Những câu chuyện chưa kể của phóng viên chiến trường ở Dải Gaza

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trung bình mỗi ngày có một nhà báo bị sát hại trong cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas ở Dải Gaza. Tuy nhiên, các phóng viên vẫn không lùi bước để tiếp tục công việc nguy hiểm và cho thế giới biết câu chuyện đang xảy ra trên thực địa.
Với 46 nhà báo thiệt mạng ở Dải Gaza kể từ ngày 7-10, đây hẳn là một trong những công việc nguy hiểm nhất thế giới

Với 46 nhà báo thiệt mạng ở Dải Gaza kể từ ngày 7-10, đây hẳn là một trong những công việc nguy hiểm nhất thế giới

“Chiến binh” trên mặt trận báo chí

Văn phòng của công ty sản xuất truyền thông nhỏ mà Momen Fayez Qreqe thành lập đã bị trúng bom hai lần trong khi anh từng bị mất cả hai chân khi đang tác nghiệp, nhưng Fayez vẫn ra ngoài làm việc hàng ngày với tư cách là nhà báo ở Dải Gaza. Fayez cho biết, anh đã bị cụt cả hai chân do rơi vào mục tiêu của một cuộc tấn công tên lửa khi đang đưa tin về cuộc tấn công của Lực lượng Phòng vệ Israel ở phía Đông Gaza năm 2008. Tuy nhiên, cuộc xung đột hiện tại là thách thức lớn nhất mà anh từng theo đuổi trong 17 năm làm nghề báo. Nhiếp ảnh gia tự do 36 tuổi hiện trở thành người vô gia cư sau khi khu phố của anh bị đánh bom. Anh vẫn đi chụp ảnh trên chiếc xe lăn hay chiếc ô tô được thiết kế đặc biệt. “Hiện tại, tôi đang làm việc và sống trong ô tô của mình”, Fayez nói. “Có cảm giác như mình đã chết đi sống lại nhiều lần khi đưa tin về cuộc chiến này. Tôi đã chứng kiến nhiều vụ không kích phá hủy các tòa nhà và đường phố khi đang di chuyển để đưa tin. Kính xe của tôi đã bị vỡ trong một cuộc tấn công”.

Vào ngày 17-10, anh nghe được tin về vụ nổ tại bệnh viện Ma'mdani. “Tôi biết khoảng 100 người trong đại gia đình và hàng xóm của tôi đã ở đó. Tôi đã cầu nguyện để tìm thấy họ còn sống”. Chỉ mất 3 phút là Fayez đã đến được hiện trường. “Tại bệnh viện Ma'mdani, tôi bắt đầu ghi lại sự kiện nhưng đột nhiên em gái tôi và ba đứa con của cô ấy xuất hiện do bị thương. Tôi ngừng công việc và đưa họ lên xe đến Bệnh viện al-Shifa rồi quay lại hiện trường để hỗ trợ những người khác… Xe cứu thương ưu tiên đưa những người còn sống đến al-Shifa, sau đó là những người đã chết hoặc sắp chết vì số lượng nạn nhân rất lớn”.

Điều may mắn tương tự đã không xảy ra với Ali Jadallah, một phóng viên ảnh khác. Ali năm nay 35 tuổi, làm việc cho Thông tấn xã Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2014 sau khi làm việc tự do cho các hãng như Reuters và Associated Press. Hôm 11-10, anh đã tới Sheikh Radwan để đưa tin về vụ đánh bom và biết rõ rằng nhiều người trong gia đình anh đang trú ẩn trong khu vực vào thời điểm đó. Mẹ và em gái Ali Jadallah sống sót nhưng bị thương nặng, còn thi thể cha anh đã được đưa ra khỏi đống đổ nát vào ngày hôm sau. Người anh em song sinh của anh cũng nằm trong số những người thiệt mạng.

Mohammed Aloul, 39 tuổi, làm phóng viên tự do cho Thông tấn xã Anadolu ở Gaza. Hôm 4-11, anh đang trong quá trình đưa tin về các cuộc không kích của Israel ở miền Nam Gaza thì con phố nơi anh sống bị pháo kích. “Tôi lập tức chạy đến trại tị nạn Maghzai và thấy gia đình mình bị chôn vùi dưới đống đổ nát của hàng loạt ngôi nhà trong khu vực. Các con, anh chị em của tôi và các con của họ đều bị mắc kẹt dưới đó. Đau đớn thay, 4 con của tôi đã thiệt mạng, vợ tôi và đứa con thứ năm bị thương nặng. Ba anh trai của tôi cũng không qua khỏi trong khi em gái tôi vẫn bị mắc kẹt dưới đống đổ nát, anh Aloul kể.

Một trong những công việc nguy hiểm nhất thế giới

Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) cho biết, hơn 50 văn phòng các hãng truyền thông đã bị hư hại hoặc phá hủy bởi các cuộc không kích của Israel. Ông Jonathan Dagher, người đứng đầu bộ phận Trung Đông của RSF cho biết: “Những gì đang xảy ra ở Dải Gaza là một thảm kịch đối với ngành báo chí, khi mà hơn một phóng viên bị giết hại mỗi ngày kể từ ngày 7-10”. Ông Salama Ma'rouf, người đứng đầu văn phòng truyền thông Gaza do Hamas điều hành, cho rằng các cuộc tấn công sát hại nhà báo nên được coi là “các hoạt động ám sát” và bị coi là tội ác chiến tranh

Với 46 nhà báo thiệt mạng ở Dải Gaza kể từ ngày 7-10, đây hẳn là một trong những công việc nguy hiểm nhất thế giới. Nhưng đội ngũ làm báo trên mảnh đất này vẫn cố gắng tiếp tục đưa những câu chuyện thời sự nóng hổi mặc dù đã mất nhà cửa, đồng nghiệp và cả người thân. “Các con tôi từng nài nỉ tôi từ bỏ công việc nguy hiểm này… Nhưng tôi vẫn chọn làm báo”, phóng viên Mohammed Aloul khẳng định. Tương tự, bất chấp nguy hiểm và mất mát về mặt cá nhân, Fayez chưa bao giờ nghĩ đến việc bỏ cuộc. “Đây là công việc của tôi. Vấn đề của người Palestine xứng đáng có những người hy sinh mạng sống của mình để đăng tải sự thật đang diễn ra trên thực địa”.