Nhiều ngân hàng có thể được nới "room" tín dụng, lãi suất khó giảm thêm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhiều nhận định cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, sớm nới “room” tín dụng cho một số ngân hàng, tuy nhiên mặt bằng lãi suất sẽ khó có dư địa giảm.

Trong báo cáo mới về ngành ngân hàng, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nâng dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2021 từ 10% lên 12%.

Theo KBSV, với việc tốc độ triển khai tiêm chủng vaccine tại các thành phố lớn diễn ra nhanh hơn dự kiến, dịch bệnh dần được kiểm soát, các quy định giãn cách xã hội dần được gỡ bỏ và ít có khả năng thắt chặt trở lại, nhu cầu vốn trong nền kinh tế sẽ sớm hồi phục tương ứng với sự phục hồi ở lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng.

Trong khi đó, báo cáo tài chính quý III của các ngân hàng công bố cho thấy chất lượng tài sản của các ngân hàng thương mại - dù cần thêm một vài quý để đánh giá chính xác - song không chịu ảnh hưởng quá lớn bởi đợt giãn cách xã hội vừa qua. Đây sẽ là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước sớm cấp thêm "room" tín dụng cho các ngân hàng có chất lượng tài sản và chỉ số an toàn tốt.

Nhiều ngân hàng có thể sẽ sớm được Ngân hàng Nhà nước nới "room" tín dụng

Nhiều ngân hàng có thể sẽ sớm được Ngân hàng Nhà nước nới "room" tín dụng

Đồng quan điểm, Bộ phận nghiên cứu Công ty Chứng khoán SSI (SSI Reseach) cũng cho rằng Ngân hàng Nhà nước tiếp tục khẳng định chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ được thực hiện trong thời gian tới. SSI Research cũng kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm nới hạn mức tín dụng đối với các ngân hàng có chất lượng tài sản và các chỉ số an toàn tốt.

Nhờ vậy, SSI Reseach cho rằng mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ được duy trì ở mức thấp như hiện tại. Cụ thể, lãi suất huy động dao động từ 3 - 4% đối với kỳ hạn dưới 6 tháng; 3,7 - 5% đối với kỳ hạn 6 - 12 tháng và 4,2 - 6,5% đối với kỳ hạn trên 12 tháng. Trong khi lãi suất cho vay dao động từ 5 - 7% đối với khoản vay ngắn hạn và 9-11% đối với khoản vay trên 12 tháng.

Về khả năng giảm thêm lãi suất, KBSV cho rằng dù chính sách tiền tệ hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục được duy trì với lãi suất điều hành ở mức thấp, room tín dụng dự kiến sớm được nới trong thời gian tới, song sẽ còn rất ít dư địa để mặt bằng lãi suất giảm thêm trong bối cảnh áp lực lạm phát là hiện hữu.

Bên cạnh đó, rủi ro nợ xấu gia tăng trong một vài quý tới khi các khoản vay dần đáo hạn là yếu tố khiến các ngân hàng thương mại cần duy trì một mức tỷ lệ biên lãi thuần (NIM) cao để có dư địa trích lập dự phòng, kéo theo đó lãi suất cho vay khó có thể giảm thêm.

Theo thống kê, tính đến 29/10, tín dụng toàn nền kinh tế đạt 9.994.371 tỷ đồng, tăng 8,72% so với đầu năm (cùng kỳ năm 2020 tăng 6,48%). Riêng khu vực Hà Nội, tăng trưởng tín dụng đạt 2.433.000 tỷ đồng, tăng 1% so với tháng trước và tăng 10,4% từ đầu năm. Tín dụng phản ánh sự phục hồi của nền kinh tế sau khi mở cửa trở lại, với các chỉ số sản xuất IIP, PMI và doanh thu bán lẻ đều tăng lên trong tháng 10.

Số liệu từ báo cáo tài chính các ngân hàng thương mại, tính đến hết quý III, tăng trưởng tín dụng nhóm các ngân hàng niêm yết đạt 7,7%, trong đó nhóm Nhà nước (ngoại trừ Agribank) tăng trưởng khá tốt (7,8% so với đầu năm) và nhóm tư nhân tăng trưởng tích cực hơn (8,8% từ đầu năm).

Một số ngân hàng thương mại có mức tăng trưởng cho vay khách hàng tốt trong 9 tháng bao gồm Techcombank, TPBank, VIB, LienVietPostBank, MB và MSB.

Tăng trưởng mảng trái phiếu doanh nghiêp đóng góp nhiều vào mức tăng tín dụng 9 tháng ở nhiều ngân hàng như Techcombank, VPBank, MB, TPBank. Mức tăng tín dụng 9 tháng tại các ngân hàng đã tiệm cận với hạn mức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp mới trong quý III.