Nhiều kiến nghị, giải pháp góp phần giữ vững an ninh, trật tự

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Ngày làm việc thứ hai của Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 77, các đại biểu đã tập trung thảo luận tình hình ANCT, TTAXH, đưa ra kiến nghị, giải pháp với quyết tâm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu yêu cầu đề ra, góp phần giữ vững an ninh Quốc gia, trật tự an toàn xã hội năm 2022 và những năm tiếp theo .

Ngày 28-12, Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 77 tiếp tục chương trình làm việc dưới sự chủ trì của Đại tướng Tô Lâm - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an.

Các đồng chí Thứ trưởng: Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - Uỷ viên Trung ương Đảng và Thiếu tướng Lê Quốc Hùng - Uỷ viên Trung ương Đảng, điều hành phiên thảo luận.

Tấn công mạnh các loại tội phạm hình sự

Đánh giá những đặc trưng hoạt động của tội phạm hình sự trong điều kiện dịch Covid-19, Thiếu tướng Trần Ngọc Hà - Cục trưởng Cục CSHS cho biết, năm 2021, lực lượng CSHS đã nỗ lực triển khai thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, kéo giảm nhiều loại tội phạm. Trong đó có nhiều loại tội phạm giảm sâu như giết người, cướp tài sản, cướp giật tài sản...

Các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 77

Các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 77

Tuy nhiên, một số loại tội phạm về TTXH có liên quan đến chủ trương, chính sách phòng, chống dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, nổi lên là các phương thức, thủ đoạn giả mạo ngành Y tế để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các đối tượng đã lập hàng trăm trang web với mục đích lừa đảo bán các sản phẩm khan hiếm trong mùa dịch; tội phạm chống người thi hành công vụ gia tăng, có nhiều vụ đối tượng manh động, liều lĩnh, sử dụng hung khí tấn công hoặc đâm thẳng vào các tổ công tác, thể hiện sự coi thường pháp luật.

Đặc biệt, xuất hiện thủ đoạn các đối tượng yêu cầu người đi vay là các cô gái bán dâm, chơi bời, lêu lổng thế chấp hình ảnh, video nhạy cảm để phát tán, dán ở nơi công cộng nếu như không trả đúng hạn.

Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, Thiếu tướng Trần Ngọc Hà nhấn mạnh cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia công tác phòng ngừa tội phạm.

Tập trung giải quyết khó khăn của đời sống nhân dân do tác động của dịch Covid-19, nhất là đối với nhóm đối tượng có nguy cơ phạm tội cao; giải quyết mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân ngay từ cấp cơ sở; tuyên truyền vận động nhân dân tham gia phòng ngừa, tố giác tội phạm.

Kịp thời phát hiện và thông báo những phương thức thủ đoạn mới của tội phạm để chủ động nhận diện, phòng ngừa và đấu tranh, ngăn chặn. Đồng thời tăng cường công tác quản lý Nhà nước về ANTT, quản lý cư trú, quản lý các cơ sở, ngành nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT.

Kiến nghị các bộ, ngành liên quan tăng cường quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực tội phạm lợi dụng hoạt động; ngăn chặn kiểm soát chặt chẽ các trang web bất hợp pháp như đánh bạc, quảng cáo cho vay tiền qua các App…

Không để tích tụ thành sai phạm lớn

Tham luận về vấn đề: “Giải pháp công tác Công an phòng, chống tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, góp phần thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long -Cục trưởng Cục CSKT cho biết, năm 2021, lực lượng CSKT đã phát hiện, xác định khâu đột phá, đánh đúng, điều tra làm rõ nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn trong các lĩnh vực tiềm ẩn sai phạm, có tính lan toả “Xử lý một vụ có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực” nhất là trong lĩnh vực đấu thầu, đấu giá, cổ phần hoá, y tế, giáo dục, khoáng sản, buôn lậu, hàng giả.

Lực lượng Công an luôn có mặt ở những điểm nóng, phòng chống dịch Covid-19

Lực lượng Công an luôn có mặt ở những điểm nóng, phòng chống dịch Covid-19

Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh ổn định, lành mạnh, an toàn và thuận lợi trong quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long nhấn mạnh: Lực lượng CSKT sẽ chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng (Thanh tra, Kiểm tra, Kiểm toán, Hải quan, Quản lý Thị trường, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển...) tăng cường công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và phát hiện, xử lý các vụ việc sai phạm từ sớm, từ cơ sở, không để sai phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, phức tạp, dẫn đến thất thoát tài sản Nhà nước, mất cán bộ.

Phối hợp với Cơ quan tư pháp khẩn trương đưa các vụ án điểm ra truy tố, xét xử nghiêm minh phục vụ công tác răn đe, phòng ngừa chung. Đồng thời kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tập trung xây dựng hệ thống văn bản pháp luật để quản lý hiệu quả lĩnh vực phòng chống tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu.

Trong đó cần đẩy nhanh thực hiện Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính, ngăn ngừa tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt”; xây dựng cơ sở dữ liệu Quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập. Đồng thời đẩy nhanh thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 - 2025.

Thực hiện hiệu quả 2 Dự án lớn

Tham luận về Ứng dụng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, căn cước công dân phục vụ phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch, Trung tướng Tô Văn Huệ - Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH cho biết, 2 dự án Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và Dự án quản lý, sản xuất, cấp CCCD là 2 dự án công nghệ thông tin lớn nhất từ trước tới nay, chưa có tiền lệ thực hiện; phạm vi triển khai rộng từ các cơ quan Trung ương đến các tỉnh, thành phố, hơn 700 quận, huyện và trên 11 nghìn xã, phường, thị trấn trên toàn quốc.

Việc nghiên cứu, khai thác, ứng dụng hai dự án trên đã phục vụ có hiệu quả các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là công tác phòng chống dịch Covid ở nước ta.

Trung tâm dữ liệu Quốc gia về dân cư đã phát triển ứng dụng VNEID dựa trên nền tảng dữ liệu Quốc gia về dân cư, CCCD phục vụ phòng chống dịch bệnh; tiêm chủng…

Đơn vị đã nghiên cứu, sản xuất thiết bị đầu đọc thông tin tiêm chủng, góp phần kiểm soát việc đi lại của công dân, kiểm soát dịch bệnh, truy vết nhanh F0 khi có yêu cầu; góp phần quan trọng thực hiện chủ trương hướng tới “bình thường mới”, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covdi-19 theo Nghị quyết 128 của Chính phủ.