Cần chấm dứt ngay xung đột giữa lực lượng Hamas và Israel

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cuộc xung đột giữa lực lượng Hamas và Israel đang leo thang bạo lực cực kỳ nghiêm trọng, nguy cơ cuốn không chỉ các bên tham chiến trực tiếp mà cả khu vực Trung Đông vào vòng xoáy nguy hiểm, đòi hỏi phải sớm chấm dứt ngay xung đột bạo lực, tìm kiếm một giải pháp cơ bản, lâu dài.

Làn sóng bạo lực nghiêm trọng nhất hàng chục năm qua

Cuộc xung đột bạo lực mới nhất ở Trung Đông diễn ra bất ngờ khi Phong trào Hamas kiểm soát dải Gaza phát động cuộc tấn công quy mô, dữ dội vào sáng sớm 7-10 vừa qua mà tình báo của Israle không hề hay biết, khiến quân đội nước này bị động, không phản ứng kịp. Chỉ trong vòng 20 phút, lực lượng Hamas đã bắn dồn dập hơn 5.000 quả rocket từ nhiều địa điểm ở dải Gaza vào các thành phố Israel, đồng thời đột kích đồng loạt bằng đường bộ, đường biển và đường không vào các thành phố và khu định cư Do Thái.

Khi đó, hàng trăm tay súng Hamas đã phá “hàng rào thông minh” do Israel ngăn cách dải Gaza với lãnh thổ nước này, tấn công cùng lúc vào nhiều thành phố và cả các căn cứ quân sự, doanh trại binh sĩ Israel. Các tay súng Hamas được cho là còn bắt hàng trăm người là thường dân và cả binh sĩ Israel để làm “con tin”.

Phong trào Hamas tuyên bố các vụ tấn công bắt đầu từ ngày 7-10 khởi đầu cho chiến dịch quân sự mới mang tên “Chiến dịch bão Al-Aqsa”. Chỉ huy quân sự Mohammad Deif của lực lượng Hamas cho biết, cuộc tấn công nhằm trả đũa việc Israel “xúc phạm” đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Jerusalem. Đền Al-Aqsa là địa điểm linh thiêng đứng thứ ba của đạo Hồi và nằm ngay trong thánh địa mà người Do Thái gọi là Núi Đền.

Quân đội Israel ngay sau đó đã huy động sức mạnh quân sự vượt trội của mình đáp trả dữ dội vào nhiều khu vực ở dải Gaza, trong đó tiến hành hàng trăm cuộc không kích bằng vũ khí chính xác, phá hủy nhiều công trình. Trong đó, hình ảnh trực tiếp trên truyền hình cho thấy tòa nhà cao 14 tầng có tên gọi “Tháp Plalestine” đã trúng tên lửa, bốc cháy và sụp đổ trong khoảng khắc.

Mới chỉ diễn ra trong chưa tới 3 ngày, nhưng xung đột bạo lực lần này giữa Hamas và Israel đã gây ra thương vong nặng nề cho cả hai phía. Theo thống kê của Lực lượng phòng vệ Israel (IDF, tức quân đội Israel), tính đến ngày 9-10, đã có hơn 700 người Israel thiệt mạng và 1.200 người bị thương trong các cuộc tấn công của Hamas. Trong khi đó, số liệu của cơ quan y tế Gaza cho biết, 493 người Palestine đã thiệt mạng và 2.751 người bị thương trong các cuộc tấn công của Israel hơn 2 ngày qua.

Xung đột bạo lực giữa lực lượng Hamas và Israel được cho là còn leo thang và lan rộng, gây thêm những tổn thất cho cả hai bên. Hamas đến nay chưa tuyên bố về “điểm dừng” của cuộc tấn công quân sự do lực lượng này phát động. Tuy nhiên, phía Israel đã có những tuyên bố hết sức cứng rắn.

Chính quyền Israel của Thủ tướng Netanyahu tuyên bố đặt đất nước trong tình trạng chiến tranh, đồng thời thông qua quyết định hủy diệt lực lượng Hamas, ra lệnh cho quân nước này “hành động ngay lập tức để xóa sổ mọi năng lực của Hamas”. “Chúng tôi sẽ vùi dập Hamas không thương tiếc để trả thù cho ngày đen tối mà họ đã mang tới Israel” - Thủ tướng Benjamin Netanyahu khẳng định trong bài phát biểu trên truyền hình.

Hamas (viết tắt theo tiếng Arab của Phong trào Kháng chiến Hồi giáo) được hình thành từ năm 1987 sau khi phong trào nổi dậy chống Israel (intifada) lần thứ nhất của người Palestine nhằm chống lại việc Israel chiếm đóng Bờ Tây và Dải Gaza. Sau khi Israel rút quân đội và người định cư khỏi dải Gaza năm 2005, Hamas bắt đầu tham gia vào chính trị, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội Palestine năm 2006 và kiểm soát dải Gaza từ năm 2007. Mục tiêu của Hamas là thành lập một nhà nước Hồi giáo của người Palestine trên vùng lãnh thổ được hoạch định trước năm 1948, đồng thời xác định con đường duy nhất để hoàn thành sứ mệnh này là đấu tranh bạo lực, do đó luôn khước từ mọi giải pháp hòa bình và không công nhận nhà nước Israel.

Giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình

Kể từ khi kiểm soát dải Gaza từ năm 2007 đến nay, Hamas đã tiến hành 4 cuộc chiến chống lại Israel. Cuộc tấn công ngày 7-10 được xem là đợt leo thang xung đột gây thương vong nặng nề nhất trong cuộc xung đột hàng chục năm qua giữa người Palestine - Israel và được cho còn dữ dội hơn trong những ngày tới bởi quân đội Israel đã huy động 300.000 quân dự bị, tập trung khoảng 100.000 binh sĩ quanh dải Gaza để thực hiện để “xóa sổ mọi năng lực của Hamas”.

Làn sóng bạo lực mới nhất dù vừa bùng phát vài ngày đã tác động hết sức tiêu cực đến Israel, Palestine cũng như khu vực và thế giới. Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) ngày 9-10 cho biết, hơn 123.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa ở dải Gaza sau khi xung đột giữa lực lượng Hamas và Israel leo thang. Người phát ngôn của Cơ quan Cứu trợ và việc làm cho người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA) cảnh báo, con số này sẽ gia tăng hơn nữa khi bạo lực tiếp tục leo thang tại đây.

Xung đột đang tác động hết sức tiêu cực tới kinh tế Israel khi nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa, giá cổ phiếu và trái phiếu đồng loạt lao dốc. Ngân hàng Israel cho biết, còn quá sớm để đánh giá thiệt hại kinh tế từ cuộc xung đột, nhưng đề cập tới cuộc xung đột kéo dài 50 ngày với Hamas hồi năm 2014 gây thiệt hại 3,5 tỷ shekel (khoảng 910 triệu USD), tương đương 0,3% GDP của nước này.

Cuộc xung đột giữa Hamas và Israel đã khiến giá dầu mỏ và vàng biến động mạnh. Các chuyên gia phân tích kinh tế nhận định, rủi ro địa chính trị gia tăng tại Trung Đông sẽ làm cho giá dầu mỏ và vàng còn tăng mạnh hơn trong thời gian tới. Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về tác động của cuộc xung đột giữa Israel và Hamas đối với những người dân đang phải vật lộn để có được nguồn cung cấp thực phẩm thiết yếu. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tuyên bố, đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến ở dải Gaza, đồng thời cho rằng hiện còn quá sớm để đưa ra đánh giá về những hậu quả kinh tế.

Xung đột bạo lực giữa Hamas và Israel cùng những tác động tiêu cực đang gây lo ngại sâu sắc không chỉ ở khu vực mà trên thế giới. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 8-10 đã họp kín về xung đột bạo lực giữa Hamas và Israel. Tuy nhiên, cơ quan chịu trách nhiệm về duy trì hòa bình và an ninh này của Liên hợp quốc đã không xem xét đưa ra tuyên bố chung, chứ chưa nói đến một nghị quyết mang tính ràng buộc do sự bất đồng giữa các nước ủy viên thường trực có quyền phủ quyết. Theo nguồn tin, trong khi các đại diện của Mỹ và Israel kêu gọi Hội đồng Bảo an lên án cuộc tấn công của Hamas nhằm vào Israel, một số quốc gia thành viên, trong đó có Nga, bày tỏ hy vọng cơ quan này nên dành sự tập trung lớn hơn tới các biện pháp giải quyết tình hình hiện nay thay vì lên án Hamas.

Trả lời câu hỏi của phóng viên ngày 8-10 đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước tình hình xung đột leo thang giữa Hamas và Israel, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nêu rõ, Việt Nam quan tâm theo dõi và quan ngại sâu sắc trước tình trạng bạo lực leo thang giữa lực lượng Hamas và Israel, gây nhiều thương vong cho thường dân. Người phát ngôn bày tỏ: “Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình, sớm nối lại đàm phán giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đảm bảo an toàn và các lợi ích chính đáng của thường dân.