Những dấu ấn trong quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ (1): Cùng chung nỗ lực hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau gần 3 thập kỷ bình thường hóa quan hệ ngoại giao (12-7-1995/ 12-7-2023) và 10 năm thiết lập Quan hệ Đối tác Toàn diện (25-7-2013/25-7-2023), hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh Việt Nam và Mỹ là một nền tảng trong quan hệ hai nước, góp phần quan trọng vào quá trình hòa giải, hàn gắn và xây dựng lòng tin giữa hai nước, mở ra những cơ hội hợp tác mới trong các lĩnh vực quan trọng khác.
Đại diện Việt Nam và Mỹ tại một lễ bàn giao hài cốt quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh

Đại diện Việt Nam và Mỹ tại một lễ bàn giao hài cốt quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh

Góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Mỹ

Cuộc chiến tranh Việt Nam kéo dài hai thập kỷ đã để lại những hậu quả nặng nề cho hai phía, đặc biệt là Việt Nam. Chiến tranh đã lùi xa hơn 48 năm song những hậu quả của nó vẫn còn hiển hiện ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam, đó là hàng triệu nạn nhân chất độc da cam/dioxin và những nơi bị ô nhiễm bởi chất độc này, là 180.000 liệt sĩ chưa tìm thấy, là bom mìn còn nằm sâu dưới các lớp đất đá có thể phát nổ bất cứ lúc nào…

Dù hậu quả chiến tranh với Việt Nam vô cùng nặng nề và kéo dài theo năm tháng, tuy nhiên với tinh thần nhân đạo, Việt Nam đã sớm hợp tác với Mỹ để tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA) từ rất sớm. Hoạt động tìm kiếm MIA đã được Việt Nam bắt đầu ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết vào năm 1973. Cũng trong năm 1973, Cơ quan Việt Nam tìm kiếm người mất tích (VNOSMP) được thành lập để điều phối nhiệm vụ này. Kể từ năm 1988, hoạt động tìm kiếm MIA bắt đầu được tiến hành với sự tham gia của các đội tìm kiếm hỗn hợp Việt Nam-Mỹ. Trong đó, ngày 25-9-1988, Việt Nam và Mỹ đạt được thống nhất chung, chính thức tổ chức đợt hoạt động hỗn hợp đầu tiên kéo dài 10 ngày để điều tra, tìm kiếm hỗn hợp 7 trường hợp MIA tại 6 tỉnh phía Bắc. Đến nay, sau gần 35 năm, Việt Nam và Mỹ đã hoàn tất 150 lượt hoạt động hỗn hợp như vậy. Đợt 151 đang diễn ra khẩn trương, tích cực với mong muốn chung của cả hai bên là sớm hồi hương, đưa trở về nhà hài cốt những quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh.

Sau 35 năm triển khai các hoạt động tìm kiếm hỗn hợp, hai nước đã đạt được những kết quả rất quan trọng như tiến hành 160 đợt trao trả hài cốt, góp phần bàn giao 734 trường hợp quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh trước đây. Trong số 1.973 trường hợp quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh, đến nay chỉ còn 1.239 trường hợp cần tiếp tục tìm kiếm. Phát biểu tại sự kiện kỷ niệm 50 năm ngày thành lập VNOSMP và 35 năm hoạt động hỗn hợp tìm kiếm MIA hồi tháng 6 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho biết, được sự quan tâm sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam, cùng với sự đồng lòng của lãnh đạo 3 Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, với sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương các cấp, VOSMP đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, bình thường hóa và thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Mỹ. VOSMP không thể đạt được kết quả đó nếu không có sự ủng hộ, hợp tác và giúp đỡ của nhân dân, trong đó nhiều người vượt qua sự mất mát, đau thương của chính mình, với tấm lòng nhân ái, bao dung, đã hết lòng góp sức vào các hoạt động MIA tại địa phương.

Về hợp tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ Việt Nam hy sinh trong chiến tranh, Việt Nam và Mỹ vào tháng 7-2021 đã ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (ký tháng 7-2021). Hai bên đã tích cực triển khai các nội dung ký kết, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, phía Mỹ đã cung cấp cho Việt Nam hơn 30 bộ hồ sơ về bộ đội Việt Nam hy sinh, mất tích trong chiến tranh, cùng nhiều kỷ vật chiến tranh. Đây là lĩnh vực mà Bộ Quốc phòng Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của phía Mỹ, nhất là khi Việt Nam hiện còn khoảng 180.000 liệt sĩ chưa tìm thấy.

Hàn gắn vết thương chiến tranh giúp xây dựng lòng tin

Với Việt Nam, hậu quả chiến tranh sau gần 50 năm kết thúc chiến tranh vẫn còn vô cùng nặng nề. Ngoài khoảng 180 nghìn liệt sĩ chưa được tìm thấy, nhiều vùng đất còn tiềm ẩn mối nguy hiểm của bom đạn còn sót lại, của chất độc da cam/ dioxin và nhất là hàng triệu nạn nhân.

Hơn 60 năm trước, ngày 10-8-1961 là ngày đầu tiên quân đội Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh hóa học ở Việt Nam, rải chất độc da cam/dioxin nhằm triệt hạ nguồn sống của thảm thực vật ở miền Nam Việt Nam. Khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học đã thả xuống những cánh rừng miền Nam Việt Nam suốt 11 năm (từ 1961-1972). Việt Nam có 4,8 triệu nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Nỗi đau này vẫn còn dai dẳng qua nhiều thế hệ và là minh chứng rõ nét nhất về hậu quả tàn khốc mà chiến tranh đã để lại. Các nạn nhân đã và đang tiếp tục sống trong đau đớn về thể chất và tinh thần. Chất độc da cam đã hủy diệt thiên nhiên, hủy diệt sức khỏe con người, gây nhiều bệnh tật nặng nề (biến đổi gene di truyền qua mẹ hoặc bố, gây tai biến sinh sản, quái thai, dị dạng, dị tật bẩm sinh như: mù, câm, điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư...). Nạn nhân chất độc da cam không còn khả năng sản xuất, không có nguồn thu gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người và gia đình chịu ảnh hưởng của chất độc da cam.

Đến nay, phía Mỹ mới chính thức hợp tác với Việt Nam trong việc tẩy rửa môi trường ô nhiễm chất độc da cam/dioxin tại sân bay Đà Nẵng và sân bay Biên Hòa. Trong đó, hoàn thành tẩy rửa tại sân bay Đà Nẵng và mới hoàn thành giai đoạn 1 tại sân bay Biên Hòa và đang tiến hành giai đoạn 2 tẩy rửa sạch tại sân bay này. Ngoài ra, tại Việt Nam hiện còn hơn 6 triệu ha đất ô nhiễm bom mìn, vật nổ trong chiến tranh, tiềm ẩn nguy hiểm cho con người và các hoạt động kinh tế-xã hội khác. Do đó, cần có sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để xử lý vấn đề ô nhiễm này, trong đó có Mỹ.

Chính phủ Mỹ đã tài trợ hơn 206 triệu USD trong gần 3 thập niên qua cho các chương trình tiêu hủy vũ khí truyền thống tại Việt Nam với mục đích rà phá bom mìn, vật liệu nổ, giáo dục về nguy cơ bom mìn, vật liệu nổ và hỗ trợ nạn nhân, hỗ trợ nâng cao năng lực quốc gia. Từ năm 2013 đến nay, Mỹ đã hỗ trợ Việt Nam tiếp cận các phương pháp quản lý và công nghệ mới trong khắc phục hậu quả bom mìn. Diện tích đất được rà phá tăng nhanh. Dự kiến từ năm 2023-2028, hai bên sẽ hợp tác hoàn thành mục tiêu rà phá khoảng 350.000ha diện tích đất bị ô nhiễm.

Trong chuyến thăm Việt Nam giữa tháng 4-2023, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố, “Mỹ cam kết thực hiện công việc đang diễn ra để giải quyết các hậu quả của chiến tranh. Đây là vấn đề của sự tin tưởng, cam kết và trách nhiệm”. Thượng nghị sĩ Mỹ Jeff Merkley trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 4 vừa qua cũng nhấn mạnh: “Chúng ta nên tự hào vì những gì mà chúng ta đã làm, cùng phối hợp hợp tác giữa hai quốc gia về giải quyết hàng loạt nỗi đau chiến tranh. Tất cả những gì mà chúng ta đã nỗ lực hợp tác với nhau sẽ là những di sản tuyệt vời để lại cho thế hệ sau, đó là di sản của hòa bình, của tình hữu nghị và cơ hội phục hồi”.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc tại lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập VNOSMP và 35 năm hoạt động hỗn hợp tìm kiếm MIA đã nhấn mạnh: “Chúng ta không viết lại được lịch sử nhưng với thiện chí, nỗ lực, chúng ta đã và đang chung tay xây dựng tương lai tươi sáng cho hai nước. Ngày hôm nay, Việt Nam và Mỹ đã trở thành những người bạn và đối tác toàn diện, đúng như tinh thần mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập trong bức thư gửi Tổng thống Truman tháng 2-1946. Chúng ta cùng xây dựng và củng cố quan hệ hợp tác, cùng khắc phục những hậu quả chiến tranh. Đó là cách tốt nhất để hàn gắn vết thương trên đất đai, trên cơ thể và trong tâm hồn và quan trọng hơn, điều đó giúp chúng ta xây dựng lòng tin, cơ sở quan trọng để hai nước chúng ta “mãi mãi là bạn” như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu trong chuyến thăm lịch sử tới Mỹ vào năm 2015”.

(Còn tiếp)