Nhiều ngân hàng tiếp tục giảm mạnh lãi suất huy động

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Từ cuối tháng 8 cho đến đầu tháng 9, nhiều ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Lãi suất các kỳ hạn ngắn thậm chí đã xuống dưới 3%/năm, thấp hơn nhiều so với trần quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng TMCP Kỹ Thương (Techcombank - TCB) vừa công bố biểu lãi suất huy động vốn dành cho khách hàng cá nhân, áp dụng từ ngày 1/9/2020. Theo đó, lãi suất tại nhiều kỳ hạn tiếp tục giảm mạnh so với trước đó.

Trong đó, đối với kỳ hạn 1 tháng, ngân hàng này giảm mạnh lãi suất về chỉ còn 2,85%/năm đối với tiền gửi dưới 1 tỷ đồng, khoản tiền gửi trên 3 tỷ đồng cũng chỉ được hưởng lãi suất 3,2%/năm. So với mức lãi suất áp dụng trước đó, kỳ hạn này đã giảm từ 0,2 đến 0,45%/năm.

Tương tự, lãi suất kỳ hạn 2 – 5 tháng cũng được ngân hàng này điều chỉnh giảm 0,2-0,35 điểm phần trăm xuống còn 3,05-3,4%/năm tùy số tiền gửi. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng giảm mạnh 0,4%/năm xuống còn 4,6-5,1%/năm;

Thậm chí, đối với kỳ hạn 12 tháng tại Techcombank cũng giảm xuống dưới 5,0%/năm. Theo đó, với số tiền gửi dưới 1 tỷ, lãi suất chỉ còn 4,6%/năm, trên 3 tỷ chỉ còn 4,9%/năm. Đối với khách hàng ưu tiên, lãi suất tối đa cho kỳ hạn này cao nhất cũng chỉ là 5,2%/năm.

Đáng nói, với các kỳ hạn dài (trên 18 tháng) mức lãi suất cao nhất được áp dụng cho khách hàng thường chỉ dao động từ 4,95 – 5,5%/năm tùy số tiền gửi; với khách hàng ưu tiên lãi suất không quá 5,6%/năm.

Trong khi đó, ở hình thức tiết kiệm online cũng được điều chỉnh giảm mạnh, tuy nhiên có mặt bằng cao hơn khá nhiều so với tiết kiệm tại quầy với mức cộng lãi suất từ 0,4% cho đến hơn 1%/năm.

Không chỉ Techcombank, trước đó, trong tháng 8, hàng loạt ngân hàng lớn và tầm trung cũng đã giảm lãi suất huy động.

Mặt bằng lãi suất huy động đã giảm mạnh so với đầu năm

Mặt bằng lãi suất huy động đã giảm mạnh so với đầu năm

Chẳng hạn, tại Vietcombank, Vietinbank, BIDV, lãi suất cao nhất được áp dụng cho các kỳ hạn dài chỉ dao động quanh 6,0 – 6,1%/năm. Các kỳ hạn dưới 6 tháng dao động từ 3,5 – 3,8%/năm.

Tại các ngân hàng tầm trung và nhỏ, mặt bằng lãi suất cũng giảm mạnh. Tại HDBank, biểu lãi suất áp dụng từ ngày 28/8, mức lãi suất từ 1-5 tháng áp dụng mức 3,8%/năm; 6 -11 tháng 6,0%/năm; các kỳ hạn 12, 13, 15, 18 tháng mức lãi suất phổ thông dao động quanh 6,6 – 6,7%/năm; kỳ hạn 24 – 36 tháng là 6,3%/năm. Riêng kỳ hạn 12 và 13 tháng với số tiền gửi trên 100 tỷ đồng được áp dụng lãi suất lần lượt là 7,4 và 7,5%/năm.

Tương tự tại TPBank, biểu lãi suất áp dụng từ 15/8, mức lãi suất cao nhất được áp dụng với tiết kiệm thường là 6,7%/năm đối với kỳ hạn 18 và 36 tháng. Kỳ hạn 9 tháng là 6,1%/năm, 6 tháng 5,9%/năm, dưới 6 tháng 3,65%/năm. Đối với tiết kiệm online, mức lãi suất cao hơn 0,1%/năm.

Tại ngân hàng vốn có mặt bằng lãi suất cao nhất thị trường là VietCapitalBank, nếu như hồi đầu năm lãi suất đẩy lên đến 8,6 – 8,7%/năm thì đến thời điểm này, mức lãi suất cao nhất chỉ còn 7,7%/năm đối với tiết kiệm tại quầy và chỉ dành cho kỳ hạn dài 60 tháng; 7,6%/năm với kỳ hạn 48 tháng; 7,5%/năm với kỳ hạn 36 tháng.

Kỳ hạn 15, 18 và 24 tháng giảm mạnh nhất với mức giảm từ 1,5 – 1,9%/năm, về chỉ còn quanh 6,9 – 7%/năm.

Tuy nhiên với các kỳ hạn ngắn, ngân hàng này duy trì mức lãi suất khá cao so với mặt bằng chung, quanh 4,0 – 4,1%/năm (1-5 tháng) và 6,5%/năm (6 tháng).

Theo các chuyên gia, sở dĩ mặt bằng lãi suất giảm mạnh là do thanh khoản các ngân hàng dư thừa trong bối cảnh tín dụng tăng chậm khi các doanh nghiệp vẫn chưa có nhu cầu vốn để phục hổi sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, quy định lùi thời hạn siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn cũng khiến nhu cầu vốn trung và dài hạn không còn quá cấp thiết với các ngân hàng trong thời điểm này.