Nhìn lại lùm xùm tại bộ môn quần vợt: Lỗi hệ thống

ANTĐ - Những lục đục tại bộ môn quần vợt vừa qua tốn không ít giấy mực của báo giới. Chuyên gia thể thao Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao đã chia sẻ với PV ANTĐ những câu chuyện xung quanh hàng loạt tồn tại trong quản lý, điều hành của bộ môn quần vợt nói riêng và TTVN nói chung.

Lùm xùm vừa qua tại bộ môn quần vợt được chỉ ra là do lỗi hệ thống


Công tác chuẩn bị hời hợt

Nguyên nhân sâu xa để xảy ra những khiếu nại về danh sách tham dự SEA Games 26 tại môn quần vợt đến từ việc lên danh sách. Do tiêu chí tuyển chọn không rõ ràng dẫn đến tranh cãi. Cụ thể là việc chọn ai, tham dự giải nào, chỉ tiêu huy chương ra sao… phải có kế hoạch kỹ lưỡng để từ đó điều chỉnh chế độ tập luyện, tập huấn, thi đấu cọ xát cho từng VĐV phù hợp.

Danh sách đội tuyển được quyết định bởi Tổng cục TDTT. Chính xác hơn là trưởng bộ môn chốt danh sách, dựa trên đánh giá chuyên môn của bản thân về từng VĐV và đề xuất của HLV trưởng, sau đó gửi lên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao. Đằng này ông trưởng bộ môn lại đổ trách nhiệm lên ông chủ tịch LĐQV TP.HCM là hoàn toàn sai. Ngoài ra, tay vợt Quốc Khánh nếu có thắc mắc thì nên trình bày với cơ quan chủ quản TP.HCM trước, không được mới trình bày tới bộ môn, liên đoàn và Tổng cục TDTT, chứ không nên vội vã chỉ trích trên báo chí.

Việc xác định nên hay không nên trẻ hóa đội hình tham dự SEA Games cần phải cân nhắc và thống nhất, chứ không phải lãnh đạo này nói cần trẻ hóa trong khi lãnh đạo kia lại bảo phải đề cao thành tích, các VĐV trẻ cho ở nhà… dẫn đến mập mờ trong công tác tuyển chọn. HLV trưởng ngoài việc am hiểu chuyên môn phải là người được các VĐV nể trọng, nếu không đạt 2 tiêu chí trên thì cần phải thay ngay. Nhìn vào cung cách quản lý hiện tại của bộ môn quần vợt, khó có thể hy vọng các VĐV được cử đi sẽ đều có chuyên môn và tâm lý tốt nhất. Như vậy khác gì chưa đấu đã tự thua.

Trốn tránh trách nhiệm

Để xảy ra những hậu quả đáng tiếc như vừa qua, lỗi đầu thuộc về lãnh đạo bộ môn và LĐQV. Đáng trách hơn là thay vì nhìn nhận và sửa sai, họ lại đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, vô hình trung làm trò cười cho thiên hạ. Thực tế, tại nhiều bộ môn còn xuất hiện bất cập trong công tác tuyển chọn VĐV tham dự các giải đấu lớn. Cụ thể là khi tham khảo ý kiến các đơn vị địa phương, họ đều muốn cho thật nhiều VĐV, HLV của mình tham dự nhằm lấy thành tích mà không có sự so sánh tương quan với các địa phương khác. Điều này đòi hỏi trưởng bộ môn phải công tâm, đánh giá chính xác năng lực VĐV nếu không sẽ ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia.

Một điều cần nói thêm đó là vai trò của trưởng bộ môn đang “nhạt” dần. Kể từ năm 2007, khi thay đổi cơ chế mới, chức danh trưởng bộ môn không còn tồn tại trong bộ máy hoạt động của Tổng cục TDTT (dù mọi người vẫn quen gọi). Trước kia, nhiệm vụ của trưởng bộ môn là tuyển chọn VĐV, tham mưu cho lãnh đạo ngành thể thao hướng phát triển của bộ môn mình, song nay, do vai trò bị giảm sút nên trách nhiệm, quyền hạn và cả cái tâm của trưởng bộ môn cũng vì đó mà thuyên giảm.

“Tôi không biết… Cái này có lẽ phải hỏi bên Liên đoàn, mà hình như các anh bên Liên đoàn cũng đi công tác hết cả rồi”, đó là trả lời của ông trưởng bộ môn quần vợt Đoàn Quốc Cường, khi được hỏi về việc chọn lại danh sách đội tuyển tham dự SEA Games. Không hiểu sao với cương vị trưởng bộ môn, là người có nhiệm vụ trực tiếp tuyển chọn mà ông Cường lại có kiểu trả lời thiếu trách nhiệm đến vậy.