- Trọng trách lớn trên vai
- Sẽ chuyển từ Quốc hội tham luận sang Quốc hội tranh luận
- Quốc hội hành động vì hạnh phúc nhân dân
Cụ thể, sáng nay (25-7), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình bày Tờ trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước. Quốc hội tiến hành thảo luận tại đoàn về nội dung này và bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín trong chiều cùng ngày. Ngày 26-7, Chủ tịch nước vừa được bầu sẽ trình bày Tờ trình về dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ. Chiều cùng ngày, Quốc hội tiến hành bầu Thủ tướng Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Tiếp đó, Quốc hội sẽ tiến hành quy trình bầu các chức danh Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, đồng thời phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ. Sau khi được bầu, các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao sẽ tiến hành nghi lễ tuyên thệ nhậm chức.
Bên lề Quốc hội, trả lời câu hỏi về đánh giá hoạt động của các thành viên Chính phủ trong thời gian qua, ĐBQH Đặng Ngọc Nghĩa (đoàn Thừa Thiên - Huế) cho rằng: “3 tháng kể từ khi được kiện toàn tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII đến nay, thời gian chưa nhiều để có thể đánh giá toàn diện ngay năng lực điều hành của bộ máy Chính phủ và từng thành viên Chính phủ. Tuy nhiên, qua thực tiễn chỉ đạo, điều hành của Chính phủ thời gian qua, các ĐBQH cũng có thêm cơ sở để xem xét, cân nhắc kỹ lá phiếu đối với những chức danh quan trọng của Chính phủ và từng tư lệnh ngành.
Với những kết quả đầu tiên của Chính phủ thể hiện trong 3 tháng qua, chúng tôi tin tưởng Chính phủ mới sẽ làm tốt công việc được giao. Đặc biệt, sự chuyển biến từ thượng tầng sẽ có tác động sâu sắc đến các địa phương. Sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ sẽ thúc đẩy các địa phương sâu sát hơn nữa để giải quyết những vấn đề nóng trong đời sống. Tôi mong muốn Chính phủ phải chú trọng triển khai thực hiện đúng các quy định của pháp luật, phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường. Tôi kỳ vọng mỗi tư lệnh ngành phải xác định cho được chiến lược, mục tiêu trong 5 năm tới sẽ làm được gì. Phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm đối với lĩnh vực mình phụ trách”.
Đặt nhiều kỳ vọng vào Chính phủ, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) nói: “Chính phủ trong nhiệm kỳ mới sẽ có rất nhiều thách thức. Thứ nhất là nợ công đã sát mức trần. Thứ hai là áp lực về cải thiện môi trường. Thứ ba là nền nông nghiệp Việt Nam đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi biến đổi khí hậu. Nhưng ngược lại, chúng ta cũng có rất nhiều cơ hội. Chúng ta có một Chính phủ mới mạnh mẽ trong cải cách hành chính, chủ động tái cơ cấu nền kinh tế. Cùng đó, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn chọn Việt Nam là điểm đến, bằng chứng là trong 6 tháng đầu năm, nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn tăng lên…
3 tháng là quá ngắn để đánh giá, tuy nhiên thị trường cũng đánh giá xu hướng hoạt động của Chính phủ khóa mới là tốt, giúp nhân dân thấy được hình ảnh của một Chính phủ hành động, rất quyết liệt và đã nhìn thẳng vào những khó khăn, thách thức của mình, đối diện với những điều đó để tìm cách giải quyết. Chính phủ đang đi đúng hướng, vấn đề là phải tự tin đi tiếp con đường đã đi”.