Nhiều phương án đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Đại tá Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc CATP Hà Nội vừa ký Kế hoạch “Kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và đấu tranh phòng, chống tội phạm hoạt động trên các tuyến đường sắt quốc gia thuộc địa bàn thành phố năm 2022”.
Công tác đảm bảo TTATGT, TTXH trên các tuyến đường sắt đi qua địa bàn Thủ đô luôn được các lực lượng chức năng thực hiện hiệu quả

Công tác đảm bảo TTATGT, TTXH trên các tuyến đường sắt đi qua địa bàn Thủ đô luôn được các lực lượng chức năng thực hiện hiệu quả

Theo đồng chí Phó Giám đốc CATP Hà Nội, Kế hoạch nhằm tăng cường lực lượng, phối hợp kiểm tra, phát hiện, xử lý đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm về TTATGT đường sắt; phát hiện những sai phạm, sơ hở thiếu sót trong công tác bảo đảm TTATGT đường sắt để kịp thời kiến nghị các cấp có thẩm quyền có biện pháp khắc phục những sai phạm trong công tác bảo đảm TTATGT đường sắt; gắn trách nhiệm cụ thể đối với từng tổ chức, cá nhân, góp phần phòng ngừa, kiềm chế tai nạn giao thông trên 6 tuyến đường sắt Quốc gia đi qua địa bàn thành phố…

Đấu tranh mạnh tội phạm trên tuyến đường sắt

Kế hoạch “Kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và đấu tranh phòng, chống tội phạm hoạt động trên các tuyến đường sắt Quốc gia thuộc địa bàn thành phố năm 2022”, Giám đốc CATP giao các đơn vị chức năng CATP chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, đấu tranh với hoạt động của các loại tội phạm trên tuyến giao thông đường sắt và các vụ vận chuyển hàng cấm, hàng lậu…, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội đường sắt trên địa bàn thành phố.

Công an Hà Nội luôn đảm bảo ANTT, TTATXH, TTATGT trên các tuyến đường sắt đi qua địa bàn thành phố

Công an Hà Nội luôn đảm bảo ANTT, TTATXH, TTATGT trên các tuyến đường sắt đi qua địa bàn thành phố

Chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, đấu tranh với hoạt động của các loại tội phạm trên tuyến giao thông đường sắt và các vụ vận chuyển hàng cấm, hàng lậu… góp phần bảo đảm ANTT, TTATXH đường sắt trên địa bàn thành phố.

Cùng với đó, các đơn vị CATP tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp giữa Cục cảnh sát giao thông, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về TTXH - Bộ Công an với Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng Công ty đường sắt Việt Nam - Bộ GTVT trong công tác đảm bảo TTATGT đường sắt; Quy chế phối hợp giữa Tổng Công ty đường sắt Việt Nam và CATP Hà Nội trong công tác đảm bảo ANTT, TTATGT đường sắt trên địa bàn thành phố.

“Cán bộ, chiến sỹ trong khi làm nhiệm vụ bảo đảm TTATGT đường sắt phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm Điều lệnh CAND, quy trình công tác; ứng xử có văn hóa trong giao tiếp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đảm bảo TTATGT” - Đại tá Nguyễn Hồng Ky nhấn mạnh.

Xử lý nghiêm vi phạm

Hoạt động kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về TTATGT đường sắt được các đơn vị chức năng CATP Hà Nội thực hiện như sau:

Kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về quy tắc giao thông và đảm bảo TTATGT đường sắt, trong đó tập trung các nhóm vi phạm: Dừng, đỗ, quay đầu xe tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, trong phạm vi an toàn đường ngang, cầu chung; Không chấp hành hiệu lệnh của biển báo hiệu, vạch kẻ đường khi đi qua đường ngang, cầu chung, vượt rào chắn đường ngang, cầu chung khi chắn đang dịch chuyển; Vượt đường ngang, cầu chung khi đèn đỏ đã bật sáng; Không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của nhân viên gác đường ngang, cầu chung; Đi, đứng, nằm, ngồi hoặc hành vi khác trên đường sắt, trong hầm, cầu dành riêng cho đường sắt; Để phương tiện giao thông đường bộ, thiết bị, vật liệu, hàng hóa trên đường sắt, trong phạm vi khổ giới hạn tiếp giáp kiến trúc đường sắt.

Những hành vi vi phạm khi qua đường ngang sẽ bị xử lý nghiêm

Những hành vi vi phạm khi qua đường ngang sẽ bị xử lý nghiêm

Trong quá trình làm nhiệm vụ đảm bảo TTATGT đường sắt tại vị trí các đường ngang trên địa bàn thành phố, ngoài việc kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về TTATGT đường sắt, khi phát hiện các hành vi vi phạm về giao thông đường bộ tại vị trí làm nhiệm vụ như: Không đội mũ bảo hiểm; Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; Chở hàng quá tải trọng, quá khổ, giới hạn, tự ý cải tạo phương tiện; Dừng, đỗ sai quy định và các hành vi vi phạm khác có liên quan đến công tác đảm bảo TTATGT đường sắt hoặc diễn ra, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến ùn, tắc và tai nạn giao thông thì kịp thời ngăn chặn, lập hồ sơ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Ngoài các nội dung thực hiện nêu trên, các đơn vị chức năng CATP có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm quy định về kết cấu hạ tầng đường sắt; Vi phạm quy định về bảo vệ công trình đường sắt; Vi phạm quy định xây dựng công trình, khai thác tài nguyên và các hoạt động khác ở vùng lân cận phạm vi bảo vệ công trình đường sắt; Vi phạm quy định về kết nối các tuyến đường sắt…

Kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về kinh doanh vận tải đường sắt như: Chở quá số người, quá tải trọng trên toa xe; Không chấp hành nội quy đi tàu; Gây mất trật tự an toàn trên tàu, dưới ga; Xếp hàng và gia cố hàng trên toa xe; Buôn lậu, gian lận thương mại; Vận chuyển chất cháy, chất nổ, thuốc lá lậu, rượu lậu, động vật sống không đúng quy định; Bán hàng rong trên tàu, dưới ga; Không chấp hành nội quy đi tàu; Ném đất đá từ trên tàu xuống; Mang theo động vật có dịch bệnh, chất dễ cháy, nổ, vũ khí, hàng nguy hiểm vào ga, lên tàu trái quy định.

Ngoài ra, Giám đốc CATP Hà Nội giao nhiệm vụ cho các đơn vị chức năng của CATP cần chủ động phối hợp đấu tranh mạnh với các loại tội phạm hoạt động trên các tuyến đường sắt.

Theo đó, các đơn vị chủ động nắm chắc tình hình hoạt động của các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật tại các khu vực nhà ga và trên các tuyến đường sắt; thông qua hoạt động kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, phối hợp bắt giữ các loại tội phạm và các vi phạm pháp luật khác.

Từng đơn vị có nhiệm vụ tổ chức quán triệt cho CBCS nắm vững các quy định của pháp luật về vận chuyển hành lý, bao gửi, hàng hóa trên đường sắt quốc gia; quy trình kiểm tra, tạm giữ và xử lý đối với hàng hóa vi phạm. Sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, chủ động trao đổi thông tin với các lực lượng chức năng về hoạt động của các đối tượng vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả; chủ trì hoặc phối hợp kiểm tra, tạm giữ, xử lý theo quy định.