Nhiều cặp vợ chồng vô sinh, cùng mắc Thalassemia vẫn sinh con khỏe mạnh nhờ phương pháp mới

ANTD.VN - Sau 3 năm kết hôn, vợ chồng chị Dương Ph.L. và Nguyễn T.A. 2 lần đối mặt với nỗi đau tột cùng khi phải đình chỉ thai nhi vì thai có bệnh lý bất thường. Lúc này họ mới biết, cả 2 đều mang gen tan máu bẩm sinh, cơ hội có con khỏe mạnh rất mong manh…

Vợ chồng chị L. chia sẻ niềm vui có con khỏe mạnh sau 9 năm mòn mỏi chạy chữa

Rơi vào hoàn cảnh còn đau xót hơn rất nhiều, vợ chồng anh Trương V.K (Diễn Châu, Nghệ An) vàonăm 2014, sau 6 năm chạy chữa vô sinh, vợ chồng anh Trương V.K đã sinh đôi nhờ thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON). Nhưng chưa kịp mừng thì anh chị đã phải rơi nước mắt vì một bé bị đa dị tật hệ tiêu hóa, suy dinh dưỡng nặng, có hội chứng bệnh down… Hóa ra anh K. bị mắc bệnh Thalassemia (bệnh tan máu bẩm sinh) – nhưng trong quá trình TTTON đã không được sàng lọc.

Trở lại với cặp vợ chồng chị Dương Ph. L, năm 2010 – 1 năm sau ngày cưới, vợ chồng chị hồi hộp chờ đợi đứa con đầu lòng. Thế nhưng hạnh phúc không mỉm cười với đôi vợ chồng này khi thai nhi mới được 28 tuần tuổi thì buộc phải đình chỉ vì giãn tim, phù rau. Năm 2012, nỗi bất hạnh tiếp tục xảy đến với L. khi chị phải đình chỉ thai nhi lúc đang mang thai ở tuần 22.

Lúc này, hai vợ chồng mới được bác sĩ cho biết, cả hai đều mang gen tan máu bẩm sinh. 5 năm sau đó, vợ chồng chị chạy chữa khắp nơi, nhiều lúc đã định buông xuôi. Cuối cùng may mắn đã mỉm cười vào năm 2017, khi chị được các bác sĩ Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội chuyển phôi thành công ngay từ lần đầu tiên can thiệp. Bước vào tuổi 30, chị sinh được đứa con gái khoẻ mạnh, hoàn toàn không mang gen bệnh tan máu bẩm sinh.

Ngày 18-8, vợ chồng chị L. phấn khởi dắt theo con gái 6 tháng tuổi đến chia sẻ về câu chuyện của mình tại buổi Tổng kết “Tuần lễ Vàng Ươm mầm hạnh phúc 2018” do Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội tổ chức. chị L. kể, đó là niềm hạnh phúc mà đến bây giờ nhớ lại chị vẫn nghĩ như một giấc mơ. Chị L. còn cho biết: “Hiện em vẫn còn trữ phôi và sẽ dự định sinh tiếp trong ba năm tới”.

Cũng đã có nhiều trường hợp mắc các bệnh máu di truyền khác đã sinh được con khỏe mạnh, không mang gen bệnh nhờ TTTON bằng “Giải pháp di truyền cho hỗ trợ sinh sản - nâng cao chất lượng phôi chuyển và sàng lọc trước sinh” do Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội triển khai.

Ths Nguyễn Quang Vinh – Giám đốc trung tâm xét nghiệm di truyền Gentis cho biết, với khả năng chọn lọc sâu, kỹ thuật này giúp loại bỏ những phôi thai bất thường ngay từ giai đoạn mới hình thành, chỉ giữ lại những phôi khoẻ mạnh.

Được biết, sau 2 tuần diễn ra “Tuần lễ Vàng Ươm mầm hạnh phúc 2018”, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã tiếp nhận gần 2.000 cặp vợ chồng đến khám và điều trị.