Những “bánh xe nước” độc đáo

ANTĐ - Những guồng nước như những bánh xe khổng lồ chậm rãi quay đều bên dòng suối đã trở thành nét đặc trưng của nhiều vùng miền. Được thiết kế rất khéo léo từ những vật liệu của núi rừng, những chiếc guồng nước thể hiện khả năng sáng tạo tuyệt vời của đồng bào miền núi trong công cuộc chinh phục thiên nhiên.
Những “bánh xe nước” độc đáo ảnh 1
Những “bánh xe nước” ở Sơn La

Có thể nói, “bánh xe nước” của người Mường xứ Thanh và Hoà Bình là độc đáo hơn cả. Nhưng lịch sử và kỹ thuật chế tác guồng nước thì phải nói đến bà con dân tộc Thái ở bản Pó (Thuận Châu – Sơn La). Bản Pó rộng thênh thang, sâu hun hút giữa những dãy núi cao sừng sững. Điều kiện nước sinh hoạt rất khó khăn, nên để có nước, họ phải chế ra những “bánh xe” giữa suối, người ta gọi đó là cọn. 

Để một chiếc cọn được bền, người ta  chọn một thanh gỗ chính để làm trục giữa của cọn, thanh gỗ này phải là loại gỗ vừa nhẹ, vừa bền và có khả năng chịu nước tốt. Sau khi tìm được trục chính, sẽ chuyển sang công đoạn làm nang cọn, được làm bằng những cây vầu có thân thẳng, nhỏ và phải là loại vầu già đủ tuổi. Tùy theo độ cao thấp, mực nước của nơi cần dẫn nước đến và nguồn nước mà người làm cọn sẽ quyết định kích thước của cọn thông qua độ dài ngắn của nang cọn. 

Những cây nứa già trên rừng đem về sẽ được chẻ mỏng rồi ghép lại thành từng tấm phên mỏng hình chữ nhật để làm cánh quạt nước cho cọn khi nước chảy tác động vào những tấm phên này thì sẽ tạo ra lực đẩy làm quay cọn. Quan trọng nhất đối với mỗi chiếc cọn nước là việc đặt và bố trí những ống đựng nước trên thân cọn. Thông thường mỗi ống đựng nước thường được buộc kèm chéo theo mỗi cánh quạt nước và phải buộc tất cả các ống cùng nghiêng một độ nhất định thì mới khiến cọn không bị lỗi nhịp khi guồng nước. 

Với lối sống gần gũi, việc biến những vật liệu lấy từ thiên nhiên thành một chiếc cọn nước hoàn chỉnh phục vụ việc sản xuất, lao động và chinh phục, cải tạo thiên nhiên cho ta thấy sự sáng tạo kỳ diệu của người vùng cao. Không chỉ là một công cụ thủy lợi, một bản sắc văn hóa độc đáo, những chiếc cọn nước còn như một chứng tích muôn đời của nền văn minh lúa nước khi con người tiến lên non cao.

Mỗi khi vận hành, những guồng nước vĩnh cửu cùng với tiếng róc rách trầm bổng, mang đậm âm hưởng miền núi suốt đêm ngày. Những chiếc cọn ngày đêm guồng nước âm thầm, chịu thương, chịu khó, cần cù và nhẫn nại đã trở thành cảm hứng vô tận và đi vào những tác phẩm nghệ thuật, phim ảnh, thơ ca....

Bây giờ, lên vùng cao đã thấy vắng bóng những chiếc cọn nước thân thương ngày đêm guồng nước bên những con suối, bờ mương. Những người con nơi núi rừng, ruộng nương mỗi khi đi xa trở về đều nhớ mãi những chiếc cọn nước vùng cao bao đời nay vẫn đều đặn guồng nước lên cao như đôi vai gầy của những người mẹ, người chị sáng sáng thức dậy đi  gùi nước về bản làng xa xôi thời buổi còn gian khó.