Nhiều người dùng Facebook dễ dàng bị đánh lừa vì nhầm lẫn hiệu ứng BFF

ANTD.VN - Ngày 21-3, nhiều người dùng Facebook đã chia sẻ hình ảnh cảnh báo, trong đó nói rằng “nếu gõ bình luận chữ BFF ra màu đen thì đang bị… ai đó theo dõi, hoặc hack”. Tuy nhiên, thực sự BFF chỉ đơn giản là một hiệu ứng trên Facebook, không hề liên quan gì tới bảo mật.

“Hãy bình luận chữ BFF: Nếu chữ màu xanh thì Facebook của bạn đã được bảo vệ. Nếu chữ màu đen thì Facebook của bạn đã bị ai đó theo dõi hoặc bị ai đó hack, hãy đổi ngay pass” là nội dung thông tin “cảnh báo” đang được không ít người dùng mạng xã hội Facebook chia sẻ hiện nay.

Nhiều người làm theo, và thấy đúng là dòng chữ BFF “lúc xanh, lúc đen”, do vậy, họ càng thêm nghi ngờ và… tin tưởng. Tuy nhiên, ít người đặt ra câu hỏi “BFF là gì?”, và tại sao Facebook lại có hình thức kiểm tra bảo mật “ngô nghê” như vậy.

Hình ảnh chứa thông tin giả mạo lan truyền nhanh trên mạng

Theo tìm hiểu của PV, "BFF" là từ viết tắt của "Best Friend Forever" (tạm dịch: Mãi mãi là bạn tốt) hoặc "Best Facebook on Friend"(tạm dịch: Bạn tốt nhất trên Facebook).

Mạng xã hội Facebook tạo hiệu ứng BFF để khi người dùng gõ thông tin chia sẻ trạng thái hoặc bình luận và có cụm BFF thì hiệu ứng này sẽ biến phần văn bản thành màu xanh, nếu bấm chuột vào thì Facebook sẽ hiển thị hiệu ứng 2 bàn tay tung lên vỗ vào nhau.

BFF hoàn toàn tương tự như các hiệu ứng khác trên Facebook, chẳng hạn như hiệu ứng “Chúc mừng” (khi bấm vào sẽ xuất hiện màu cam, và 2 trái bóng bay xuất hiện). Việc một số người gõ BFF mà không hiện màu xanh chỉ có thể giải thích là do Facebook chưa nhận diện được ký tự để tạo hiệu ứng như đã lập trình sẵn.

Thông tin giả xuất phát từ nguồn nước ngoài?

Như vậy, có thể thấy những thông tin cảnh báo BFF có liên quan tới… bảo mật tài khoản trên Facebook hoàn toàn là nhảm nhí. Nhiều người dùng Facebook tỏ ra chủ quan và không tìm hiểu kỹ, nên đã bị “mắc bẫy”. Mặc dù thông tin giả này không gây hại, song nó chứng tỏ việc “đặt bẫy” trên internet rất dễ dàng.

Nhiều người dùng Facebook trở thành nạn nhân của thông tin giả về BFF

Trước đó, người dùng MXH này cũng từng chia sẻ nhiều tin giả thiếu kiểm chứng, như video em bé “cất tiếng kêu như tiếng chó sủa”, và cho rằng đó là em bé bị… chó cắn, phát cơn dại.

Tin giả đang là vấn nạn khiến nhiều nước trên thế giới “đau đầu”, và cần có sự chung tay của người dùng MXH để ngăn chặn. Có lẽ hơn lúc nào hết, người dùng MXH cần thực sự trở thành “người dùng thông thái, tỉnh táo” để không chịu ảnh hưởng tiêu cực từ tin giả.