Nhiều mặt hàng thiết yếu tăng giá, sức mua vẫn thấp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Từ giữa tháng 3 vừa qua, nhiều mặt hàng thiết yếu đặc biệt là rau xanh, thực phẩm chế biến sẵn đã tăng giá khá mạnh. Sức mua ở thời điểm hiện tại đã có dấu hiệu lạc quan hơn. 
Sức mua chưa cao, người tiêu dùng vẫn tập trung cho hàng hóa thiết yếu

Sức mua chưa cao, người tiêu dùng vẫn tập trung cho hàng hóa thiết yếu

Cụ thể, một số mặt hàng tươi sống, rau củ quả và hàng tiêu dùng chế biến sẵn bắt đầu tăng theo giá xăng dầu.

Cụ thể, giá trứng gà ta 30.000 đồng/chục, tăng 4.000-5.000 đồng so với đầu tháng; trứng gà công nghiệp có giá 22.000 đồng/chục, tăng 4.000 đồng. Đường trắng có giá 22.000 đồng/kg, tăng 7.000 đồng.

Tăng mạnh nhất là mặt hàng dầu ăn, theo đó giá dầu ăn Meizan Gold trước giá 62.000 nghìn đồng/can 2 lít tăng lên 102.000 nghìn đồng/ can; dầu ăn Simply từ 48.000-52.000 đồng/chai 1 lít nay đã lên tới 64.000-68.000 đồng/chai.

Bên cạnh đó, các mặt hàng mì ăn liền, thực phẩm chế biến sẵn… cũng tăng giá. Nhóm hàng hóa mỹ phẩm dù tăng thấp hơn nhưng cũng ở mức từ 2 - 10% tùy loại, mặt hàng sữa tăng khoảng 5%. Các loại nguyên liệu pha chế, nước uống cũng cho biết từ giữa tháng 4 sẽ điều chỉnh giá bán với mức tăng 25% so với giá niêm yết hiện nay.

Đáng chú ý là mức tăng trên được ghi nhận ở nhiều loại hàng hóa đã được giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8% từ ngày 1-2-2022. Trong khi đó, các mặt hàng khác như: thịt lợn, thịt gà, tôm, cá, gia vị… giá tương đối ổn định. Nguồn cung hàng hóa tiêu dùng tương đối dồi dào.

Theo Bộ Công Thương, hoạt động thương mại dịch vụ đã từng bước khôi phục, thị trường hàng hóa và đời sống của người dân dần ổn định, các điểm bán lẻ, hệ thống phân phối, nhà hàng, khách sạn, hàng quán kinh doanh ăn uống… đã mở cửa trở lại toàn hệ thống; các cơ sở kinh doanh bán hàng song song cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Do đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ gia tăng tháng 3 đạt 438.000 tỷ đồng, tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 9,2%).

Tính chung quý I-2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 1.318.000 tỷ đồng, tăng 4,4%, nếu loại trừ yếu tố giá, tăng 1,6% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 2%).

Tuy vậy, Bộ Công Thương cho rằng: “Hàng hóa dồi dào nhưng sức mua vẫn còn yếu. Tiêu thụ hàng hóa của người dân vẫn chủ yếu tập trung vào hàng hóa thiết yếu như: hàng lương thực, thực phẩm, vật phẩm văn hóa giáo dục và phương tiện đi lại (mức tăng từ 5,4-11%), trong khi các nhóm hàng may mặc và đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình đều giảm (từ 3,6 - 4,9%)”.

Theo Bộ Công Thương, xu hướng tăng giá của nhiều loại hàng hóa trong năm nay và lạm phát kỳ vọng có thể khiến người dân có xu hướng tiết kiệm chi tiêu.

Dự báo về thị trường trong nước những tháng tới, đại diện Bộ Công Thương cho hay, cầu nội địa sẽ phục hồi và gia tăng dần. Sự tích cực này được đánh giá dựa trên việc nước ta đã đạt tỷ lệ tiêm phòng tương đối cao, đảm bảo người tiêu dùng có thể tham gia thị trường mua sắm an toàn hơn; Việc mở cửa du lịch trở lại sẽ kích thích mua sắm, tiêu dùng; Bên cạnh đó, triển vọng về tiêu dùng trong nước sẽ sáng sủa hơn do sản xuất phục hồi, người lao động trở lại làm việc, thu nhập gia tăng.

Vì vậy, Bộ Công Thương nhấn mạnh, cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong điều hành giá để kiểm soát giá cả hàng hóa đầu vào, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn các hoạt động găm hàng, đầu cơ, thao túng giá; Phối hợp với Sở Công Thương các địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt để kịp thời có biện pháp điều hành hoặc có kiến nghị, đề xuất hợp lý nhằm bình ổn thị trường.