Kết đắng từ “tín dụng đen”:

Những cái kết 'đắng' từ giao dịch 'tín dụng đen'

ANTD.VN - Nhiều vụ việc có tính chất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến ANTT xuất phát từ mâu thuẫn cho vay, đòi nợ "tín dụng đen" đã xảy ra trên địa bàn thành phố...

Kế hoạch 231 của CATP Hà Nội nhằm đấu tranh với hoạt động, đối tượng "tín dụng đen" đã và đang phát huy hiệu quả tích cực trong thời gian qua. Tuy nhiên, nhiều cá nhân - vì vô vàn lý do - vẫn tìm đến "tín dụng đen" như một cứu cánh.

Hỗn chiến vì đòi nợ

Chập tối 6-9, những người dân sinh sống tại ngõ 218 phố Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội bàng hoàng khi nghe thấy những âm thanh như tiếng súng nổ, kèm theo đó là cảnh tượng huyên náo, tiếng chân người chạy rầm rập. Một số người bạo gan chạy ra xem, chứng kiến nhiều đối tượng cầm dao, kiếm loang loáng đuổi chém nhau.

Tiếp nhận tin báo, lực lượng Công an đã nhanh chóng có mặt, bước đầu làm rõ và đưa 2 đối tượng về trụ sở, là Bùi Xuân Lai (SN 1996, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và Nguyễn Như Hải (SN 1976, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Hai trong số nhóm đối tượng mang theo hung khí định đâmchém nhau vì đòi nợ thuê đã bị CS113 CATP Hà Nội phát hiện bắt giữ

Nguyên nhân của vụ việc manh động này xuất phát từ mâu thuẫn vay nợ giữa Đỗ Thị Bảo Ngọc (SN 1981, ở Tân Mai) với Nguyễn Hải Ly (SN 1993, ở Hà Cầu, Hà Đông, Hà Nội). Số tiền chỉ 10 triệu đồng, tuy nhiên, sau vài ngày trả lãi đầy đủ, Ngọc đã không có tiền để trả đúng hẹn, dẫn tới việc Ly nhờ "người quen" đến... dùng chân tay để đòi.

Không ngờ, Nguyễn Như Hải, là bạn của Ngọc chẳng phải dạng vừa khi trông thấy đám thanh niên lạ mặt đã hai tay 2 dao đuổi chém. Đỉnh điểm, nhóm đối tượng phía đi đòi nợ đã rút súng, bóp cò khiến cả đám hoảng loạn cùng bỏ chạy.

Cũng tại địa bàn phường Tân Mai, cách đây chưa lâu xảy ra vụ cả chục đối tượng đi xe máy đến đòi nợ. "Con nợ" trong vụ việc này là Cao Quang Khải, được biết đến là một đối tượng có “máu mặt” trong giới “tín dụng đen”.

Cuộc "nói chuyện" giữa đám đi đòi nợ thuê với "con nợ" kết thúc là quyết định truy nã về hành vi giết người dành cho Cao Quang Khải. Gần đây nhất là vụ cả trăm đối tượng sử dụng xe máy, ô tô mang theo dao kiếm đi tìm đối thủ để giải quyết, đã bị CS 113 CATP phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ kịp thời. Nguyên nhân vụ việc được cho là bắt nguồn từ vay nợ tiền.

Vay tiền chủ yếu để...ăn chơi

Trao đổi với PV Báo ANTĐ, chỉ huy Đội CSHS CAQ Hoàng Mai khẳng định, những vụ việc phức tạp về ANTT liên quan đến vay - nợ đều bị CAQ Hoàng Mai lập hồ sơ xử lý nghiêm khắc, nhằm răn đe, phòng ngừa chung. Từ năm 2016, thực hiện Kế hoạch 231 của CATP, CAQ Hoàng Mai đã tiến hành tổng điều tra cơ bản các hoạt động có dấu hiệu của "tín dụng đen".

Vừa rà soát những cơ sở kinh doanh tài chính, CAQ Hoàng Mai còn nắm bắt các cá nhân, hộ gia đình có dấu hiệu phải vay tiền bên ngoài với lãi xuất cao để tuyên truyền, ký cam kết thực hiện các quy định pháp luật.

Đánh giá về những vụ việc từng xảy ra trên địa bàn, đại diện Đội CSHS CAQ Hoàng Mai phân tích, phần lớn những người vay tiền của các đối tượng ngoài xã hội là để phục vụ mục đích... ăn chơi. Những trường hợp này thường không có tài sản đảm bảo, thế chấp. Chính vì vậy, khi xảy ra tình trạng không trả lãi theo đúng hẹn, các đối tượng cho vay dùng đủ mọi cách, trong đó có cả những thủ đoạn trái pháp luật gây sức ép buộc con nợ phải trả tiền.

Lực lượng Công an đẩy mạnh việc truyên truyền, bóc gỡ các tờ rơi quảng cáo để người dân không sa vào "bẫy" tín dụng đen

Rơi vào tình huống bị gây sức ép trả tiền, con nợ “non gan” thường chạy vạy đủ đường để vay mượn đem trả. Song đối với những đối tượng có máu mặt hay độ... bất cần cao, thì phần thua thiệt chưa biết bên nào sẽ phải gánh chịu, và hậu quả là ảnh hưởng đến ANTT.

Vay tiền với thủ tục vô cùng dễ dàng, tuy nhiên, khi đã cầm tiền, ký vào giấy vay nợ, con nợ đã bị sập "bẫy tín dụng đen" một cách hết sức tinh vi. Như vụ án Đỗ Thị Bảo Ngọc vay 10 triệu đồng, thực tế khi cầm tiền về chỉ còn được hơn 7 triệu. Gần 3 triệu trong tổng số 10 triệu ấy đã bị cắt ngay vào lãi xuất. Nhiều con nợ dù vay với số tiền rất ít, nhưng khi không trả lãi, gốc theo đúng hẹn đã phải vay thêm tiền đáo nợ và cứ thế, số lãi, số gốc tiếp tục nhân lên gấp nhiều lần, tạo thành cái thòng lọng thít chặt cổ con nợ cho đến khi kiệt sức...