Những bóng ma của chiến tranh

(ANTĐ) - Chị G.Sally là vợ của một người lính Mỹ chết trận tại Việt Nam tháng 6-1969. Chị là một phụ nữ nhân hậu thủy chung đến lạ lùng. Khi sinh đứa con gái thứ hai mới được một ngày, thì chị hay tin chồng bị chết trận.

Những bóng ma của chiến tranh

(ANTĐ) - Chị G.Sally là vợ của một người lính Mỹ chết trận tại Việt Nam tháng 6-1969. Chị là một phụ nữ nhân hậu thủy chung đến lạ lùng. Khi sinh đứa con gái thứ hai mới được một ngày, thì chị hay tin chồng bị chết trận.

Tại Sài Gòn, ngày cuối cùng 27-3-1973, quân viễn chinh Mỹ cuốn cờ về nước

Tại Sài Gòn, ngày cuối cùng 27-3-1973, quân viễn chinh Mỹ cuốn cờ về nước

Sau cơn đau đớn bàng hoàng, chị Sally ở vậy nuôi con một mình trong nỗi xót xa tủi hận và căm thù cuộc chiến tranh phi nghĩa mà nước Mỹ đã gây ra cướp đi mạng sống của người chồng thân yêu.

Từ ngày đó Sally tích cực tham gia các hoạt động xã hội, cùng những người vợ góa trẻ Mỹ biểu tình, diễn thuyết, trả lời phỏng vấn báo chí... với mục đích góp phần cùng nhân dân Mỹ ngăn chặn cuộc chiến tranh mà Chính phủ Mỹ đang tiến hành ở Việt Nam.

Đêm đêm chị mở băng ghi âm nghe tiếng nói của chồng - khi anh ấy còn sống từ Việt Nam gửi về, và kể cho hai con gái nghe về cái chết của cha chúng. Với riêng Sally thì Willamag Riffis – chồng chị dường như vẫn còn đâu đây. Đã có nhiều người hỏi Sally tại sao chị không đi bước nữa? Sally nghẹn ngào thổ lộ:

- Tôi không quên được anh ấy. Tôi thường nghĩ anh ấy chỉ đi đâu đó một thời gian thôi. Nhớ anh không chịu nổi, nhiều đêm tôi thức trắng để viết thư cho anh ấy, viết cho một cái chết – cái chết oan uổng. Sau mỗi đêm viết thư cho chồng, tôi có cảm giác nhẹ nhõm như vơi đi một chút đau buồn. Và tôi tin là chồng tôi đã nhận được những lá thư đó từ bên kia thế giới.

Gần 40 năm trôi đi, nhưng hình ảnh W. Riffis người chồng, người cha thân yêu bị chết trận ở Việt Nam vẫn cứ ám ảnh theo mẹ con chị suốt thời gian ấy. Đến năm 1994, chị mới dám đưa hai con gái đến bức tường đá hoa cương lạnh cóng ghi tên những người Mỹ chết trận ở Việt Nam đặt tại Washington-DC.

Dòng chữ “WILLAMAG RIFFIS” – tên cha hai đứa bé tội nghiệp như đang hồi sinh và muốn nói một lời nhắn nhủ rằng: “Các con và Sally hãy làm điều gì đó để giải oan cho cha, cho anh về cái chết oan uổng này nhé”.

Mặc dù đã nhiều lần mẹ nói về cha và được nghe những lời trong cuốn băng ghi âm cuối cùng cha gửi về nói lại lần thi hành nhiệm vụ quân sự trong tháng 6-1969 của cha ở Đồng Tháp trước khi hành quân... nhưng đến khi đọc tên cha trên bức tường ở Washington, thì hai cô con gái mới cảm nhận thấu nỗi đau đớn về cái chết trận của cha mình trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

Với ước muốn dịu bớt nỗi đau thương này trong quá khứ, chị Sally kể rằng năm 1997, chị và hai con gái đã thực hiện một cuộc hành hương sang Việt Nam để tìm đến một cánh đồng giữa làng quê tỉnh Đồng Tháp – nơi người chồng, người cha xấu số của họ đã chết trận. Trước khi lên đường, chị đã viết một bức thư rất dài mang theo trong hành trang sang Việt Nam để gửi cho chồng nơi ấy.

Cô gái Mỹ lần tìm tên cha mình trên tấm bia tưởng niệm 58.000 quân nhân Mỹ chết trận ở Việt Nam đặt tại Thủ đô Washington DC
Cô gái Mỹ lần tìm tên cha mình trên tấm bia tưởng niệm 58.000 quân nhân Mỹ chết trận ở Việt Nam đặt tại Thủ đô Washington DC

Lần đầu tiên đến Việt Nam, cả ba mẹ con đều bỡ ngỡ với tâm trạng lo sợ bị trả thù và mang theo nỗi đau vô tận về cái chết vô nghĩa của người thân mình. Trong cuộc hành trình này, con gái chị đã chuẩn bị một kịch bản với dự định làm một cuốn phim về những người vợ góa Mỹ chết trận ở Việt Nam.

Thế rồi, trên chặng đường từ TP.HCM đến Đồng Tháp, chị và hai cô con gái đã gặp gỡ rất nhiều phụ nữ Việt Nam – chân chất, bình dị, nhưng rất dũng cảm vượt lên những đau thương mất mát trong chiến tranh để xây dựng lại quê hương mình.

Như được sẻ chia, đồng cảm của những người cùng cảnh ngộ, mẹ con chị nhận thấy nỗi đau này không chỉ riêng mình mà chung của thân phận những người phụ nữ sau chiến tranh ở cả hai phía.

Chị đã gặp một bà mẹ liệt sĩ ở Đồng Tháp, trong những năm chiến tranh bà đã mất cả bốn người con và chồng, bản thân trên người bà nay vẫn còn mang thương tích của cuộc chiến.

Sau khi nghe bà mẹ Việt Nam hồi tưởng lại những ngày chiến tranh ác liệt và nỗi đau đến tận cùng của bà, chị Sally và hai cô con gái hết sức xúc động – người nắm tay, người ôm lấy bà mẹ liệt sĩ Việt Nam và nghẹn ngào nói:

- Bà thật là người phụ nữ can đảm. Chúng tôi với bà là những người cùng cảnh ngộ nhưng nỗi đau của bà còn lớn hơn nỗi đau của mẹ con tôi rất nhiều.

Sally còn được gặp một người mẹ nữa, đó là bà mẹ liệt sĩ Huỳnh Thị Sáu đã 75 tuổi, có chồng bị lính Mỹ sát hại và họ đốt nhà của bà, sau đó cả mười người con của bà cũng bị chết hết trong bom đạn chiến tranh.

Nhắc lại quá khứ đau thương, mẹ Sáu không ngăn nổi dòng nước mắt lăn trên gò má khắc khổ khiến chị Sally và hai người con gái cũng nhòa lệ đồng cảm với bà về nỗi đau của những người thân mất đi trong chiến tranh.

Chị Sally và hai con gái mua nhiều hoa quả với những bông cúc vàng xin được thắp nhang lên mộ phần của những người đã chết vì chiến tranh để cùng chia sẻ nỗi đau khôn cùng với các Bà mẹ liệt sỹ Việt Nam.

Tiếp tục cuộc hành hương, mẹ con chị Sally đã tới một cánh đồng lúa chín vàng, nơi đây không còn dấu tích bom đạn nữa, nhưng quanh họ vẫn còn nhân chứng của cuộc chiến tranh, trong đó có nhiều nạn nhân chất độc da cam/ đioxin – với vết thương không mảnh đạn.

Tại Mỹ, Bộ trưởng quốc phòng MC Namara và Tướng Taylor - cố vấn quân sự Nhà Trắng bàn định về chiến tranh Việt Nam
Tại Mỹ, Bộ trưởng quốc phòng MC Namara và Tướng Taylor - cố vấn quân sự Nhà Trắng bàn định về chiến tranh Việt Nam

Ba mẹ con chị Sally đến tận nơi chiếc máy bay trực thăng Mỹ bị bắn rơi khi đổ quân xuống đánh phá ở Đồng Tháp và chồng chị đã tử trận tại đây. Một sĩ quan cựu chiến binh Việt Nam – người chỉ huy trận chống càn năm ấy nay vẫn còn sống đã cùng đi với mẹ con chị Sally, và kể lại cho chị nghe diễn biến của trận chiến đấu ác liệt này hồi tháng 6-1969.

Lặng người đi trong giây phút hồi tưởng, nhớ về quá khứ tội lỗi của W.Riffis và đồng đội họ đã gây hậu quả cho đất nước Việt Nam, chị Sally và hai con gái xin được thắp nhang theo phong tục của Việt Nam, và xin được khấn vái hương hồn người chồng, người cha của họ đã chết trận nơi đây.

Cả ba mẹ con đều khóc nức nở và cầu nguyện xin nhân dân Việt Nam tha thứ cho một cái chết vô nghĩa của người thân của họ.

Với hai cô con gái của người cha xấu số đó, đứa chị khi vừa mới chập chững bốn tuổi thì cha chết còn cô em vừa chào đời được một ngày và cuộc sống của cô mới bắt đầu, thì cũng là lúc cuộc đời người cha kết thúc. Và, cả người đàn bà góa này – mẹ các cô gái, lúc ấy đều chưa biết gì về cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, nhưng họ đều căm ghét nó.

Lần này có cơ hội sang Việt Nam, được nghe những tiếng nói từ những người trong cuộc kể lại về cuộc chiến ấy, được sống trong tình cảm chân thành của những người bạn phụ nữ chất phác, nhân ái, khoan dung, họ mới cảm nhận được hết nỗi đau của mình là hết sức nhỏ nhoi.

Họ muốn xóa đi nỗi ám ảnh của chiến tranh, quá khứ chan đầy nước mắt của các bà mẹ Việt Nam, những người vợ lính Mỹ chết trận ở Việt Nam và hậu quả của nó vẫn còn dai dẳng cho những nạn nhân chất độc da cam/ đioxin do quân đội Mỹ đã rải xuống làng mạc và rừng núi Việt Nam.

Với ý nguyện sau chuyến hành hương này phải làm điều gì đó thiết thực hơn để dịu bớt nỗi đau của những nạn nhân chiến tranh, những giọt nước mắt đồng cảm của những người phụ nữ Mỹ và Việt Nam cách xa nhau hàng vạn dặm sau gần 30 năm chiến tranh kết thúc được gặp nhau những mong khép lại quá khứ đã thành đề tài được họ tái hiện lại trong một cuốn phim phóng sự nhan đề: “Những bóng ma của chiến tranh”.

Cuối phim do chính người con gái lớn của Sally biên kịch, đạo diễn, dàn dựng và đã phát hành tại Mỹ năm 1998, thu hút được sự quan tâm của nhiều người phụ nữ Mỹ có chồng, con, cha chết trận ở Việt Nam. Sau đó Sally đã gửi tặng Bảo tàng chứng tích chiến tranh TP. HCM cuộn phim này – mong bày tỏ tình cảm của những người phụ nữ Mỹ đối với nhân dân Việt Nam về tấm lòng của mình, và với lời cầu nguyện:

“Xin đừng có một cuộc chiến tranh nào như thế nữa trên đất nước Việt Nam, cũng như phần lãnh thổ khác của thế giới này”.

Bùi Đình Nguyên