Những điểm bất hợp lý trong Chương trình sách giáo khoa môn Mỹ thuật

ANTD.VN - Nhìn từ tổng thể, Chương trình sách giáo khoa môn Mỹ thuật chưa đưa ra khái niệm mỹ thuật và triết lý giáo dục mỹ thuật một cách rõ ràng để từ đó xác định phạm vi kiến thức và nội dung. Có thể thấy nhiều mâu thuẫn trong hệ thống nội dung, kiến thức và kỹ năng chưa liên kết chặt chẽ giữa các giai đoạn. 

Mục tiêu chung của chương trình môn Mỹ thuật được ghi như sau: “Chương trình môn Mỹ thuật góp phần hình thành, phát triển ở học sinh năng lực thẩm mỹ, cụ thể là các năng lực thành phần: Quan sát và nhận thức thẩm mỹ, sáng tạo và ứng dụng thẩm mỹ, phân tích và đánh giá thẩm mỹ; bồi dưỡng cho học sinh ý thức tôn trọng sản phẩm văn hoá, nghệ thuật, ý thức và khả năng ứng dụng mỹ thuật vào đời sống; trang bị cho học sinh có hiểu biết tương đối tổng quát về những ngành nghề liên quan đến mỹ thuật để định hướng nghề nghiệp sau khi hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. Thông qua nội dung và phương pháp giáo dục, môn Mỹ thuật góp phần hình thành, phát triển ở học sinh các phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm; các năng lực tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo”.

Những điểm bất hợp lý trong Chương trình sách giáo khoa môn Mỹ thuật ảnh 1Chương trình SGK môn Mỹ thuật chưa đề cập đến phẩm chất đạt được từ việc học mỹ thuật như: đam mê, sáng tạo, tự học hỏi, làm giàu kiến thức và năng lực mỹ thuật cho các em học sinh

Mục tiêu chưa xác đáng 

Có thể thấy sự thiếu logic, nhiều nhầm lẫn về khái niệm trong việc xác định mục tiêu. Theo cá nhân tôi thì không thể gọi là năng lực thẩm mỹ mà phải gọi là năng lực mỹ thuật. Năng lực mỹ thuật được cấu thành bởi: Khả năng quan sát, học hỏi để tự hình thành một quan điểm thẩm mỹ riêng; Khả năng sáng tạo và ứng dụng vào các sản phẩm mỹ thuật dựa trên quan điểm thẩm mỹ đa dạng, tiên tiến; Khả năng phân tích và đánh giá mỹ thuật. 

Về mặt phẩm chất mới chỉ đề cập đến phẩm chất chung của chương trình sách giáo khoa mà chưa đề cập đến phẩm chất đạt được từ việc học mỹ thuật. Theo tôi phẩm chất này nên là: đam mê, sáng tạo trong việc làm ra nhiều sản phẩm nghệ thuật và ứng dụng được mỹ thuật trong mọi lĩnh vực đời sống; tự học hỏi, làm giàu kiến thức và năng lực mỹ thuật; có quan điểm thẩm mỹ thấm nhuần các giá trị truyền thống đồng thời tiếp cận với sự phát triển.

Việc đào tạo, giáo dục luôn có mục tiêu về thái độ. Dựa trên một nền tảng kiến thức và kỹ năng tốt sẽ tạo ra những con người biết tôn trọng, cởi mở tiếp thu những sản phẩm văn hóa, nghệ thuật từ truyền thống đến hiện đại, từ trong nước đến quốc tế.

Theo tôi, vai trò hướng nghiệp là cần thiết nhưng cần phải mở cho học sinh thấy vai trò của mỹ thuật trong khuynh hướng phát triển của nhân loại chứ không dừng lại ở những kỹ năng nghề nghiệp đã tương đối cũ. Việc gộp các khái niệm, nguyên tắc, yếu tố, tính chất như: Cân bằng; Tương phản; Nhắc lại, xen kẽ; Nhịp điệu; Chuyển động; Đậm nhạt; Tỷ lệ; Bố cục thành nguyên lý tạo hình theo tôi là không khoa học, gây nhầm lẫn cho học sinh về mặt ngữ nghĩa ảnh hưởng đến quá trình tiếp thu và nâng cao khả năng tư duy.

Để xây dựng chương trình một bộ môn, các chuyên gia Đức luôn xác định các khái niệm cơ sở (basic concept) của môn học, từ đó phân rã ra thành các kiến thức kỹ năng kiến tạo nên các khái niệm này rồi mới phân tích, sàng lọc những kiến thức kỹ năng quan trọng, cốt lõi để đưa vào chương trình. Trong suốt tài liệu chương trình này, tôi chưa tìm thấy các khái niệm cơ sở của môn mỹ thuật. Có lẽ vì vậy các kiến thức và kỹ năng ở cấp càng cao càng rời rạc. 

Nội dung học nặng mà không phong phú

Theo Wilhelm von Humboldt thì giáo dục phổ thông bao gồm: giáo dục cho tất cả và giáo dục trong môi trường phổ thông. Nó hướng tới một kết quả giáo dục toàn diện nhằm đảm bảo các kiến thức cơ bản tối thiểu trong một thế giới bùng nổ kiến thức, công nghệ. Việc thời lượng các bài học, học phần quá chú trọng đến hội họa và mỹ thuật tạo hình theo hướng học thuật truyền thống của trường mỹ thuật sẽ không đủ cho học sinh có đủ các kiến thức toàn diện để thích ứng với một thế giới mà ở đâu, lúc nào cũng có vai trò của mỹ thuật.

Từ cuối phổ thông cơ sở, các chuyên ngành mỹ thuật được phân thành các học phần xé lẻ lặp đi lặp lại qua các năm. Với cách này, khả năng ghi nhớ, hiểu nội dung phức tạp và trừu tượng của từng chuyên ngành sẽ bị hạn chế vì thiếu tính liên tục. Đến phổ thông trung học, việc chia các học phần và chuyên đề theo khuynh hướng phân môn của trường mỹ thuật với hai phần gồm: 4 học phần lựa chọn gồm: phân tích, lý luận thực hành mỹ thuật ứng dụng và 3 chuyên đề thực hành vẽ tranh hội họa lại một lần nữa quá tập trung vào hội họa truyền thống nhằm tạo ra các họa sĩ. Việc đào tạo này dường như quá tập trung vào cung cấp đầu vào cho các trường mỹ thuật trên diện rộng. Trong khi đó, nhu cầu nhân lực cho các ngành mỹ thuật là rất hạn chế. Có lẽ nên dành việc luyện thi này cho các câu lạc bộ năng khiếu và các trường đào tạo phục vụ cho tuyển sinh.

Các học phần chuyên ngành mỹ thuật ứng dụng lại quá cụ thể. Nhắm tới một vài chuyên ngành và sản phẩm quen thuộc và quá cụ thể như: thiết kế thời trang, làm gốm (rất khó để thực hành vì điều kiện cơ sở vật chất), thiết kế web, minh hoạ truyện tranh (một chuyên ngành rất hẹp), thiết kế kiến trúc, đồ họa tranh in (chuyên ngành của hội hoạ), nhiếp ảnh, thiết kế nhận diện thương hiệu (chuyên ngành rất hẹp)… Thoạt nhìn các chuyên đề có vẻ khá phong phú nhưng thực tế lại là những nội dung rất hẹp.

Vào lứa tuổi này các học sinh đã hình thành quan điểm nhận thức riêng và có năng lực nghiên cứu và tổng hợp thì lại bị tập trung vào kỹ năng cụ thể quá nhiều. Với cách tổ chức như vậy thì có thể nhìn rõ kết quả là học sinh sẽ không đạt được kiến thức đủ rộng, đa dạng về mỹ thuật. Trong mục tiêu của các học phần hầu như không đề cập đến khái quát kiến thức nền tảng của mỹ thuật như khuynh hướng phát triển, bản chất của các thể loại và chuyên ngành.

Mỹ thuật có mặt ở khắp mọi nơi, có mối tương tác với các ngành nghệ thuật khác, có liên hệ mật thiết với mọi khía cạnh của đời sống xã hội. Chương trình hầu như chưa đề cập đến các nội dung này. Việc ứng dụng mỹ thuật trong các môn nghệ thuật đương đại vô cùng phong phú, đa dạng. Sử dụng các chất liệu hội họa, chất liệu mỹ thuật gắn với công nghệ đang là một xu hướng đóng một vai trò lớn cả trong trình diễn và trang trí cũng chưa thấy trong các bài học.

Trang bị các kiến thức và kỹ năng ứng dụng các yếu tố tạo hình vẫn chỉ quanh quẩn với các yếu tố hội họa, mỹ thuật truyền thống. Hiểu biết về các chất liệu ứng dụng trong mỹ thuật cần mở rộng hơn, ví dụ như: ánh sáng, vật liệu, công nghệ số… Điều này được minh chứng ở các sản phẩm giá trị cao đều có tính ứng dụng vật liệu hiệu quả, đặc sắc, mới.

Ngoài việc kiến thức và kỹ năng chuyên ngành thì nhận thức về vai trò của mỹ thuật và phát triển quan điểm thẩm mỹ, nhận biết được giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống để biết giữ gìn và phát huy là quan trọng và là nền tảng kiến thức cơ bản của mỗi công dân. Với các nội dung này ở lứa tuổi trung học phổ thông hoàn toàn có thể sử dụng phương pháp hướng dẫn theo dự án (project) để học sinh tự khảo sát, tổng hợp, phân tích và đưa ra kết luận. Cần nói thêm rằng việc mất mát những giá trị nghệ thuật cả vật thể, phi vật thể đang diễn ra gần đây là hệ quả của lỗ hổng này trong chương trình giáo dục phổ thông.

Nhiều biện luận cho rằng có nhiều khó khăn trong thực hiện chương trình, chương trình cần phải có tính khả thi nhưng trên trong chính chương trình này nhóm soạn thảo đã đưa quá nhiều nội dung chuyên ngành đòi hỏi cơ sở vật chất, phương tiện, kỹ năng của giáo viên mà bỏ ngỏ hướng đi phát triển năng lực thông qua các bài học nhận thức. Với những học sinh không có khuynh hướng phù hợp học nghệ thuật, mỹ thuật thì khối lượng này sẽ trở thành gánh nặng cho các em.

Một điểm cũng cần phải cân nhắc nếu phân tách chương trình tự chọn và chương trình dành cho học sinh thi định hướng mỹ thuật trên thực tế sẽ vấp phải vấn đề thiếu giáo viên. Các môn học khác vẫn chạy theo lịch trình nên không rõ có thể sắp xếp một thời khóa biểu chia lớp ra để học cùng một giờ không trong khi các trường chỉ có một giáo viên mỹ thuật. 

Theo đánh giá chủ quan thì nhóm soạn thảo chưa có cơ hội khảo sát, thu thập ý kiến, tham vấn, phản biện đầy đủ với các đối tượng chịu tác động và các đối tượng có liên quan. Để giải quyết tốt chương trình học quan trọng trong ảnh hưởng đến phát triển trí tưởng tượng, năng lực sáng tạo, văn hóa, nhân cách này cần có những thảo luận và phản biện quy mô đủ lớn với đủ tính đại diện để bổ sung, hoàn thiện chương trình.

Những điểm bất hợp lý trong Chương trình sách giáo khoa môn Mỹ thuật ảnh 2Giảng viên Phạm Hoài Thanh (bên phải) trao đổi về nghiệp vụ ảnh báo chí

Sinh năm 1963 tại Hà Nội, nghệ sĩ Phạm Hoài Thanh tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp với nghề nghiệp chính là họa sĩ thiết kế, đồ họa. Là con trai của 2 nghệ sĩ nhiếp ảnh lão làng Đan Quế và Phạm Tuệ, vậy nhưng với Hoài Thanh chụp ảnh chỉ là một thú chơi tay trái. Cho đến sau tuổi 40, ông dấn thân sâu hơn vào nghệ thuật nhiếp ảnh, để lại dấu ấn vào các năm 2005 và 2008 với các triển lãm “Cuộc sống vẫn tiếp diễn” 1 và 2 với những góc nhìn nhân văn - chống kỳ thị người có HIV. Ông là đồng tác giả của cuốn sách lịch sử được thực hiện theo hình thức mới mẻ về Điện Biên Phủ, nhận được sự ủng hộ của đông đảo công chúng. 

Nghệ sĩ Phạm Hoài Thanh từng tham gia công tác tại Hội Mỹ thuật Hà Nội, phụ trách mỹ thuật tại một số báo, tạp chí… Hiện, ông là Giám đốc Công ty Truyền thông Ngày Mới; đồng thời là giảng viên của Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ Báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam. Nghề báo cũng mang lại cơ duyên để ông có sự kết nối giữa thiết kế đồ họa với nghệ thuật nhiếp ảnh và các dự án hoạt động vì cộng đồng.