Nhiều lãnh đạo hứa thưởng SEA Games "mông lung như một trò đùa"

ANTD.VN - Kết thúc SEA Games 29, khi các VĐV nghĩ về các khoản tiền thưởng sau thời gian dài khổ luyện, cống hiến thì cựu "nữ hoàng tốc độ" Vũ Thị Hương đăng dòng chia sẻ đầy cảm xúc gửi "các bác họ hứa".

Chia sẻ trên trang mạng cá nhân, Vũ Thị Hương (VĐV điền kinh giải nghệ sau SEA Games 2013) nói về những lần cô nhận về những lời hứa hão từ phía lãnh đạo đơn vị chủ quản cũng như từ các doanh nghiệp.

"Có bác hứa trước khi cháu đi thi đấu, có bác hứa sau khi cháu chiến thắng. Nào là nếu lần này chiến thắng sẽ có thưởng... Lúc đấy cháu mừng lắm và thầm nghĩ trong bụng, có chết cũng phải hết mình. Thế rồi, sau khi tưng bừng hết niềm vui này đến chồng chất niềm vui khác. Cuối cùng cháu cứ dài cổ đợi, hết ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng nọ rồi bao kì SEA Games đã đi qua mà phần thưởng của các bác vẫn không đến tay", nữ VĐV giành 6 HCV SEA Games chia sẻ.

Vũ Thị Hương chia sẻ về chuyện "thưởng hão" cho những huy chương tại SEA Games

Chọn thời điểm kỳ SEA Games 29 kết thúc để viết những dòng tâm sự trên, Vũ Thị Hương mong muốn các mạnh thường quân đã hứa hẹn với những VĐV giành huy chương tại SEA Games 29 biết giữ lời hứa bởi: "các cháu tập luyện, thi đấu vất vả lắm".

Vũ Thị Hương không nêu đích danh "các bác hứa hão" bởi theo cô có nhiều người vẫn còn đang công tác trong ngành thể thao nên không muốn nhắc tên. Cô chỉ muốn nhắc nhở mọi người nên cân nhắc và có trách nhiệm với lời hứa của mình với VĐV, đồng thời để không phải có thêm những VĐV rơi vào trường hợp cô từng trải qua.

Thực tế, chuyện treo thưởng trước mỗi kỳ SEA Games là rất cần thiết để động viên tinh thần VĐV trước khi thi đấu. Hình thức thưởng cũng muôn hình vạn trạng, từ tiền mặt, tới hiện vật như ô tô, xe máy, căn hộ... cho tới những đãi ngộ đặc thù như sẽ hưởng chế độ đặc biệt trong khoảng thời gian nhất định, được nhận vào biên chế, được giữ lại làm HLV sau khi giải nghệ...

Song theo một cựu lãnh đạo ngành thể thao từng tham gia nhiều kỳ SEA Games (xin giấu tên), thì ngoài các hợp đồng "cứng", tức là có ký kết giấy trắng mực đen và quy định thưởng theo khung của Nhà nước, các kiểu treo thưởng nói miệng là rất mông lung. 

"Có người hứng lên nói cho sướng, nhưng sau khi VĐV đạt được thành tích đó thì lại trốn mất tăm, hoặc nói "tôi có hứa đâu". Nhiều VĐV có đóng góp lớn cho thể thao địa phương, được lãnh đạo hứa cho vào biên chế nhưng cứ mòn mỏi chờ dài cổ chưa được. Đôi khi họ muốn tìm tới đầu quân cho địa phương khác có chế độ lương thưởng cao hơn nhưng chỉ vì lời "hứa hão" là "sẽ cho vào biên chế" mà phải chịu ở lại tiếp tục đợi chờ", vị này nói.

Không chỉ Vũ Thị Hương, mới đây VĐV thể hình thi đấu cho Đà Nẵng Phạm Kim Nhân - HCV giải thể hình châu Á 2015 - đã có những tiết lộ gây sốc về chuyện thưởng sau những tấm HCV mà anh đổ mồ hôi để có.

Nhiều lãnh đạo hứa thưởng SEA Games "mông lung như một trò đùa" ảnh 2

Nhà vô địch ABG Phạm Kim Nhân chia sẻ trên trang cá nhân

"Đại hội thể thao bãi biển châu Á ABG 5 vừa qua, tất cả các VĐV đoạt giải đều bị cắt tiền thưởng. Trước giải, ban lãnh đạo hứa hẹn là "VĐV nào đoạt giải tại ABG 5 sẽ được hưởng tiền thưởng trợ cấp suốt 2 năm liền". Tôi được HCV thì tính ra trong 2 năm tôi sẽ lãnh được tổng cộng gần 200 triệu. Nhưng khi giải đấu kết thúc, đoàn VĐV Việt Nam đứng đầu bảng tổng sắp huy chương với quá nhiều huy chương vàng bạc và đồng. Ban lãnh đạo lại bảo rằng các môn thi tại giải Châu Á ABG 5 không thuộc danh sách môn thi đấu hưởng tiền thưởng trợ cấp gì cả", nhà vô địch ABG chia sẻ trên trang cá nhân.

Cũng vì chuyện tiền thưởng nhập nhèm này là một trong những lý do mới đây Phạm Kim Ngân đã tự nguyện viết đơn xin nghỉ thi đấu cho Đà Nẵng.