Phú Thọ:

Nhóm thanh niên chặn xe "xin" tiền ở Phù Ninh có thể bị xử lý hình sự?

ANTD.VN - Những ngày qua, mạng xã hội Facebook "dậy sóng" khi xuất hiện đoạn video phát trực tiếp, ghi lại cảnh một nhóm thanh niên ở Phù Ninh, Phú Thọ dùng hung khí uy hiếp, "xin" tiền của các lái xe chạy cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Sau khi xem những hình ảnh này, không ít người đã đặt câu hỏi, liệu những đối tượng thực hiện hành vi trên có bị xử lý hình sự?

Dấu hiệu của tội Cướp tài sản và Gây rối trật tự công cộng

Trong đoạn video trên, một nhóm hơn 10 thanh niên ở Phù Ninh, Phú Thọ đã dàn hàng ngang trên đường trên tay cầm theo gậy, dao và một số loại hung khí khác. Mỗi khi thấy ôtô chạy qua, một số đối tượng cầm dao xông ra uy hiếp lái xe “xin” tiền, số còn lại đi lòng vòng xung quanh. Để lưu thông tiếp, không ít lái xe đã phải đưa tiền cho nhóm thanh niên này.

Liên quan đến hành vi của nhóm đối tượng trên, luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, các đối tượng đã xâm phạm đến quyền sở hữu về tài sản của công dân, đồng thời gây mất trật tự trị an tại khu vực, ảnh hưởng đến việc tham gia giao thông của người và phương tiện tại đây. Vì vậy, hành vi này cần bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Hình ảnh nhóm thanh niên chặn xe "xin" tiền được quay trực tiếp, đưa lên mạng xã hội

Cũng theo luật sư Lê Hồng Vân, vụ việc trên có dấu hiệu của các tội Cướp tài sản và Gây rối trật tự công cộng. Điều 133 BLHS 1999 sửa đổi 2009 về tội Cướp tài sản quy định, người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản thì bị phạt tù từ 3-10 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức, sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác… thì bị phạt tù từ 7-15 năm

Do các đối tượng đã sử dụng hung khí nguy hiểm là vũ khí thô sơ, đe dọa các lái xe nhằm mục đích “xin” tiền, lái xe lo sợ đã phải đưa tiền và trên thực tế, nhóm thanh niên đã chiếm đoạt tiền của một số người nên hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 133 BLHS với mức hình phạt cao nhất là 15 năm tù. Tuy vậy, để có căn cứ xử lý, các bị hại cần có đơn trình báo đến cơ quan công an về số tiền bị chiếm đoạt. Bên cạnh đó, độ tuổi của các đối tượng thực hiện hành vi trên cũng là một trong những yếu tố cần được xem xét.

Còn theo Điều 245 BLHS về tội Gây rối trật tự công cộng, người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 1-10 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng-2 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có dùng vũ khí hoặc có hành vi phá phách; Có tổ chức; Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng…thì bị phạt tù từ 2-7 năm.

Trường hợp cơ quan công an không làm rõ được các bị hại thì vẫn có thể xử lý nhóm thanh niên ở Phù Ninh, Phú Thọ về hành vi gây rối trật tự công cộng theo khoản 2 Điều 245 BLHS với mức hình phạt cao nhất là 7 năm tù.

Phạm tội trong tình trạng say rượu vẫn bị xử lý hình sự

Tại cơ quan công an, một trong những đối tượng thuộc nhóm thanh niên ở Phù Ninh, Phú Thọ dùng hung khí uy hiếp, xin tiền của người đi đường tại cao tốc Hà Nội - Lào Cai khai nhận do uống rượu nên sau đó không nhớ đã làm gì. Tuy vậy, theo Luật sư Hồng Vân, Điều 14 BLHS  quy định, người phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Bởi, khi đặt mình vào tình trạng say, tức là người phạm tội đã tự đặt mình vào tình trạng năng lực trách nhiệm hình sự hạn chế hoặc loại trừ. Họ đã tự tước bỏ năng lực nhận thức và năng lực điều khiển hành vi của mình, do đó họ có lỗi với tình trạng say của mình, đồng thời cũng có lỗi khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm. 

Vì vậy, mặc dù tình trạng say do rượu hoặc do dùng chất kích thích mạnh khác khiến người say có thể bị giảm sút hoặc mất hoàn toàn năng lực nhận thức và năng lực điều khiển hành vi trong một khoảng thời gian nhất định, song pháp luật hình sự không coi việc say do sử dụng rượu, bia quá nồng độ quy định hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác là tình tiết để giảm nhẹ hoặc miễn trách nhiệm hình sự, thậm chí đối với một số tội phạm, đây còn được coi là các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. 

Liên quan đến đối tượng livestream việc đe dọa, “xin” tiền khách đi đường của cả nhóm lên mạng, luật sư Lê Hồng Vân cho rằng, đối tượng này cũng sẽ bị xem xét xử lý hình sự với vai trò đồng phạm nếu hành vi đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm. Bởi theo BLHS, đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.