Những chú "sói biển" canh đảo

ANTĐ - Chiếc tàu của chúng tôi tiến sát "đảo cá". Thấy động, những chú chó canh giữ đảo cá lao ra từ những chiếc chòi tạm rồi tru lên từng hồi dữ dội. Chỉ sau vài giây, toàn bộ "đảo cá" được đánh động bởi những tiếng chó sủa vang động một góc biển.

Anh Lê Văn Tể, một người dân sống ở "đảo cá" giải thích: Những chú chó ở đây rất đặc biệt, chúng được nuôi và huấn luyện chỉ để bảo vệ lồng cá ngoài khơi biển Nghi Sơn.

Chọn "sói"

"Đảo cá" là cái tên mà người dân xã đảo Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa đặt cho khu vực nuôi cá lồng trên biển. Thấy tầu lạ, đàn chó từ trong những chiếc lều tạm trên "đảo cá" lồng lộn lao ra. Chúng tru lên từng hồi dữ dội rồi lao mình xuống biển gầm gừ tiến về phía tầu lạ.

Đã quen với sự giận dữ của những chú chó mỗi khi có người lạ đột nhập "lãnh địa nổi", anh Tể, kéo con tàu của chúng tôi cột vào lồng cá nổi của nhà mình, rồi nhanh chân nhảy phắt lên chiếc lều tạm vuốt ve chú chó cưng làm nhiệm vụ bảo vệ lồng cá ngoài khơi Nghi Sơn.

Những chú "sói biển" canh đảo ảnh 1
Những chú "sói biển" luôn ngoan ngoãn và trở nên thân thiện khi nghe hiệu lệnh của chủ.


Anh Tể bảo rằng: Ở khắp bờ biển miền Trung này quanh năm bão dập, sóng dồn. Khi mùa bão về, những con sóng kình thi nhau đập vào bờ, "đảo cá" cũng phải gồng mình gánh bão.

Những lúc như thế, con người còn phải rủ nhau lánh nạn, chỉ còn những chú chó can trường gồng mình trụ lại bể khơi canh giữ cá lồng khỏi bàn tay thủy tặc.

Để chọn được những chú chó can trường, dũng mãnh, người dân phải nuôi và tuyển chọn từ rất nhiều nơi và huấn luyện chúng kỹ lưỡng theo cách riêng của họ.

Theo anh Tể, loại chó nào cũng có khả năng bảo vệ cá trên biển, từ chó ta cho đến chó tây... Tuy nhiên, chó phải được nuôi và huấn luyện từ bé.

Loại chó nào cũng cần tìm những con khoẻ mạnh, mình trường, đôi mắt linh hoạt, tai nhọn, mặt nhìn như chó sói, chân to, mồm rộng, răng to đều, trắng và sắc, khi sủa tiếng phải vang gọn dứt khoát. Đặc biệt không tuyển chọn những con chó sủa bậy sủa ma.

Khi đã chọn được chó rồi thì cứ đưa lên thuyền cùng người đi biển. Đây là nguyên tắc bắt buộc, vì làm như vậy để chó quen với con nước, với sự dữ dằn của biển cả. 

Khi chúng đã lớn rồi thì cứ ném chúng xuông biển để tập bơi. Cứ thả chó giữa biển rồi rong con tàu lướt từ từ, để cho chó bơi theo. 

Chỉ cần sau khoảng hai năm những chú chó sẽ trở nên can trường dằn dữ, đủ khả năng bám trụ trước biển cả và bảo vệ tài sản của ngư dân.

Vài năm trở lại đây, một số hộ dân nuôi cá lồng ở ngoài khơi Nghi Sơn còn tìm cách lai tạo giống chó ngay trên biển. Họ cho chó phối giống trên biển rồi làm ổ cho chó ngay trong những chiếc lều tạm. 

Như vậy, ngay từ trứng nước, những chú chó đã phải thích nghi với môi trường khắc nghiệt của biển.
Những chú
Những chú chó nuôi trên biển rất dũng mãnh và sức chịu đựng phi thường.


 Có thể bơi 10km không nghỉ


Khi chúng tôi vào bè cá lồng của gia đình anh Hồng Mạnh Bình, hai chú chó hung dữ lao ra. Anh Bình đưa tay lên môi huýt một tiếng sáo. Nhận ra hiệu lệnh của chủ, lập tức hai chú chó không dám tiếp tục sủa mà chỉ gầm gừ nhìn khách.


Anh Bình cho biết: Hai chú nó này anh nuôi đã được bảy năm tròn. Nếu không có hiệu lệnh của chủ thì không ai được tiếp cận bè cá. Nó sẵn sàng lao mình xuống biển để chiến đấu với ngư tặc, bất kể ngày hay đêm, mưa gió, sóng dữ...

Năm 2006, hai chú chó của gia đình anh đã truy đuổi được một toán ngư tặc đột nhập lồng cá. Lúc đó khoảng hai giờ sáng. Toán ngư tặc lặn xuống biển rồi dùng dao cắt lồng cá để trút cá sang lồng của chúng. 

Thấy động, hai chú chó đang nằm trong lều liền lao ra, tên trộm thấy chó đã liều mình kéo lồng cá hòng chạy thoát. 

Hai chú chó của anh liền lao mình xuống nước truy đuổi. Tên trộm chỉ bơi được chừng 1km thì bị hai chú chó khống chế, chúng phải vứt lồng cá vừa trộm được xuống biển để tẩu thoát. 

Nhưng hai chú chó của gia đình anh vừa cắn vào chân tên trộm vừa sủa vang khắp một góc biển. Biết có người lạ đột nhập lồng cá, anh Bình cùng một số ngư dân khác đã đưa tầu ra tiếp ứng và đã đuổi được tên trộm.

Anh Bình tự hào rằng: Hai chú chó của mình thuộc vào hàng dũng mãnh nhất trên "đảo cá". Chúng có thể bơi được khoảng 10km trên biển.

Anh Bình kể: Một lần chúng tôi đưa con chó đực đi câu mực ở khu vực gần đảo Hòn Mê. Nhưng bỗng nhiên bị gió lốc sóng lớn đánh dồn dập. Tôi cùng với hai ngư phủ giữ thuyền không bị lật và thu dọn đồ đạc trở về đất liền lánh nạn. 

Do sóng đánh quá mạnh, nên mọi người ai tập trung vào việc của người ấy. Quanh đi quẩn lại chẳng thấy chó đâu nữa, gọi mãi cũng chẳng thấy nên nghĩ nó đã chết rồi. 

Hai ngày sau, tôi thấy nó lủi thủi bơi về "đảo cá". Mọi người không thể tin vào mắt mình, ai nấy đều mừng rỡ ôm lấy chú chó dũng mãnh. Nó đã vượt được quãng đường 10km từ đảo Hòn Mê để về đất liền.

Lý giải khả năng bơi lội siêu phàm của những chú "sói biển" canh giữ cá lồng, anh Bình cho rằng: Do nước biển mặn nên khi bơi những chú chó sẽ nhẹ hơn so với bơi ở vùng nước ngọt. 

Ngoài ra, việc rèn luyện cho chó quen dần với cuộc sống khắc nghiệt của biển khơi đã tạo cho chúng một khả năng khác thường so với đồng loại.


“Năm 1990, một số hộ dân làm nghề nuôi cá lồng trên biển đã đưa chó ra ngoài đảo cá làm nhiệm vụ canh giữ cá. Ban đầu chỉ có vài ba hộ nuôi, về sau để đảm bảo tài sản trên biển hầu như tất cả các hộ nuôi cá lồng đều đưa chó ra ngoài biển để nuôi và canh giữ tài sản. Hiện tại, địa phương đã có chủ trương quy hoạch những "đảo cá" ở khu vực Nghi Sơn và đảo Hòn Mê trở thành khu du lịch để mọi du khách có thể đến tham quan và tất nhiên trên "đảo cá" những chú "sói biển" lại trở thành một trong những điểm nhấn quan trọng tạo sự hấp dẫn cho du khách”.

Ông Nguyễn Ngọc Thương 
(Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Nghi Sơn)