻ “khôi hài”, nhưng lại là một việc làm buộc phải thế. Ấy là trường hợp bị cáo có nhu cầu đi vệ sinh. Để bảo đảm tuyệt đối an toàn, bao giờ cán bộ, chiến sĩ dẫn giải cũng phải vào WC “trinh sát” trước. Lúc can phạm giải quyết “nhu cầu” thì người dẫn giải phải lặng lẽ ứng trực bên cạnh. Với can phạm nữ thì không được khóa, chốt cửa. Nguyên tắc này không chỉ phòng ngừa can phạm bỏ trốn, làm điều dại dột, “tranh thủ xin con” nhằm thoát án tử mà hơn thế còn là để ngăn chặn thông cung hoặc cất giấu những vật cấm.

Đã nhiều lần đối mặt những tình huống gay cấn, nhưng Đại úy Nguyễn Việt Thắng vẫn còn nhớ như in cái cảm giác “căng như dây đàn”, hôm TAND huyện Từ Liêm tiến hành xét xử 3 bị cáo phạm tội cố ý gây thương tích. Tòa vừa dứt lời tuyên đọc bản án, hơn 30 đối tượng “xăm trổ” đầy mình sấn sổ lao đến vây quanh các anh. Những lời nói xúc phạm, những tiếng hô hào kích động thi nhau vang lên. Dường như bọn chúng chỉ chờ mỗi việc anh Thắng cùng đồng đội của mình có một lời nói hay cử chỉ nào thiếu chuẩn mực là lao ngay vào tấn công, đoạt phạm. Thế nhưng với bản lĩnh của một cán bộ dày dặn kinh nghiệm, Đại úy Thắng đã hoàn toàn làm chủ được tình thế. Vẫn còn vô vàn những tình huống thường xảy ra trong thực tiễn của công tác dẫn giải phạm nhân. Đó không chỉ là những chuyện “bi hài”, sự căng thẳng, cam go trước những mánh khóe, thủ đoạn của tội phạm mà còn có cả những tấm lòng đầy nhân văn của những “người lính” trại tạm giam.