Nhức nhối xe khách biển số Lào "lách luật"

ANTD.VN - Do tính chất thông thương nên xe khách hoạt động vận tải liên vận quốc tế tại Việt Nam diễn ra khá sôi động như xe từ Lào, Campuchia, Trung Quốc. Lợi dụng việc này, xe khách mang biển số nước ngoài chủ yếu do người Việt Nam kinh doanh đã “lách luật” hoạt động tại Việt Nam gây mất trật tự trong lĩnh vực vận tải khách.

Nhức nhối xe khách liên vận tuyến Việt Nam - Lào

Xe không vào bến, không ghi niên hạn

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, hiện tại xe khách hoạt động vận tải liên vận khách quốc tế tại Việt Nam có Việt Nam - Lào, Việt Nam - Trung Quốc và Việt Nam - Campuchia. Trong đó có 5 xe chạy tuyến cố định Hà Nội - Thâm Quyến và 14 xe chạy khách hợp đồng của 2 doanh nghiệp.

Với vận tải tuyến Việt Nam - Campuchia, hiện có 68 xe chạy tuyến cố định với 6 đơn vị và 223 xe chạy khách hợp đồng, du lịch. Đông nhất, nhộn nhịp nhất là xe khách liên vận Việt Nam - Lào có  323 xe của 40 đơn vị chạy tuyến cố định và 756 xe chạy hợp đồng.

Bà Phan Thị Thu Hiền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, đối với tuyến liên vận Việt Nam - Campuchia, lượng xe hợp đồng đông nhưng lại chạy khách như tuyến cố định diễn ra phổ biến, không theo hành trình đã đăng ký.

Đáng nói nhất là tuyến vận tải liên vận Việt Nam - Lào. Bà Phan Thị Thu Hiền nhìn nhận, việc quản lý xe chạy tuyến cố định của hai nước còn chưa tốt, còn nhiều xe của Lào chạy tuyến cố định không vào bến đón trả khách. Xe khách của Lào không ghi niên hạn sử dụng gây khó khăn cho các lực lượng kiểm tra của Việt Nam.

Nghệ An hiện là địa bàn “nóng” nhất về hiện tượng xe biển số Lào hoạt động vận tải khách. Sở GTVT tỉnh này cho biết, có khoảng trên 60 xe ôtô  BKS Lào hoạt động vận tải khách, tập trung chủ yếu ở các huyện Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu và TP Vinh.

Báo cáo của Sở GTVT Nghệ An cho thấy, hiện mới có 24 xe được cơ quan thẩm quyền 2 nước chấp thuận cho phép kinh doanh vận tải liên vận quốc tế Việt-Lào. “Số còn lại hoạt động trái quy định của pháp luật, các chủ xe tự tổ chức bán vé, đón, trả khách tại một số địa phương của tỉnh Nghệ An sang Lào và ngược lại; Đồng thời tự ý hợp đồng chở khách tham quan du lịch trong, ngoài nước mà không được cơ quan quản lý 2 nước cho phép”, ông Nguyễn Hồng Kỳ - Giám đốc Sở GTVT Nghệ An cho biết.

Sẽ thu hồi giấy phép liên vận nếu tái phạm

Theo Sở GTVT Nghệ An, hầu hết các xe vận tải khách BKS Lào do cá nhân người Việt Nam mua lại của các doanh nghiệp Lào (các xe này đã được cơ quan chức năng của Lào cấp Giấy phép liên vận Lào - Việt Nam) nhưng vẫn để tên chủ xe là các doanh nghiệp Lào.

Để hoạt động vận tải khách trên lãnh thổ Việt Nam và Lào, các chủ xe thực tế (người Việt) đã “lách luật” bằng cách dùng giấy ủy quyền của doanh nghiệp Lào và các giấy tờ khác do cơ quan chức năng Lào cấp để hoạt động vận tải hành khách liên vận trên lãnh thổ hai nước. 

Đáng nói, những xe này đã qua thời gian dài sử dụng, tương đối cũ nát, nhiều xe tự ý thay đổi kết cấu của nhà sản xuất mà không đăng ký với cơ quan thẩm quyền, không có phù hiệu vận tải quốc tế liên vận; một số xe kiểm định phương tiện, giấy phép liên vận đã hết hạn; không vào các bến xe hoạt động theo quy định; hoạt động không đúng hành trình, lịch trình giữa hai điểm trong lãnh thổ Việt Nam; hoạt động không đúng quy định tại Hiệp định và Nghị định đã ký kết giữa hai nước. Trong khi đó, việc kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn vì liên quan đến vận tải liên vận quốc tế.

Trước tình hình này, Sở GTVT Nghệ An đã kiến nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị với Cục Vận tải Lào khi chấp thuận tuyến vận tải khách liên vận quốc tế cho các xe vận tải khách BKS Lào thì đồng thời cấp phù hiệu vận tải quốc tế liên vận theo quy định. Ngoài ra, Sở này cũng đã đề nghị tỉnh Nghệ An có văn bản thông báo tới Tổng cục Hải quan và Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng, không cho phép các xe ôtô khách Lào đã bị buộc tái xuất tiếp tục tạm nhập vào Việt Nam cho đến khi hoàn thiện các thủ tục.

Mới đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã đề xuất Bộ GTVT kiến nghị với phía Lào việc hai nước thông báo cho nhau danh sách đơn vị vận tải, số lượng phương tiện, tuyến vận tải cố định để phối hợp kiểm tra, quản lý. Đồng thời, đề nghị phía Lào quy định niên hạn trong giấy đăng ký, đăng kiểm của xe để hai nước phối hợp quản lý xe quá niên hạn sử dụng.

Đối với những phương tiện không đủ các giấy giờ theo quy định thì không cho phép nhập cảnh. “Sẽ thu hồi giấy phép liên vận và không tiếp tục cấp phép liên vận cho các phương tiện vi phạm nghiêm trọng các quy định của Hiệp định và Nghị định thư”, bà Phan Thị Thu Hiền cho hay.