Nhiều bệnh nhân nguy kịch do côn trùng đốt

ANTĐ - Thời gian gần đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân điều trị do bị các loại côn trùng, bọ xít hút máu tấn công, không ít trường hợp rất nguy kịch. Theo các bác sĩ, vào mùa hè, số người bị côn trùng cắn nhập viện thường gia tăng.

Đa số người bệnh bị côn trùng đốt thường không được phát hiện sớm

Viêm phổi vì ấu trùng mò

Trong số các ca côn trùng đốt người, phải vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị từ đầu hè đến nay thì nguyên nhân do ấu trùng mò đốt phổ biến nhất và cũng gây hậu quả nghiêm trọng nhất. Điển hình như trường hợp của một bệnh nhân nữ, 60 tuổi (ở Can Lộc, Hà Tĩnh) hiện vẫn đang nằm điều trị tại viện trong tình trạng nguy kịch. 

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, trước khi nhập viện 2 tuần, bệnh nhân nói trên bị sốt liên tục, đã điều trị tại một số bệnh viện nhưng không đỡ. Đến ngày thứ 10 kể từ khi bị sốt, bệnh nhân đi khám tại một phòng khám tư  thì phát hiện một vết đốt nhỏ ở vùng bụng và được xác định tình trạng sốt kéo dài, viêm phổi là do ấu trùng mò đốt. Bệnh nhân sau đó được điều trị bằng thuốc đặc hiệu nhưng do tình trạng bệnh đã nặng nên được chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Lúc này, chiếu chụp X-quang cho thấy phổi của bệnh nhân đã trắng xóa.

Trước đó không lâu, một bệnh nhân khác là bà Phạm Thị N., (52 tuổi, ở Mỹ Đức, Hà Nội) cũng vào cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng sốt kéo dài, vàng da toàn thân, có tổn thương gan. Bệnh nhân này được chẩn đoán mắc bệnh truyền nhiễm cấp tính do rickettsia, nguyên nhân do ấu trùng mò (thuộc họ ve) đốt. Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các bệnh do côn trùng, ấu trùng mò đốt xảy ra khá phổ biến trong mùa hè, thường gặp nhất tại các vùng cao hay các vùng quê có nhiều bụi rậm, bởi đây là môi trường sinh sống của các loài này. Riêng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận khoảng trên 20 ca bệnh do nguyên nhân này.

Không thể chủ quan

Bệnh do bị côn trùng đốt thường có đặc điểm lâm sàng là sốt kéo dài 2-3 tuần, trong khi các vết đốt thường nhỏ và khó phát hiện nên phần lớn bệnh nhân không được chẩn đoán đúng ngay từ đầu, dễ bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với bệnh lý khác. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho biết, đa số bệnh nhân đến viện sau khi đã bị sốt dai dẳng cả chục ngày, điều trị tại nhà hoặc qua một số bệnh viện nhưng không khỏi. Mặt khác, ngay cả khi phát hiện có vết đốt của côn trùng thì đa số bệnh nhân cũng có tâm lý chủ quan vì cho rằng côn trùng đốt không quá nguy hiểm và chỉ khi bệnh tiến triển nặng mới đi khám. Cũng vì thế, không ít trường hợp bị côn trùng đốt khi vào viện đã bị các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng, thậm chí tử vong.

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, trên thực tế hầu hết mọi người khi bị côn trùng cắn hoặc đốt chỉ gặp phản ứng nhẹ như đau, ngứa, tấy đỏ, sưng tại chỗ… và đa số tự khỏi trong vòng một vài ngày. Tuy nhiên, một số người nhạy cảm với nọc độc của côn trùng thì có thể bị dị ứng, dẫn đến phù nề, phát ban toàn thân. Tại chỗ vết cắn nếu không vệ sinh sạch sẽ có thể gây nhiễm trùng. Những trường hợp này nếu không được điều trị đúng cách, kịp thời dễ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, mọi người khi phát hiện côn trùng đốt cần phải vệ sinh sạch sẽ vết đốt, theo dõi sức khỏe và kịp thời đến các cơ sở y tế điều trị nếu thấy bệnh có dấu hiệu tiến triển nặng.