Những cuộc điện thoại 'ma' vẫn chiếm đoạt được tiền tỷ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Giả danh cơ quan tư pháp như tòa án, VKSND hoặc cơ quan Công an gọi điện đe dọa lừa đảo không còn là thủ đoạn mới, song hiện nay lại tái diễn khi ảnh hưởng của Covid-19 đang tác động mạnh mẽ lên đời sống kinh tế, xã hội. Có trường hợp người dân đã mất số tiền hàng chục tỷ đồng.

'Dính' thủ đoạn mới, mất ngay 13 tỷ đồng

Cuối tháng 8 vừa qua, chị Nguyễn Thị Tố Uyên nhận được một cuộc gọi từ facebook của tài khoản mang tên Tonanvy Vo. Đây là tài khoản trên mạng xã hội của em gái chị Uyên mang tên Nguyễn Thị Tố Nữ hiện đang sinh sống ở Đức. Người dùng tài khoản trên nhắn tin đề nghị chị Uyên chuyển 80 triệu đồng vào tài khoản mang tên Nguyễn Ngọc Vũ ở tại ngân hàng Techcombank chi nhánh Hòa Hưng, TP Hồ CHí Minh.

Cứ nghĩ em gái mình cần tiền để giải quyết công việc bên nước ngoài, chị Uyên đã gọi điện thoại cho chồng chuyển số tiền trên vào tài khoản được yêu cầu. Đến 11h ngày 27-8, tài khoản facebook mang tên Tonanvy Vo tiếp tục nhắn tin yêu cầu chị Uyên chuyển số tiền 220 triệu đồng vào tài khoản trên. Vẫn nghĩ em gái cần tiền, chị Uyên lại gọi điện nhờ chồng chuyển tiền.

Tình trạng gọi điện thoại giả danh cơ quan tư pháp lừa đảo đang có xu hướng gia tăng, phức tạp trong mùa dịch Covid-19

Tình trạng gọi điện thoại giả danh cơ quan tư pháp lừa đảo đang có xu hướng gia tăng, phức tạp trong mùa dịch Covid-19

Đến 21 cùng ngày, chị Uyên gọi điện cho em gái hỏi đã nhận được tiền chưa cũng như xem có chuyện gì mà cần nhiều tiền để giải quyết như vậy thì mới tá hỏa ra khi em gái nói không hề nhắn tin yêu cầu chuyển tiền. Đến lúc này, chị Uyên mới biết bị lừa và vội vàng đến CAP Hàng Buồm trình báo sự việc.

Nếu so sánh số tiền mà chị Uyên bị lừa đảo với số tiền 13 tỷ đồng mà chị Nguyễn Thị Hiền bị mất thì chỉ là “muỗi”. Không sử dụng tài khoản trên mạng xã hội, đối tượng gọi điện thoại cho chị Hiền nói là nhân viên cấp cao tại một cơ quan tư pháp đang điều tra những vụ án hết sức nghiêm trọng. Trong câu chuyện đối tượng vẽ ra, chị Hiền có liên quan và muốn đảm bảo sự vô can cũng như giữ gìn được tài sản, chị Hiền phải lập tài khoản khác, chuyển số tiền hiện có vào tài khoản để chúng “bảo vệ”.

Trong nỗi hoảng sợ và muốn số tài sản của mình được bảo vệ, chị Hiền đã làm theo yêu cầu của đối tượng, ra ngân hàng lập 2 tài khoản, đồng thời chuyển lần lượt 13 tỷ đồng vào tài khoàn mới. Đối tượng yêu cầu chị Hiền cung cấp mã OTP để phong tỏa tài khoản trên. Tin tưởng lời đối tượng, chị Hiền làm theo và chỉ trong ít phút, số tiền 13 tỷ đồng đã bị rút sạch.

Cảnh giác chưa bao giờ là thừa

Trung tá Tống Đăng Công, Đội trưởng Đội CSHS, CAQ Hoàn Kiếm cho biết: Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ thông tin, bùng nổ các trang mạng xã hội, nhiều đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã sử dụng các hình thức trên để gây án.

Thủ đoạn thường thấy của chúng là gọi điện thông báo cho bị hại nợ cước điện thoại hoặc nợ ngân hàng, sau đó kết nối với những đối tượng mạo danh là cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa sản thông báo bị hại có liên quan đến những vụ án về ma túy, lừa đảo, rửa tiền. Tiếp theo, sau màn dọa dẫm, chúng yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản đối tượng cho hoặc yêu cầu cung cấp mã OTP tài khoản của bị hại để phong tỏa, kiểm tra, xác minh nếu không liên quan thì trả lại. Thực chất, sau khi nhận được mã OTP của tài khoản, chúng sẽ ra rút sạch sẽ tiền của bị hại trong tài khoản mà vụ án 13 tỷ đồng trên là một ví dụ điển hình.

Nhóm đối tượng người nước ngoài câu kết với người Việt Nam gọi điện thoại lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị xử lý

Nhóm đối tượng người nước ngoài câu kết với người Việt Nam gọi điện thoại lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị xử lý

Bên cạnh những thủ đoạn phổ biến trên, hiện chúng còn giả là người quen lập tài khoản trên facebook, Zalo…rồi chiếm quyền sử dụng của người thân, người quen để vay, mượn tiền. Khi bị hại gọi điện qua facebook hoặc Zalo thì báo bận không thể nghe, đề nghị chuyển tiền ngay. Đối tượng cung cấp tài khoản để bị hại chuyển vào, nói là chuyển nhờ.

Bên cạnh những đối tượng lừa đảo trong nước, hiện nhiều đối tương lừa đảo người nước ngoài cũng tăng cường hoạt động. Chúng giả kết thân, kết bạn qua Zalo, facebook và sau một thời gian trò chuyện có ý định tặng quà giá trị lớn hoặc bảo lãnh đến Việt Nam để gặp mặt nhưng nại ra lý do bị trục trặc nên chưa chuyển quà được yêu cầu phí bảo lãnh nhưng bản thân chưa thể nộp để nhờ bị hại chuyển tiền. Khi bị hại chuyển tiền vào tài khoản đối tượng nhằm hoàn tất việc bảo lãnh nhận quà thì cũng là lúc số tiền chuyển đi biến mất.

“Thủ đoạn tiếp theo của đối tượng là mạo danh các công ty, ngân hàng lừa bị hại trúng thưởng hoặc tin nhắn khuyến mại để nhận thưởng, hưởng quyền lợi. Đối tượng đề nghị người dân đăng nhập vào đường link cho sẵn và thực hiện các thao tác theo yêu cầu. Sau cùng, đối tượng yêu cầu bị hại chuyển mã OTP và bị chiếm quyền sử dụng, chiếm đoạt tiền ngay sau đó”- Trung tá Tống Đăng Công khuyến cáo, và thông tin, thời gian qua, CAQ Hoàn Kiếm đã kịp thời ngăn chặn được 7 vụ với tổng số tiền gần 5,5 tỷ đồng.

Người dân cần hết sức cảnh giác trước bất cứ một cuộc điện thoại lạ nào của các đối tượng mạo danh cơ quan tư pháp đòi chuyển tiền, lập tài khoản....

Người dân cần hết sức cảnh giác trước bất cứ một cuộc điện thoại lạ nào của các đối tượng mạo danh cơ quan tư pháp đòi chuyển tiền, lập tài khoản....

Trước diễn biến phức tạp của các thủ đoạn lừa đảo trên, tháng 11-2019, Cục CSHS Bộ Công an phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông nhắn tin khuyến cáo người dân cảnh giác phương thức thủ đoạn của đối tượng gây án.

Mặc dù vậy, do đấu tranh với tội phạm ẩn, tội phạm công nghệ cao nên hiện công tác điều tra, xử lý tội phạm, đặc biệt là thu hồi tài sản cho bị hại của cơ quan Công an gặp rất nhiều khó khăn. Khi đối tượng có mã OTP thường ngay lập tức rút tiền và biến mất. Công tác phối hợp truy xét phong tỏa tài khoản, cung cấp thông tin của một số ngân hàng còn chưa kịp thời.

Để phòng ngừa, công tác tuyên truyền không chỉ thực hiện tại một vài thành phố lớn mà ngay cả các tỉnh thành trên cả nước cũng cần phải được tập trung tuyên truyền, sâu rộng. Người dân khi nhận được những cuộc điện thoại lạ mạo nhận là cơ quan chức năng như công an, tòa án, viện kiểm sát…cần hết sức cảnh giác, tuyệt đối không chuyển tiền hoặc lập tài khoản ngân hàng để chuyển tiền theo bất cứ hình thức nào, đồng thời báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để xử lý.

(Họ tên các bị hại đã được thay đổi)