“Nhồi nhét” học hè: Cuộc chạy đua không có điểm dừng

(ANTĐ) - Những năm gần đây, tình trạng học sinh từ tiền lớp 1 đã phải cắp sách đến lớp trong cả những ngày hè đã trở nên quen thuộc. Không chỉ tại nhà riêng các thầy cô mà ở các trung tâm bồi dưỡng kiến thức mặc dù đang những ngày hè nhưng lúc nào cũng nhộn nhịp cảnh phụ huynh, học sinh đến đăng ký học. Còn tại các diễn đàn như webtretho.com, mevabe.vn tràn đầy các topic tìm lớp học thêm dịp hè cho con.

“Nhồi nhét” học hè: Cuộc chạy đua không có điểm dừng

(ANTĐ) - Những năm gần đây, tình trạng học sinh từ tiền lớp 1 đã phải cắp sách đến lớp trong cả những ngày hè đã trở nên quen thuộc. Không chỉ tại nhà riêng các thầy cô mà ở các trung tâm bồi dưỡng kiến thức mặc dù đang những ngày hè nhưng lúc nào cũng nhộn nhịp cảnh phụ huynh, học sinh đến đăng ký học. Còn tại các diễn đàn như webtretho.com, mevabe.vn tràn đầy các topic tìm lớp học thêm dịp hè cho con.

Theo quảng cáo tại các trung tâm này, giáo viên đều là những thầy cô dạy giỏi tại các trường có tiếng như Chu Văn An, Amsterdam, chuyên Tổng hợp, chuyên Sư phạm. Chị Nguyễn Lan Hương, Khu tập thể Thanh Xuân Bắc đang có con học tại một trung tâm cho biết: “Tôi có hai đứa con, đứa lớn học lớp 5, đứa bé học lớp 2 nhưng hè này vẫn phải đăng ký cho các cháu học thêm các môn chính tại trung tâm.

Cả năm các con đã phải đi học, tôi cũng muốn các cháu được nghỉ ngơi trong những ngày hè nhưng bố mẹ đi làm suốt, để các cháu ở nhà không yên tâm. Hơn nữa bạn bè các cháu đều đi học cả, mình không đi cũng không được”. Đây cũng là lý do chính khiến hầu hết các bậc phụ huynh dù không muốn cũng bắt buộc phải cho con em mình đi học hè.

Nên khuyến khích ý thức tự giác của trẻ

Nghỉ hè của học sinh là khoảng thời gian để các cháu vui chơi sau một năm học. Tuy nhiên thực tế thì hầu hết các bậc phụ huynh đều muốn cho con mình đi học thêm một khoảng thời gian nào đó trong kỳ nghỉ này. Nguyên nhân thì có nhiều: Thứ nhất là cha mẹ mong muốn các cháu chắc kiến thức hơn, làm quen với chương trình mới để vào năm học không quá bỡ ngỡ.

Thứ hai là theo trào lưu, thấy các gia đình khác cho con đi học thì mình cũng phải cho con mình học, không thì cảm thấy áy náy, sợ con mình thua thiệt. Cũng có lý do nữa là không phải gia đình nào cũng có đủ thời gian để trông nom, quản lý con trong thời gian nghỉ hè kéo dài, bởi độ tuổi của các cháu vẫn còn nhỏ và hiếu động, vậy cho các cháu đi học hè cũng là lựa chọn hợp lý và an toàn.

Tuy nhiên, vấn đề là phụ huynh phải chọn cho con mình môi trường học tập tốt, kèm các hoạt động vui chơi, giải trí để các cháu có sự cân bằng, phù hợp với lứa tuổi của mình. Không nên đặt nhiều kỳ vọng vào sự thay đổi lực học lớn nhờ việc học thêm mà ép trẻ học quá nặng. Theo tôi, quan trọng là các bậc phụ huynh phải khuyến khích trẻ có ý thức tự giác học tập, dù là học chính khóa hay học thêm.

Anh Lê Văn Phúc (Phố Tạ Quang Bửu, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng)

Khái niệm mùa hè là mùa nghỉ ngơi, vui chơi đã trở nên xa vời mà thay vào đó là những ngày chạy sô từ trung tâm này đến trung tâm khác. Em Nguyễn Mạnh Hùng, lớp 2 trường Tiểu học Kim Đồng cũng đang bận rộn với một lịch học thêm kín mít: Toán, Tiếng Việt, Ngoại ngữ tại một trung tâm, mỗi môn 3 buổi/tuần khiến em chẳng còn thời gian mà chơi đùa gì nữa.

Đã vậy, thấy thầy Đ dạy Toán trường Đoàn Thị Điểm hay, mẹ em cũng đăng ký thêm cho con theo học vào thứ bảy, chủ nhật. Thế là cả tuần, ngày nào Hùng cũng phải đến lớp học.

Em tâm sự: Thấy các bạn khác mùa hè được thả diều, bơi lội, chạy nhảy mà thèm. Em chẳng bao giờ có những ngày hè như vậy. Mẹ bảo em phải học giỏi thì bố mẹ mới không xấu hổ với mọi người. Vì vậy chỉ còn cách cố mà học.

Ngay từ bây giờ bố mẹ đã đặt mục tiêu lên cấp 3 em phải thi được vào chuyên Toán trường Chu Văn An nên phải khởi động ngay từ bây giờ. Bạn bè em cũng thế, chẳng ai được nghỉ ở nhà trong những ngày hè đâu, nhiều bạn còn học nhiều hơn ấy.

Các thầy cô giáo cũng khó có thể ngăn cản được việc học trò của mình đi học hè quá sớm tại trung tâm bên ngoài. Theo cô Đinh Phương Anh trường THCS Lê Ngọc Hân, quận Hai Bà Trưng thì các giáo viên của nhà trường, từ cấp tiểu học đến cấp trung học đều nhận được đề nghị của phụ huynh muốn tổ chức lớp học hè, mặc dù các thầy cô không hề muốn.

Cô cũng đưa ra lời khuyên, phụ huynh không nên chạy theo thành tích, chạy theo các lớp học giả tạo “mua điểm bán chữ” vô hình chung làm khổ cả phụ huynh, học sinh và giáo viên.

Theo Sở GD- ĐT Hà Nội, các trường không được ép học sinh học thêm trong dịp hè dưới bất kỳ hình thức nào, tuyệt đối không được dạy trước chương trình của năm học 2009-2010. Tuy nhiên, các trường không tổ chức thì cũng có hàng nghìn lớp học hè tại các trung tâm, tại nhà các thầy cô... vẫn hoạt động như thường. Và các bậc phụ huynh vì không có ai quản con, vì không muốn con cái thua bạn kém bè nên cũng tự nguyện đưa con đến học. Trong guồng quay ấy, không còn cách nào khác, các em từ lớp 1, 2 vẫn phải đến lớp như một học kỳ thứ 3 mà mình không thể không theo.

Không thể nói rằng việc học thêm tại các trung tâm đang nở rộ hiện nay với các em lớp 1, 2 là xấu, nhưng cũng không phải là hiệu quả cao như nhiều người vẫn nghĩ. Kiến thức thu được đã là nền tảng sẵn có của mỗi em, nếu con mình thực sự có khả năng thì không cần phải chạy đua học thêm, các em vẫn có thể nắm vững tốt bài trên lớp, còn nếu đã không có khả năng tiếp thu thì học thêm nhiều cũng không phải là bài toán khả thi.

Hà Huyền

Cơ hội học tập cho học sinh

Trung tâm mới hoạt động được vài năm gần đây nhưng đã thu hút được khá nhiều học sinh theo học. Hiện nay, đang vào dịp hè nhưng đã có 500-700 học sinh với đầy đủ các lớp từ tiểu học đến ôn thi đại học. Mặc dù vào ngày hè nhưng số lượng không hề giảm, ngược lại còn tăng do vào trong năm học, học sinh phải theo học các lớp ở trường. Thêm vào đó, ở nhà không có người quản lý nên nhiều bậc phụ huynh cho rằng chọn cho con một lớp học thêm là tốt nhất.

Nhưng các trường không được phép tổ chức học thêm trong dịp hè nên trung tâm đứng ra như một khâu trung gian: mời giáo viên giỏi tại các trường chuyên của Hà Nội như Amsterdam, Chu Văn An... phương tiện vật chất hiện đại, các phòng học đều có điều hòa, camera; lớp được phân chia theo trình độ, mỗi lớp đảm bảo chỉ từ 25-30 học sinh. Nhìn chung cả phụ huynh và học sinh đều khá hài lòng với cách học như vậy, hiện tại chưa có ý kiến kêu ca hay phàn nàn gì.

Nguyễn Thế Ngọc (Quản lý Trung tâm hocmai.vn)

Chúng em phải học quá nhiều

Năm nay em mới lên lớp 7 nhưng suốt những năm qua, không bao giờ em có ngày hè. Cả một năm học ở trường với lịch học không có gì thay đổi, sáng học ở trường, chiều học thêm, tối học với gia sư. Còn những ngày hè thì cũng phải cắp cặp đến các trung tâm hoặc nhà riêng của thầy cô.

Bố mẹ còn đặt ra mục tiêu em phải chinh phục được các chương trình ngoại ngữ IELTS, TOEFL hay SAT tại các trung tâm Anh ngữ nữa. Nhiều lúc em thấy mụ cả đầu, mệt đến rã rời, chẳng muốn làm gì nữa nhưng cũng phải cố. Em là niềm hy vọng lớn nhất của bố mẹ nên em không muốn bố mẹ buồn. Nhưng thực sự em và bạn bè thường nói chuyện với nhau là ao ước được ngủ dậy muộn một chút hoặc chỉ vài ngày thôi xả hơi ở quê. Nhưng chẳng biết đến bao giờ ước mơ đó mới thành hiện thực khi mà còn bao nhiêu năm học và kỳ thi ở phía trước. Đến khi không phải học nữa thì cũng hết tuổi thơ mất rồi.

Trần Văn Huy (học sinh trường Trung học cơ sở Giảng Võ)

Không nên cho con đi học hè quá sớm

Việc cho con đi học hè quá sớm theo ý kiến của tôi cả trên phương diện là giáo viên và phụ huynh học sinh đều không nên. Đến các trung tâm có thể có những thầy giáo dạy rất giỏi nhưng điều đó không có nghĩa là con mình cũng sẽ học giỏi mà thầy giáo phải là người phù hợp với trình độ hiểu biết của con, phải là người truyền dạy kiến thức tốt nhất cho con mình. Việc phụ huynh cứ đua nhau đi đến các trung tâm để học thêm hè, đặc biệt là các cháu ở lớp thấp như lớp 1,2 không khác gì một hình thức quảng cáo cho trung tâm.

Việc học tập của các cháu trong năm đã hết sức căng thẳng với cả học sinh và giáo viên thì rất nên có thời gian nghỉ hè để vui chơi, lấy lại cân bằng về tâm sinh lý. Và nếu có học thêm thì cũng phải tìm những người phù hợp với con mình, có hiệu quả hứng thú trong khi học chứ không nhất thiết phải chọn thầy cô có tiếng tăm. Trường Lê Ngọc Hân cũng là trường có sức ép rất lớn về bài kiểm tra chất lượng đầu năm, nhiều phụ huynh đề nghị giáo viên tổ chức học thêm cho các cháu nhưng chúng tôi cũng kiên quyết không dạy hè sớm, phải bắt đầu từ giữa tháng 7. Quan điểm của chúng tôi là chỉ học 1 tháng hè có hiệu quả là đủ còn hơn là học 3 tháng mà không hứng thú, tạo ra tâm lý sợ học cho các em.

Cô Đinh Phương Anh (trường THCS Lê Ngọc Hân, quận Hai Bà Trưng)