Nhịn quá hóa dở

ANTĐ - Quan hệ vợ chồng không phải lúc nào cũng “cơm lành canh ngọt”, cũng có lúc “xô bát xô đĩa” nhưng nhẫn nhịn chỉ tạo nên một sự bình yên giả tạo, không xóa được xung đột mà càng làm xung đột gay gắt thêm.

Bớt lửa vẫn khê

Anh Thắng (Nhật Tân, Tây Hồ) tính nóng như lửa. Hễ giận dỗi, cáu kỉnh điều gì là anh lại văng tục, đập phá đồ đạc. Chị Huyền vợ anh luôn được mẹ chồng nhắc nhở là phải nhịn, “cơm sôi bớt lửa ngàn đời chẳng khê”, vợ chồng đi đâu mà thiệt. Sau khi cáu giận anh lại làm hòa, hề hề cười chuộc lỗi nhưng chị Huyền vẫn mệt mỏi: “Anh ấy cứ nghĩ có thể chuộc lỗi lại bằng cách cười xòa cho qua. Nhưng làm sao có thể quên được các câu nói tục tằn, thô lỗ, chửi bới của anh ấy. Tôi xấu hổ với bà con hàng xóm. Các con tôi lớn lên, chúng sẽ nghĩ gì về bố, anh ấy dạy con thì làm sao chúng nghe. Tình cảm vợ chồng cũng rạn nứt”.

Thông thường, những ông chồng cho mình quyền “trụ cột gia đình” nên vợ con phải răm rắp tuân theo. Nếu vợ con làm trái ý là la lối om sòm, nạt nộ, đập phá khiến vợ con hoảng sợ. Nhưng nếu giận dữ thường xuyên, vô lối thì sự sợ hãi sẽ chỉ là bề mặt, đối phó. Trong suy nghĩ, vợ con sẽ dần coi thường chồng, ngấm ngầm phản kháng. Các bà vợ cũng dùng phương cách lấn lướt nhưng nhẹ nhàng, êm dịu hơn: hờn dỗi, đay nghiến, phàn nàn ngày đêm hoặc dùng nước mắt để chồng phải nhường bước. 

Giữa hai vợ chồng, nếu người này rút lui thì đương nhiên người kia ngày càng lấn lướt. Mô hình thường thấy trong các gia đình Á Đông là: người vợ lúc nào cũng im lặng, sẵn sàng chịu thiệt thòi, còn người chồng thì bắt nạt, áp chế và lấn lướt vợ. 

Tức nước vỡ bờ

Tuy nhiên rút lui, im lặng, không bày tỏ phản ứng hoặc chiều ý cho xong chuyện lại không phải cách để giải quyết vấn đề. Chúng chỉ tạo nên một sự bình yên giả tạo, không xóa được xung đột mà càng làm xung đột  gay gắt thêm, đào sâu sự khác biệt, khiến vợ chồng, con cái xa lánh nhau. Khi mỗi người rút lui vào vỏ ốc của chính mình thì gia đình chỉ còn là cái hang lạnh lẽo, u ám. Hơn nữa, các nhà nghiên cứu về bạo lực đã nhận thấy rằng nhường nhịn, cho qua là nguồn “thức ăn” béo bở, nuôi dưỡng bạo lực gia đình.

Bữa nọ, chị Huyền nhờ chồng đi mua mấy quả cà chua trong lúc anh đang xem bóng đá thế là anh nổi cơn thịnh nộ. Đống chén đĩa, lần lượt lao vun vút ra ngoài sân, vỡ tan tành. Cả cái quạt cây mới mua hơn một triệu đồng cũng bị anh xô vào xó nhà, gãy ngang. Trong lòng chán ngán, chẳng sợ hãi mà chỉ thấy coi thường, mệt mỏi, chị Huyền vớ lấy cái ti vi, từ tốn nói: “Anh để em đập cùng cho vui!”. Và chị làm thật. Sau này, chị tâm sự với bạn: “Mình vẫn nhớ mãi gương mặt thảng thốt của chồng khi mình bê cái ti vi thả xuống đất. Mắt chữ A, mồm chữ O nhìn mình trân trối rồi im thin thít, bê ti vi bỏ lên kệ, ra sân dọn dẹp đống đổ nát. Từ đó, anh ấy bỏ hẳn thói đập phá, nói năng cục súc. Lúc sắp sửa cáu kỉnh, mình lườm cho một cái là lại thôi. Có hôm còn vào phòng tắm gội đầu để hạ hỏa mới thương chứ”.

Lúc hai vợ chồng vui vẻ, chị Huyền gợi chuyện hỏi: “Anh có thấy việc đập phá của em khó coi không”. Chồng chị gật gù: “Công nhận, em “giỏi võ”. Anh chưa từng thấy em như vậy”. Chị “bồi thêm”: “Thế mà bao nhiêu năm tháng nay em phải chịu đựng sự nóng nảy của anh. Chán lắm. Nếu anh không cố kiềm chế thì sau này dạy dỗ con thế nào”. Anh lại cười hề hề: “Anh thấm thía lắm rồi!”.

“Nhún nhường là một đức tính tốt của phụ nữ Việt Nam. Tuy nhiên, nhường nhịn là không gây gổ, cãi vã khi chồng đang cơn nóng giận chứ không phải là lờ đi, coi như không có việc gì xảy ra. Muốn giữ được gia đình êm ấm thực sự, muốn giữ được sự tôn trọng của chồng, muốn khẳng định giá trị của mình, chị em cần phải bày tỏ chính kiến đúng đắn, thái độ kiên quyết với những hành vi xấu, đặc biệt là bạo lực gây tổn hại đến gia đình của chồng. Tùy tính cách của chồng mà lựa cách “vỡ bờ” hợp lý nhất nhưng chắc chắn không nên che đậy, bao biện cho hành vi bạo lực của chồng”. 

Bà Lê Thị Túy (Chuyên gia tâm lý Trung tâm tư vấn Tuổi trẻ hạnh phúc số 1 Chùa Láng)