Những điều cần lưu ý khi muốn hiến tạng

ANTD.VN - Cứu người bằng cách đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời là một nghĩa cử cao đẹp, mang đầy tính nhân văn, đặc biệt khi hiện nay, mỗi ngày ở nước ta có hàng ngàn người bệnh đang mỏi mòn chờ ghép tạng.

Theo NLĐ, GS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, ngày 12-12 vừa qua, bệnh viện đã thực hiện thành công một loạt các ca phẫu thuật lấy - ghép nhiều tạng vô cùng đặc biệt từ một người cho đa tạng chết não.

Gia đình anh Dương Hồng Quý

Trước đó, anh Dương Hồng Quý, 40 tuổi, ở Ninh Bình bị chết não do bị phình mạch não vỡ. Mặc dù được các thầy thuốc nỗ lực cứu chữa tại BV Bạch Mai nhưng không có kết quả. Theo gia đình bệnh nhân, khi còn sống, người đàn ông này từng chia sẻ mong muốn có nguyện vọng hiến tạng, vì thế gia đình đã thông qua Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình bày tỏ nguyện vọng được hiến tạng. Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia sau khi nhận được thông tin đã làm thủ tục điều phối bệnh nhân về BV Việt Đức hiến tạng.

Giây phút chia xa nhưng anh Quý vẫn "sống" trong theo một cách khác

Thông tin trên Lao động cho biết, anh Dương Hồng Quý đã tặng lại tim, gan, phổi và 2 thận cho 5 người bệnh nặng đang chờ đợi. Trong đó toàn bộ lá phổi được Bệnh viện Việt Đức ghép cho thiếu niên 17 tuổi ở Hải Dương mắc bệnh mô bào ở phổi giai đoạn cuối, cơ thể suy kiệt chỉ còn 30kg.

Các bác sĩ đang phẫu thuật

Trái tim của anh được ghép cho nam bệnh nhân 60 tuổi bị giãn cơ tim giai đoạn cuối, nguy cơ cao tử vong trong vòng 1 tháng nếu không có tim ghép; gan được ghép cho bệnh nữ 63 tuổi mắc u gan; 1 quả thận được ghép cho nam bệnh nhân 41 tuổi bị suy thận giai đoạn cuối, quả thận còn lại được chuyển vào Bệnh viện Nhi đồng 2, TPHCM ghép cho nam thiếu niên 15 tuổi.

Hàng ngày, hàng giờ ở Việt Nam có hàng ngàn người bệnh đang mỏi mòn chờ ghép tạng nhưng rất ít người trong số họ có cơ may đó vì số người hiến rất khan hiếm. Do đó, cứu giúp người bằng cách đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời là một việc làm đầy nhân văn.

Những điều cần lưu ý khi muốn hiến tạng

Theo Zing, GS.TS Trịnh Hồng Sơn (Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người) chia sẻ 10 điều mà người dân cần hiểu về hiến tạng và thủ tục hiến tạng:

1. Thủ tục hiến xác và nội tạng khá đơn giản. Người hiến đủ 18 tuổi, có đủ năng lực hành vi dân sự là có thể đăng ký. Bạn chỉ cần điền vào mẫu văn bản tình nguyện hiến tặng thân xác, và cùng người làm chứng (người thân trong gia đình) ký tên.

2. Hầu hết các cơ sở y tế trên cả nước đều có thể tiếp nhận đơn đăng ký hiến tạng. Người có nguyện vọng hiến tạng nhưng có thắc mắc có thể liên hệ Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người hoặc đơn vị điều phối tại BV Chợ Rẫy (TP.HCM)... để được giải đáp, tư vấn.

3. Những người cao tuổi cũng có thể hiến một phần mô, tạng (gan, thận, giác mạc…) sau khi chết, chết não. Đừng bao giờ nghĩ mình quá già, không thể đăng ký hiến tạng.

4. Việc hiến xác hay nội tạng dựa trên tinh thần tự nguyện, nên sẽ không có chế độ bồi dưỡng cụ thể nào bằng tiền hoặc hiện vật. Đơn xin hiến tạng không có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý. Người đã đăng ký hiến có thể thay đổi quyết định bất kỳ lúc nào.

5. Một người chết não có thể cứu sống hàng chục người khác. Có hơn 18 cơ quan trong cơ thể có thể được sử dụng để cấy ghép, cứu người như tim, gan, thận, phổi…

6. Trước khi thực hiện lấy nội tạng để cấy ghép, đội ngũ bác sĩ sẽ phải thực hiện các bước kiểm tra nghiêm ngặt tình trạng cơ thể người hiến. Người mắc các bệnh như HIV, viêm gan, lao... không đủ điều kiện để tham gia hiến tạng.

7. Việc hiến tặng phải được thực hiện ngay khi sau người hiến qua đời do tai nạn, chết não. Hầu hết các cơ quan nội tạng như gan, thận, tim… đều chỉ bảo quản được từ vài giờ, đến không quá một ngày.

8. Có thể hiến tạng khi còn sống, gồm hiến thận hoặc một phần gan mà không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Người hiến tạng khi còn sống sẽ được cấp thẻ bảo hiểm y tế, khám sức khỏe định kỳ hoàn toàn miễn phí.

9. Việt Nam hiện có khoảng 6.000 người được chỉ định ghép thận, 1.500 người cần ghép gan và khoảng 6.000 người đang chờ ghép giác mạc.

10. Hiến và ghép tạng không nhằm mục đích thương mại. Việc mua bán nội tạng như gan, thận… là hành vi vi phạm luật pháp Việt Nam và quốc tế.

Một số thắc mắc thường gặp khi muốn hiến tạng

Tôi dưới 18 tuổi. Tôi có quá trẻ để quyết định hiến tặng tạng hay không?

Sự thật: Đúng vậy. Nhưng ba mẹ bạn hoặc người bảo hộ bạn có thể có quyền đưa ra quyết định này. Bạn có thể nói với gia đình mình nếu bạn có nguyện vọng hiến tặng tạng. Trẻ em cũng đang rất cần tạng để ghép và thường cần những tạng nhỏ của trẻ khác để phù hợp hơn.

Tôi có quá lớn tuổi để hiến tạng? Không ai muốn tạng của tôi.

Sự thật: Không phân biệt độ tuổi khi hiến tạng. Quyết định sử dụng tạng của bạn là dựa vào những tiêu chuẩn y khoa, không phải là tuổi.

Sức khỏe tôi không tốt. Không ai muốn tạng hay mô của tôi.

Sự thật: Quyết định sử dụng tạng để ghép là phụ thuộc vào các tiêu chuẩn y khoa. Các bác sĩ sẽ chọn những tạng hoặc mô vẫn còn tốt trong cơ thể bạn.

Tôi muốn hiến thận bây giờ, nhưng tôi sẽ không được phép làm điều đó nếu người nhà tôi không cần.

Sự thật: Bạn có thể đến trung tâm ghép tạng để nói lên ước nguyện của bạn. Bạn có thể hiến tặng thận qua trung tâm này để ghép cho bạn hay người hoàn toàn xa lạ mà bạn muốn giúp. Nếu bạn muốn trở thành một người hiến tặng còn sống, thì bạn sẽ phải được hỏi nhiều câu hỏi và kiểm tra để đảm bảo bạn biết được những nguy cơ và đảm bảo quyết định của bạn không phải vì kiếm tiền.

Bạn cũng sẽ phải được xét nghiệm liệu thận của bạn còn tốt không và liệu bạn có thể sống khỏe mạnh chỉ với một thận không.

Người giàu và nổi tiếng nằm trên đầu danh sách cần tạng để hiến.

Sự thật: Người giàu và nổi tiếng không nằm trong diện ưu tiên. Họ cũng giống các bệnh nhân khác.

Gia đình tôi sẽ phải trả phí nếu tôi hiến tạng.

Sự thật: Gia đình của người hiến tạng không phải trả bất kì phì nào. Chi phí để lấy tạng được tính vào cho người nhận.