Nhiều vấn đề cần được làm rõ

(ANTĐ) - “Không tham gia đứng lớp nhưng vẫn nhận tiền phụ cấp đứng lớp 35%, một số cá nhân trong Ban Giám hiệu (BGH) trường Tiểu học Quang Trung còn cho thuê địa điểm, tổ chức trông xe, nuôi nhốt chó tại trường gây nguy hiểm cho học sinh… khiến nhiều giáo viên và phụ huynh bức xúc”…

Tại trường Tiểu học Quang Trung (quận Đống Đa):

Nhiều vấn đề cần được làm rõ

(ANTĐ) - “Không tham gia đứng lớp nhưng vẫn nhận tiền phụ cấp đứng lớp 35%, một số cá nhân trong Ban Giám hiệu (BGH) trường Tiểu học Quang Trung còn cho thuê địa điểm, tổ chức trông xe, nuôi nhốt chó tại trường gây nguy hiểm cho học sinh… khiến nhiều giáo viên và phụ huynh bức xúc”…

Bỏ bếp ăn, mua cơm hộp

Trên đây là phản ánh của một số giáo viên hiện đang công tác tại trường Tiểu học Quang Trung (phố Đặng Tiến Đông, quận Đống Đa, Hà Nội). Họ còn cho biết thêm: “Mặc dù theo quy định, giáo viên tham gia giảng dạy trực tiếp được hưởng thêm 35% phụ cấp đứng lớp nhưng nhiều năm nay ông Nguyễn Đoàn Gia Ân (Hiệu trưởng), bà Nghiêm Thị Hằng Nga (Hiệu phó) không tham gia giảng dạy nhưng hàng tháng vẫn lĩnh số tiền trên. Không chỉ có vậy, từ khi về làm Hiệu trưởng trường, ông Ân đã cho bỏ bếp ăn bán trú mà đặt cơm hộp của doanh nghiệp bên ngoài không đảm bảo chất lượng vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe của các cháu…

Vào các buổi tối, BGH trường còn cho một số trung tâm thuê địa điểm học ngoại ngữ. Ông Ân còn sử dụng mặt bằng nhà trường cho bảo vệ nhận trông xe của người dân quanh khu vực, khách vãng lai, trông xe đám cưới, xe của nhà hàng gây ồn ào, ảnh hưởng đến sự an toàn việc dạy, học. Trong khuôn viên trường, tại khu vực gần cổng phụ, ông Ân còn cho nuôi 3 con chó dữ rất nguy hiểm cho học sinh, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường. Trong khi học sinh phải chuyển lên học tại phòng Hội đồng giáo viên trên tầng 2 thì tại tầng 1 có 1 phòng khá rộng lại được bố trí làm nơi chơi bóng bàn, gây bất tiện cho học sinh, khiến giáo viên không có chỗ họp hành, nghỉ ngơi…

BGH trường còn áp đặt chỉ tiêu vở sạch chữ đẹp trên 85% lớp đạt loại A thì mới xếp loại thi đua cho giáo viên (trong khi theo quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội chỉ là 70%). Trong bố trí nhân sự, một số người đã bị kỷ luật vẫn được cất nhắc lên vị trí lãnh đạo khiến một số giáo viên không đồng tình…

Không dạy vì sợ học sinh chán giáo viên!

Để làm rõ vấn đề trên, chiều 9-3 chúng tôi đã có mặt tại trường Tiểu học Quang Trung. Đúng như phản ánh của một số giáo viên, tại khu vực gần cổng phụ là một chuồng nuôi chó dữ. Nằm sát nhà vệ sinh tầng 1 là phòng đặt bàn bóng bàn với diện tích khá rộng. Theo một số phụ huynh, việc học sinh ăn cơm hộp đã diễn ra từ vài năm nay.

Giải thích việc không tham gia trực tiếp giảng dạy của một số cán bộ trong BGH, ông Ân giải thích: “Toàn trường có 18 lớp với 40 cán bộ công nhân viên nên vẫn thừa ra 3 giáo viên. Tuy không trực tiếp giảng dạy nhưng tôi vẫn tham gia những tiết sinh hoạt tập thể, chào cờ… còn Hiệu phó thì được giao làm các chuyên đề… Do đặc thù của cấp tiểu học, nếu bố trí 1, 2 giáo viên dạy xen kẽ vài tiết sẽ rất phức tạp, ảnh hưởng đến việc học của học sinh. Bởi có thể thầy Hiệu trưởng dạy hay quá sẽ khiến học sinh chê giáo viên dạy hàng ngày”!

Còn về việc cho học sinh bán trú ăn cơm hộp, chủ trương của trường là tập trung giáo dục học sinh, việc chăm nuôi chỉ là giúp đỡ một bộ phận phụ huynh không có điều kiện chăm con vào buổi trưa. Tuy vậy, việc nấu ăn tại trường sẽ gây mất thời gian, ảnh hưởng đến công tác quản lý, giáo dục học sinh… Do vậy, từ năm học 2007-2008, sau khi thống nhất trong nhà trường và được sự nhất trí của hội phụ huynh, trường đã ký hợp đồng với một công ty cung cấp cơm hộp hàng ngày cho học sinh học các lớp bán trú. Việc ăn bán trú do gia đình học sinh tự nguyện đăng ký, nhà trường tổ chức kiểm tra bữa ăn thường xuyên nên chưa có trường hợp nào bị ngộ độc thực phẩm.

Cũng theo ông Ân, do diện tích trường rộng, địa bàn phức tạp lại chỉ có 2 bảo vệ nên để đảm bảo an ninh, nhà trường nuôi chó trong trường. Chó được nhốt hàng ngày, thả ra vào ban đêm nên không ảnh hưởng đến sự an toàn của học sinh. Cũng do đặc thù nhân sự, ngoài 2 bảo vệ  hưởng lương từ UBND quận, trường đã ký hợp đồng với 2 bảo vệ khác để đảm bảo an ninh. Với mục đích nâng cao đời sống cho bảo vệ, một phần đóng góp vào quỹ cải thiện đời sống giáo viên, BGH đã cho công đoàn tổ chức bảo vệ trông xe với điều kiện: Tổ bảo vệ được trông thêm xe máy, xe đạp của nhà dân và giáo viên vào ban đêm (trên dưới 5 xe), trông xe đột xuất khi có lễ hội tổ chức tại gò Đống Đa và phường. Số tiền này được nhập vào quỹ công đoàn. Khu vực trông xe không  liên quan tới  sân trường và lớp học của học sinh.

Ngoài ra, ông Ân cho biết, hai tháng gần đây, nhà trường đã cho 2 trung tâm ngoại ngữ thuê một góc bếp không sử dụng làm 2 phòng nhỏ để tuyển sinh. Ngoài ra, một số phòng cho thuê học ngoại ngữ được tổ chức vào buổi tối nhằm thu phí góp phần cải thiện đời sống giáo viên. Phòng đang đặt bàn bóng bàn trước đây là kho, nay có thể coi là phòng tổng hợp, vừa là nơi tập thể dục cho học sinh khi trời mưa, vừa là phòng nghỉ của giáo viên để xem lịch công tác. Chỉ tiêu 85% vở sạch chữ đẹp, nhà trường thực hiện theo văn bản của Phòng GD-ĐT quận Đống Đa căn cứ trên thành tích năm học trước của các lớp trong nhà trường chứ không phải do BGH tự đặt ra ép các lớp phải thực hiện.

Để giáo viên và phụ huynh yên tâm và đảm bảo chất lượng dạy và học tại trường Tiểu học Quang Trung, đề nghị Phòng GD-ĐT quận Đống Đa cần nhanh chóng kiểm tra, xem xét và có kết luận chính xác về các vấn đề trên!

Huệ Linh