Hệ thống camera giám sát tại bến xe Gia Lâm
Ngồi trong phòng vẫn nắm rõ toàn bến
“Xe 16L- 47…, đề nghị di chuyển, không dừng lâu trước cửa bến”, tiếng loa trầm trầm phát ra ở cổng bến xe Gia Lâm. Trời nắng nóng gay gắt, cổng bến xe không hề có bóng dáng nhân viên bảo vệ. Có lẽ vì vậy mà chiếc xe khách 24 chỗ đeo biển kiểm soát của Hải Phòng tranh thủ chạy chậm để câu giờ. Nhưng động thái này đã không thoát được tầm kiểm soát của nhân viên giám sát trật tự bến xe. Sau tiếng loa nhắc nhở, chiếc xe 24 chỗ khẽ tăng tốc, rời cổng bến để xe khác thế chỗ trong trật tự.
Đem “chuyện lạ” này hỏi ông Trần Đình Phong - Trưởng ca điều hành bến xe Gia Lâm, chúng tôi được ông Phong mời vào phòng Trưởng ca. Căn phòng diện tích hơn 5m2, và chiếm phần lớn không gian ấy là thiết bị ghi hình camera kết nối Internet, giúp quan sát được toàn bộ hoạt động trong và xung quanh khu vực bến xe. Từ căn phòng này, những điểm nóng nhất như lối ra, đoạn đầu tuyến phố Ngô Gia Khảm, khu vực bán vé, đều được camera quay cận cảnh, nhận diện rõ những vi phạm của lái, phụ xe. Một bất ngờ khác được đại diện bến xe Gia Lâm thông tin, đó là những hình ảnh tại bến còn được truyền trực tiếp đến 3 điểm khác, chỉ huy CAQ Long Biên, bộ phận ứng trực 113 CAQ Long Biên, và CAP Gia Thụy, địa bàn có bến xe Gia Lâm.
Cuối tháng 6- 2012, để phục vụ công tác đảm bảo TTGT, bến xe Gia Lâm đã phối hợp cùng CAQ Long Biên khảo sát, lắp đặt hệ thống camera giám sát toàn bộ khu vực bến. Mọi hình ảnh vi phạm sẽ được thông tin, xử lý qua bộ đàm.
Khách và bến đều có lợi
Khách đến bến, đi xe phải có vé, điều tưởng như rất đơn giản này nhưng lâu nay không ít bến xe phải đau đầu vì… khó thực hiện. Khách vào bến, tự tìm xe hoặc ra đứng ngoài đường vẫy xe đã trở thành… “nếp xấu” của nhiều người. “Cái nếp ấy khiến ANTT ở bến xe bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, quyền lợi của hành khách không được đảm bảo, bởi không mua vé đồng nghĩa với việc người dân đã mất cơ hội được bảo hiểm khi xảy ra sự cố thông qua chiếc vé đó”, ông Vương Duy Toàn- Phó Giám đốc bến xe phía Nam nhìn nhận.
Hai nguyên nhân cơ bản hình thành “nếp” vào bến xe không mua vé của nhiều người dân, được ông Nguyễn Quốc Uy - Trưởng ca bến xe phía Nam phân tích; trước hết, là việc thực hiện chưa nghiêm túc những quy định đề ra của chính nhân viên các bến xe. Thứ hai, là do nhận thức của chính hành khách. Ông Uy cho biết, nội quy đối với hành khách ra vào bến được niêm yết công khai, nhưng rất ít người đọc.
Tại bến xe phía Nam, đơn vị quản lý bến thiết kế và hướng dẫn rất rõ lối ra, vào. Nhưng theo quan sát của chúng tôi, lối ra của ô tô- phía đường Giải Phóng, dù có biển cấm nhưng rất nhiều người dân vẫn thản nhiên đi bộ ngược chiều xe ô tô. Tình huống này, có thời điểm, đơn vị quản lý bến phải đóng cửa để buộc người dân phải đi qua khu vực mua - soát vé. Cùng cách nghĩ- cách làm như bến xe phía Nam, bến xe Nước ngầm áp dụng hệ thống cửa quay, phân khu vực phục vụ khách rất sáng tạo. Lối ra vào tách biệt. Cửa vào chỉ có thể xoay vào, cửa ra chỉ có thể xoay ra. Tại các vị trí này, nhà bến bố trí 1 nữ nhân viên kiểm soát. Nguyên tắc hoạt động của “xe ôm” và taxi tại bến xe Nước ngầm cũng tương đối khoa học. Các xe được bố trí vị trí dừng đỗ riêng, và từ đó, lái xe đi bộ vào vị trí ô tô trả khách để mời chào khách. Khu vực này có nhân viên của bến giám sát, và khi lái xe taxi hay “xe ôm” có biểu hiện chèo kéo, lập tức sẽ bị “mời” ra ngoài…