- Bộ ba lừa đảo bán 'Bạch quả' cho người già sa lưới pháp luật
- Quảng cáo web cá độ bóng đá trên xe buýt, phạt 120 triệu đồng
Cách đây ít ngày trên một số tuyến đường thuộc phường Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội xuất hiện khá nhiều băng rôn với nội dung “88 online - thương hiệu uy tín đáng để bạn tin tưởng , tuyển đại lý hoa hồng trên 60%”. Dễ dàng nhận thấy, đây là một trang web chuyên về đánh bạc trực tuyến xuất hiện thường xuyên trong clip quảng cáo tại các trang chuyên chiếu phim lậu.
![]() |
Băng rôn quảng cáo treo trên cây |
Chứng kiến hình ảnh này, ông Phạm Văn Quân ở phố Láng Hạ, quận Đống Đa bức xúc chia sẻ, “không chỉ quảng cáo đánh bạc, cá độ bóng đá tràn lan trên mạng nhằm lôi kéo sự chú ý của không ít người, đặc biệt là các cháu trong độ tuổi thanh thiếu niên, các đối tượng còn treo đầy băng rôn tại các ngã tư khiến bất cứ ai đi qua nhìn vào cũng phải đặt câu hỏi phải chăng dịch vu này đã được hợp thức hóa? Có thể nói việc treo băng rôn quảng cáo này chẳng khác nào vấn nạn “rao vặt, khoan cắt bê tông” tồn tại từ nhiều năm nay nhưng dường như cơ quan quản lý vẫn bất lực”.
![]() |
Băng rôn treo trên cột điện |
Được biết ngay sau khi nhận được phản ánh của người dân về sự tồn tại của những băng rôn có nội dung khá bất thường xuất hiện trên địa bàn, Công an phường Cát Linh đã cử cán bộ kiểm tra rà soát tại các tuyến phố và gỡ bỏ hàng chục băng rôn treo trái phép.
Theo lãnh đạo CAP, hầu hết các đối tượng đều lợi dụng đêm tối để treo băng rôn, trên đó chỉ ghi tên trang web chứ không có số điện thoại hay địa chỉ đơn vị chủ quản nên rất khó xử lý. Do vậy, khi phát hiện hiện tượng này, trước mắt lực lượng chức năng sẽ nhanh chóng gỡ bỏ băng rôn, đồng thời tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường để phát hiện xử lý vi phạm.
![]() |
Lực lượng chức năng gỡ bỏ các băng rôn quảng cáo treo trái phép |
Về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo, Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, Điều 7 Luật Quảng cáo 2012 quy định cấm quảng cáo đối với thuốc lá, rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên, hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật...
Cũng theo Luật này, việc treo băng-rôn phải tuân thủ quy định về khu vực bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa; hành lang an toàn giao thông, đê điều, lưới điện quốc gia... và phải tuân thủ quy hoạch quảng cáo của địa phương và quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Các sản phẩm quảng cáo thể hiện trên băng rôn phải ghi rõ tên, địa chỉ của người thực hiện.
![]() |
Hàng chục băng rôn quảng cáo đã bị gỡ bỏ |
Về chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm quy định về quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn, Điều 42 Nghị định 38/2021/NĐ-CP nêu rõ, phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi không thông báo về nội dung, thời gian, địa điểm quảng cáo, số lượng bảng quảng cáo, băng-rôn.
Như vậy, trước khi treo băng rôn tại nơi công cộng cần thông báo về nội dung, thời gian, địa điểm quảng cáo, số lượng cần treo băng rôn. Trường hợp treo băng rôn không phép với nội dung trái quy định sẽ bị phạt tiền - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.
Cũng theo Luật sư Hồng Vân, Luật Quảng cáo còn nêu rõ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp nhận và xử lý hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn.
Tổ chức, cá nhân có nhu cầu thực hiện quảng cáo trên băng-rôn phải gửi hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo đến cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo của địa phương trước khi thực hiện quảng cáo 15 ngày.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo của địa phương xác nhận về việc nhận hồ sơ, nếu không có ý kiến trả lời thì tổ chức, cá nhân được thực hiện sản phẩm quảng cáo đã thông báo. Mọi trường hợp treo băng rôn quảng cáo nhưng không có thông báo với cơ quan có thầm quyền là vi phạm pháp luật.