Những con số đáng sợ

ANTĐ - Không chỉ đe dọa cuộc sống thường ngày của người dân, ngày nay, tội phạm có tổ chức trở thành chướng ngại vật thách thức sự phát triển bền vững của thế giới.

Một băng nhóm tội phạm ở Mexico bị bắt giữ

Khai mạc Hội nghị LHQ về ngăn chặn tội phạm ở Thủ đô Vienna của Áo, Phó Tổng thư ký LHQ đồng thời là Tổng giám đốc Văn phòng LHQ về ma túy và tội phạm (UNODC) Y. Fedotov nhấn mạnh thế giới chuẩn bị kết thúc tiến trình thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) vào năm 2015, nhưng cũng phải thừa nhận mối đe doạ xuyên quốc gia như tội phạm có tổ chức và buôn bán bất hợp pháp, bạo lực và tham nhũng vẫn là trở ngại lớn để đạt được các MDG. 

Theo tính toán của LHQ, doanh thu hàng năm của tội phạm có tổ chức trên toàn thế giới lên tới 2.100 tỷ USD, tương đương với GDP của Anh. Nếu tội phạm có tổ chức là một quốc gia, nó sẽ lọt vào danh sách 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Cũng theo LHQ, có 2,4 triệu người trên toàn thế giới là nạn nhân của hành động buôn bán người và doanh thu hàng năm từ buôn bán người là 32 tỷ USD! 

Hình thành từ những nhóm nhỏ một cách tự nhiên, các băng nhóm tội phạm ngày càng gắn hoạt động của mình với các yếu tố chính trị, tôn giáo, dân tộc; từ buôn lậu, cướp bóc chuyển sang cả hoạt động chính trị chống lại các tổ chức, nhà nước bằng cách phá hoại an ninh ở nơi đó. Thế giới đã từng chứng kiến thảm cảnh ở Mexico, khi có tới 35 nghìn người nước này bị các băng nhóm tội phạm giết hại kể từ năm 2006 đến nay. Hiện nay, các băng nhóm này đang tiến hành những cuộc chiến tranh hết sức tàn bạo nhằm tiêu diệt nhau và cũng để chống lại giới lãnh đạo Mexico. Hình thức khủng bố mà các băng nhóm tội phạm Mexico sử dụng đã khiến nước này ngập chìm trong bạo lực. 

Ngăn chặn hiểm họa tội phạm có tổ chức đã trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu. Nhưng vấn đề lớn nhất là việc chống lại các tổ chức tội phạm ngày càng gặp nhiều khó khăn. Các băng đảng tội phạm đã cho thấy khả năng thích ứng đáng kinh ngạc với các hành động của giới chức thực thi pháp luật và dễ dàng lợi dụng các kẽ hở để tạo ra cơ hội kiếm tiền mới. Đáng lưu ý là tội phạm có tổ chức đang ngày càng tinh vi và đã trở thành ung thư di căn, chứ không còn tập trung vào các gia đình như trong quá khứ. 

Chính vì thế theo ông Y. Fedotov, vấn đề tội phạm có tổ chức đòi hỏi một giải pháp toàn cầu và không một nước nào có thể một mình giải quyết vấn đề này. Để thay đổi hiện trạng này, ông Tổng giám đốc UNODC cho rằng: “Các hành động chống tội phạm phải được hoà nhập vào chương trình phát triển bền vững cũng như các chương trình hành động pháp quyền trên nền tảng quyền con người. Sức mạnh của UNODC bắt nguồn từ kinh nghiệm hợp tác lâu dài với các đối tác và các nước về chống ma túy, tội phạm và khủng bố. Nền tảng vững chắc của UNODC cũng đến từ các công ước về chống ma túy, tội phạm và tham nhũng. Các nước thành viên LHQ cần phê chuẩn và thực hiện các công ước này”

Trước mắt trong năm 2012, LHQ xác định mục tiêu trọng tâm là ngăn chặn bạo lực chống người nhập cư, lao động nhập cư và gia đình họ.