Những “bóng hồng đen” gốc Australia trong IS

ANTĐ - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Australia-George Brandis cho biết, ngày càng nhiều nữ thanh niên Australia tham gia vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria và Iraq do bị mê hoặc bởi “ma lực giả dối” của tổ chức này.
Những “bóng hồng đen” gốc Australia trong IS ảnh 1

Cô gái trẻ Aqsa Mahmood tham gia tổ chức IS và kết hôn với một chiến binh Hồi giáo

Theo vị bộ trưởng này, trước đây, thậm chí nửa năm trước đây, họ chỉ quan tâm đến số nam thanh niên tham gia vào tổ chức IS. Hiện nay, tình hình này đã thay đổi hoàn toàn, ngày một nhiều các nữ thanh niên tham gia chiến đấu cho Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.

Theo đánh giá mới nhất của cơ quan n ninh quốc gia Australia cho thấy, hiện có khoảng 90 nữ giới đang tham gia chiến đấu cho tổ chức khủng bố này. Con số này năm ngoái là 70 người.

Ông George Brandis cho rằng, ngày một nhiều thanh niên Úc tham gia tổ chức khủng bố là do bị cám dỗ và lừa gạt bằng “ma lực giả dối” của các phần tử IS.

Các thủ đoạn tuyên truyền của IS thường là đưa tin sai lệch về tình hình, mô tả “tình huynh đệ” trong Nhà nước Hồi giáo đa văn hoá. Thông điệp mà IS muốn đưa ra là: “Mọi người đều bình đẳng ở IS. Cuộc thánh chiến là không biên giới và nó sẽ đưa mọi người xích lại gần nhau”. Ngoài ra tổ chức này thường tung ra những đoạn video về hình ảnh những người phụ nữ nói về cuộc sống gia đình trong thời kỳ chiến tranh cùng tâm sự cảm thấy “vinh dự là góa phụ của chiến binh tử vì đạo”…

 

Những bóng hồng đen trong tổ chức ISIS ở Syria

Các chuyên gia PR của IS rất “thành thạo trong việc làm thay đổi thực tế để phù hợp với mục đích tuyên truyền bằng cách phóng đại hoặc thay đổi danh tính của các nạn nhân. Nhà nước Hồi giáo tuyên bố sẽ bảo vệ và đại diện cho lợi ích của người Hồi giáo Sunni nhưng thực tế lại hoàn toàn khác biệt”, tờ Spiegel nhận định.

Tuyên truyền của IS được đánh giá là rất chuyên nghiệp, hơn hẳn al-Qaeda. Tờ New York Times gần đây thậm chí còn đặt tên cho cuộc chiến này là "thánh chiến 3.0".

“Từ góc độ kỹ thuật có thể thấy rằng, khả năng PR của chiến binh thánh chiến được cải thiện theo cấp số nhân trong hơn 5 năm qua”, ông Christoph Günther, chuyên gia về Hồi giáo tại Đại học Leipzig nhận định.

Do lo ngại trước việc công dân nước mình sau khi tham gia vào tổ chức khủng bố, rồi quay về nước sẽ tạo ra mối đe doạ tiềm tàng cho an ninh nội địa, Australia đã thông qua đạo luật cấm các công dân nước này đi du lịch ở những khu vực điểm nóng của chủ nghĩa khủng bố nếu không có lý do chính đáng. Theo đạo luật mới này, nếu ai vi phạm sẽ có thể phải đối diện với mức án tù cao nhất lên đến 10 năm.